Mohamed Baro, người Hồi giáo đến từ Ai Cập, kể với VnExpress rằng trong hai tuần ở Đà Nẵng khi đó, ông đã phải tự mua trứng gà, rau củ nấu ăn tại nhà, sau khi đã lục tung cả thành phố mà không thấy nhà hàng Halal nào. Ông cũng không tìm được cửa hàng bán thịt bò hay thịt gà đáp ứng tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo.
“Rất may là tôi từng mở một nhà hàng nên có kinh nghiệm nấu nướng và có thể tự mua nguyên liệu nấu tại nhà cho gia đình”, Baro nói. “Đồ chay cũng nằm trong số các món ăn mà người Hồi giáo có thể sử dụng”.
Người theo đạo Hồi như ông Baro buộc phải sử dụng thực phẩm Halal theo những quy chuẩn khắt khe, đặc biệt là với thịt. Thuật ngữ Halal trong Hồi giáo được dùng để chỉ sản phẩm được phép dùng hoặc hành động được làm đối với các tín đồ.
Họ không được dùng sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn, mỡ lợn hay các loài động vật ăn thịt. Các loài động vật ăn cỏ chỉ được coi là thực phẩm Halal nếu được giết mổ theo đúng quy định. Theo đó, động vật phải được cho ăn ở chế độ tự nhiên, không chứa các sản phẩm làm từ động vật khác, quá trình giết mổ cũng phải tuân thủ quy trình khắt khe được chứng nhận.
Chỉ khi đến TP HCM, ông mới tìm được một thương hiệu bán thịt gà có tem chứng nhận Halal được bày bán tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi gần nơi ông làm việc.
Với những sản phẩm không có tem chứng nhận Halal, Baro phải đọc kỹ thành phần để xem chúng có phù hợp với quy định Hồi giáo hay không. Một số thành phần được viết dưới dạng mã số, buộc ông phải tra cứu để chắc chắn đó là nguyên liệu phù hợp.
“Một quá trình dài, nhưng là cách để tôi không ăn bất kỳ thứ gì mà tôi không chắc về nó”, Baro chia sẻ.
Ngoài chật vật trong lựa chọn thực phẩm, Baro cũng gặp một số trở ngại khi ra ngoài ăn uống cùng bạn bè ở Việt Nam, nhất là khi tới những nhà hàng không làm sản phẩm phù hợp với người Hồi giáo.
Ông thường báo trước với bạn bè để lưu ý về những món mình không được phép ăn theo quy định của đạo Hồi. “Khi vài người bạn hỏi lý do, tôi rất sẵn lòng giải thích cho họ. Tất cả bạn bè và đồng nghiệp đều tôn trọng tôn giáo của tôi, như việc tôi tôn trọng những tôn giáo khác. Sau một vài cuộc gặp, chúng tôi đã thống nhất về một số địa điểm có thể dùng bữa cùng nhau”, ông nói.
Song Baro cũng bày tỏ lo ngại khi một số nhà hàng quảng cáo bán đồ chay nhưng lại sử dụng mỡ động vật, dù rất ít, hay dùng gia vị có thành phần từ thịt heo, vốn bị cấm sử dụng trong đạo Hồi.
“Nếu đã đưa ra yêu cầu khi gọi món tại nhà hàng nhưng vẫn ăn phải món sử dụng nguyên liệu và gia vị không đúng quy định Halal, tôi có thể phần nào không vi phạm quy định vì không thể làm khác được. Tôi đã làm mọi thứ trong khả năng để tôn trọng tôn giáo của mình”, ông nói.
Trong khi những người theo trường phái “ôn hòa” như Baro có thể chấp nhận những sản phẩm đúng thành phần mà không bắt buộc phải được chứng nhận Halal, có những tín đồ theo trường phái “nghiêm khắc”, chỉ sử dụng những sản phẩm có chứng nhận rõ ràng.
Những người này thường chỉ chọn sản phẩm có chứng nhận Halal được bán trong các siêu thị nhập khẩu nhằm đảm bảo yên tâm về thành phần. Tuy nhiên, với những người Hồi giáo sang Việt Nam du lịch hoặc công tác ngắn ngày, việc tìm thực phẩm hoặc nhà hàng Halal là một thách thức không nhỏ.
Trước nhu cầu thực tế này, để giúp những người Hồi giáo không phải ăn chay bất đắc dĩ như mình khi mới đến Việt Nam, Baro đã thành lập và quản trị một nhóm trên mạng xã hội, với tên gọi người Hồi giáo tại TP HCM, có hơn 1.300 thành viên, sẵn sàng giúp đỡ những người có nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal tại thành phố.
