Nước châu Á ‘có thể thay đổi cuộc chơi toàn cầu’ trượt vé BRICS: ‘Ngã ngựa’ vì lý do bất ngờ, trở tay không kịp

TIN MỚI

    Từ ngày 1/1/2024, Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập sẽ chính thức trở thành thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.

    Trước đó, hơn 20 quốc gia, bao gồm cả Bangladesh, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Tuy nhiên, chỉ có 6 nước trong số này được các thành viên then chốt của BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chấp thuận cho gia nhập khối, nâng tổng số quốc gia thành viên của BRICS lên 11 nước.

    Bangladesh đã chính thức bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập BRICS vào tháng 6 năm nay, thu hút sự chú ý lớn của các chuyên gia. Nhiều phân tích đã được đưa ra nhằm làm rõ lợi thế và bất lợi tiềm ẩn nếu Bangladesh trở thành thành viên BRICS.

    Nhân tố ‘thay đổi cuộc chơi toàn thế giới’

    Theo tờ Business Standard, là ví dụ điển hình về sự phát triển kinh tế “đầy ngoạn mục”, Bangladesh nổi lên như một ứng viên đầy tiềm năng cho chiếc ghế thành viên của BRICS.

    Chuyên gia Md. Badrul Millat Ibne Hannan của Business Standard nhận định, nếu các nước thuộc nhóm N-11 (gồm Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Mexico, Nigeria, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) gia nhập BRICS thì bối cảnh hiện tại của toàn thế giới sẽ thay đổi, trong đó Bangladesh đóng vai trò là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”.

    Nước châu Á 'có thể thay đổi cuộc chơi toàn cầu' trượt vé BRICS: 'Ngã ngựa' vì lý do bất ngờ, trở tay không kịp - Ảnh 1.

    Bangladesh đã không thể gia nhập BRICS lần này. Ảnh: DW

    Không chỉ giữ vai trò “cửa ngõ” giữa Nam Á và Đông Nam Á, Bangladesh còn có nền kinh tế phát triển và mở rộng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Với các thành tích tăng trưởng gần đây, quốc gia này đã cho thấy chân dung “một nhà lãnh đạo của thế giới đang phát triển”, có khả năng kết nối với các thực thể kinh tế lớn.

    Theo vị chuyên gia, Bangladesh có thể giúp BRICS nắm bắt cơ hội hợp tác với các khối thương mại khổng lồ trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội Nam Á về hợp tác khu vực (SAARC), Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC).

    Đó là chưa kể tới việc chính phủ Bangladesh đang áp dụng cách tiếp cận cân bằng chiến lược để duy trì hành trình phát triển. Vì thế, với sự gia nhập của Bangladesh, BRICS có thể xem như đã có được một chiến thắng ngoại giao trước phương Tây.

    Được Trung Quốc hậu thuẫn

    Trong quá trình xin gia nhập BRICS, Bangladesh đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Trung Quốc. Theo đài BSS Africa, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23/8 – một ngày trước khi BRICS công bố kết quả thành viên mới – đã lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc sẽ luôn ở bên Bangladesh khi cần, ví dụ như ủng hộ nước này gia nhập BRICS.

    “Tôi sẽ luôn ủng hộ bà [Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina] để Bangladesh có thể gia nhập BRICS” – Ngoại trưởng Bangladesh AK Abdul Momen nhắc lại lời ông Tập nói với bà Hasina trong cuộc trò chuyện song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi (22-24/8).

    Cũng trong cuộc trò chuyện này, ông Tập đã kêu gọi phát huy tối đa sự bổ trợ kinh tế giữa hai nước, đồng thời đảm bảo hợp tác để đưa Bangladesh trở thành quốc gia thịnh vượng và phát triển “trong thời gian nhanh nhất có thể”.

    Nước châu Á 'có thể thay đổi cuộc chơi toàn cầu' trượt vé BRICS: 'Ngã ngựa' vì lý do bất ngờ, trở tay không kịp - Ảnh 2.

    Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

    Trước đó, khi trò chuyện với các phóng viên tại văn phòng ngày 17/8, Ngoại trưởng Bangladesh AK Abdul Momen cho biết, Tổng thống Nam Phi Matamela Cyril Ramaposha đã mời thủ tướng Sheikh Hasina tham gia BRICS. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng Bangladesh sẽ có mặt trong danh sách các thành viên mới.