Cũng nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm Halal tại Việt Nam gia tăng khi ngày càng nhiều người Hồi giáo đến đây du lịch, làm việc, ông Ramlan Osman, đến từ Malaysia, đã đến Việt Nam năm 2019 và thành lập Trung tâm Halal Việt Nam (VHC), nhằm thúc đẩy thị trường này.
Ông cho biết mình đã có 13 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Halal từ khi còn ở Malaysia. “Kinh tế Halal và chứng nhận Halal là một phần trong công việc của tôi”, Ramlan nói.
Thị trường Halal toàn cầu hiện có trị giá 7.000 tỷ USD, ước tính đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028, theo ông Angus Liew Bing Fooi, Phó chủ tịch cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia (MBC) Việt Nam.
Ramlan ước tính chỉ tính riêng lĩnh vực thực phẩm Halal đã chiếm khoảng 3.000 tỷ USD. Phần còn lại đến từ nhiều lĩnh vực khác của ngành Halal như dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm y tế, đồ vệ sinh cá nhân và thiết bị y tế.
Với nhu cầu ngày càng tăng trong ngành công nghiệp Halal toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về nguồn lao động và sản xuất trong nước để tiến vào thị trường hấp dẫn này. Theo World Population Review, trên thế giới hiện có 1,9 tỷ người Hồi giáo, khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có phần đông dân số theo đạo Hồi.
Tuy nhiên, ông Ramlan nhận định Việt Nam muốn tăng tốc tham gia thị trường Halal cần có lộ trình và nền tảng vững chắc. Điều đó bắt đầu với việc xây dựng một cơ quan nhằm phát triển và thương mại hóa các sản phẩm Halal, tương tự nhiều quốc gia châu Á, như Hiệp hội Halal Hàn Quốc (KOHAS) hay Hiệp hội Hồi giáo Nhật Bản (JAM).
Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA), các sản phẩm thực phẩm Halal chủ yếu gồm thịt gia súc, gia cầm, hải sản chế biến, trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, dầu, chất béo và bánh kẹo.
Theo quy định, để được coi là thịt Halal, những con vật phải còn sống trước khi bị mổ. Dụng cụ giết mổ phải sắc bén để đảm bảo tính nhân đạo, con vật phải được rút hết máu ra khỏi thân thịt. Người giết mổ thường phải thực hiện một số nghi thức Hồi giáo trước khi làm thịt.
Ông Ramlan nói hiện Việt Nam chưa có lò giết mổ gia súc theo quy định Halal, phải nhập sản phẩm như thịt bò chuẩn Halal từ nước khác. Sản xuất hạn chế và nhu cầu trong nước còn thấp phần nào khiến những sản phẩm Halal thường chỉ được bán trong vài siêu thị, nhà hàng.
Với mong muốn tăng cường khả năng giúp người Hồi giáo ở Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm Halal, ông Ramlan đang lên ý tưởng phối hợp cùng các đối tác xây dựng một ứng dụng. Ứng dụng này không chỉ cung cấp thông tin về các nhà hàng Halal ở Việt Nam, mà còn là địa chỉ nhà thờ, cửa hàng có bán nguyên liệu Halal, điểm du lịch, khách sạn và tiệm quần áo phù hợp với người Hồi giáo.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.
Ông Angus Liew, Phó chủ tịch MBC Việt Nam, cho rằng tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp Halal với Malaysia có thể là cánh cửa giúp Việt Nam tiến sâu vào thị trường toàn cầu, bởi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lương thực và xuất khẩu, trong khi Malaysia có chuyên môn về chứng nhận Halal.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM, hoạt động xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal mới chỉ ở bước khai phá. Cả nước mỗi năm có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Ramlan, nhà sáng lập VHC, cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành Halal ở Việt Nam, trong đó có xây dựng các khóa học về ngành công nghiệp Halal để nâng cao nhận thức cho người kinh doanh và doanh nghiệp về lĩnh vực này.
Ông cho rằng kinh doanh sản phẩm Halal không đơn thuần là tuân thủ yêu cầu về thành phần, mà còn phải hiểu văn hóa và mong muốn của người Hồi giáo.
“Đó là lý do tôi đang nỗ lực kết nối các công ty và cơ sở sản xuất ở Việt Nam để cho ra được nguyên liệu thô trong nước. Việc có chứng nhận Halal là bước cuối cùng”, Ramlan nói.
Anh Hoàng
Để lại một phản hồi