    “Đang có một cuộc tranh luận về việc kết nạp thành viên mới. Ba quốc gia muốn kết nạp thêm thành viên, trong khi Ấn Độ và Brazil muốn tập trung vào việc xây dựng các quy tắc và quy định mới. Tổng thống Nam Phi lúc đó nói rằng họ muốn kết nạp 4 quốc gia. Khi chúng tôi muốn biết đó là những nước nào thì ông ấy nói Saudi Arabia, UAE, Indonesia và Bangladesh” – Ông Momen cho hay.

    “Chúng tôi chắc chắn sẽ tham gia [BRICS] khi họ mời chúng tôi” – Vị Ngoại trưởng nhấn mạnh.

    Cuối cùng vẫn trượt vé vào: Lý do là gì?

    Nhật báo Prothom Alo của Bangladesh cho biết, quy trình tuyển chọn thành viên của BRICS khá phức tạp.

    Một trong những chủ đề thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra tại Nam Phi từ ngày 22-24/8 vừa qua là “mở rộng khối”. Tuy nhiên, cho tới trước thời điểm công bố được đưa ra, không có bất cứ sự chắc chắn nào về việc mở rộng, do BRICS chưa xây dựng được quy trình kết nạp thành viên một cách rõ ràng.

    Các nhóm truyền thông quốc tế cho rằng 5 quốc gia thành viên BRICS khó có thể đạt được sự đồng thuận về quy trình kết nạp thành viên mới. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn sau đề xuất của Ấn Độ.

    Cụ thể, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất rằng, BRICS không nên lựa chọn những nước có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt toàn cầu. Ngoài ra, việc tuyển chọn thành viên nên dựa trên GDP tối thiểu của từng nước.

    “Không rõ đề xuất này được cân nhắc tới đâu, vì Ethiopia – quốc gia vừa được mời gia nhập BRICS – có GDP thấp hơn Bangladesh” – Tờ Prothom Alo bình luận.

    Giáo sư Danny Bradlow tại Đại học Pretoria nhận định: “Thật khó để tìm thấy điểm chung giữa 6 quốc gia được mời gia nhập BRICS, ngoại trừ việc họ đều là những quốc gia quan trọng trong khu vực”.

    Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu cấp cao Sanusha Naidu tại Viện Đối thoại Toàn cầu, BRICS đang lấy Trung Đông làm trung tâm và “rất tập trung vào năng lượng”.

    Nước châu Á 'có thể thay đổi cuộc chơi toàn cầu' trượt vé BRICS: 'Ngã ngựa' vì lý do bất ngờ, trở tay không kịp - Ảnh 3.

    Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (phải) và Tổng thống Nam Phi Matamela Cyril Ramaposha. Ảnh: ddnews

    Tuy nhiên, theo Prothom Alo, quy trình tuyển chọn phức tạp không phải là lý do chính khiến Bangladesh trượt vé vào BRICS. Phần nhiều nguyên nhân nằm ở việc Bangladesh “đã không làm gì, ngoại trừ việc nộp đơn xin gia nhập”.

    Tờ Prothom Alo cho rằng, Bangladesh đã không nhận thức đúng đắn về tiêu chí dành cho thành viên mới hoặc “không tìm cách tìm hiểu”.

    Ngày 14/6, Bangladesh chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, suy nghĩ “chỉ cần nộp đơn là có thể trở thành thành viên” rất phi thực tế. Các thành viên của BRICS cần đạt được sự đồng thuận để kết nạp thành viên mới. Do đó, quốc gia ứng viên cần tiến hành các bước như gửi thư đến người đứng đầu chính phủ 5 nước thành viên then chốt, đồng thời cử đặc phái viên đi thuyết phục.

    “Thế nhưng, Bangladesh không làm gì khác ngoài việc nộp đơn” – Prothom Alo nhấn mạnh.

    Một nguồn tin nói với Prothom Alo, sau khi nhận được thông tin rằng có sự khác biệt trong tiêu chí thành viên mới, Bangladesh “đã mất hy vọng vào việc trở thành thành viên BRICS” . Lúc này, họ chẳng thể làm gì nữa cả.

    Quốc gia nắm giữ thứ cả thế giới săn lùng trượt vé vào BRICS: Sẵn sàng chia cả ‘kho báu’ mà không trúng!

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *