Cựu tổng thống Donald Trump ngày 3/8 trình diện tòa án liên bang ở thủ đô Washington để nghe cáo trạng truy tố ông vì âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Cáo trạng, dài 45 trang, được đưa ra trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Jack Smith.
Ông Trump đeo cà vạt đỏ, mặc bộ vest xanh dương có gắn huy hiệu quốc kỳ Mỹ. Khoảng 10 đặc vụ Mật vụ đứng đảm bảo an ninh đứng phía sau cựu tổng thống. Ông Trump ngồi cách không xa Smith nhưng hai người không trao đổi.
Phiên tòa kéo dài khoảng 30 phút. Cựu tổng thống không nói nhiều. Ông tự bào chữa thay vì để luật sư John Lauro đại diện cho mình.
“Không có tội”, ông Trump nói, nhấn mạnh từ đầu tiên, sau khi thẩm phán phụ trách Moxila Upadhyaya đọc 4 cáo buộc trong cáo trạng cùng bản án tối đa nếu cựu tổng thống Mỹ bị kết tội. Các cáo buộc gồm âm mưu lừa gạt nước Mỹ, án tù tối đa 5 năm, cấu kết và cản trở một quy trình nhà nước, án tù tối đa 20 năm và cấu kết chống lại quyền của công dân Mỹ, án tù lên đến 10 năm.
Sau phiên tòa, ông Trump được phép rời đi, với một số điều kiện tối thiểu như không được phép trao đổi trực tiếp với bất kỳ ai có thể là nhân chứng, trừ khi thông qua luật sư.
Thẩm phán Upadhyaya ấn định ngày điều trần tiếp theo là 28/8, 5 ngày sau khi đảng Cộng hòa tổ chức vòng tranh luận sơ bộ đầu tiên cho các ứng viên tổng thống, và ông Trump không bắt buộc phải trình diện tòa. Thẩm phán liên bang Tanya Chutkan phụ trách xét xử.
Bà Chutkan sẽ ấn định ngày xét xử, thẩm phán Upadhyaya cho biết.
Bà Upadhyaya cho các công tố viên một tuần để đưa ra đề xuất và đội ngũ pháp lý của ông Trump có một tuần để phản hồi. Luật sư Lauro đã đăng ký phản đối trước, lập luận rằng quy mô vụ án và khối lượng tài liệu liên quan cần nhiều thời gian để xử lý, trong khi công tố viên Thomas Windom phản hồi rằng có thể xét xử như bình thường.
Ông Trump trả lời báo giới trước khi lên máy bay rời Washington về Bedminster, bang New Jersey. Ông mô tả đây là “một ngày buồn với nước Mỹ” và vụ kiện là “truy tố nhằm vào đối thủ chính trị, điều không bao giờ nên xảy ra ở Mỹ”.
Tổng thống Joe Biden đang nghỉ dưỡng ở bang Delaware. Ông chủ Nhà Trắng trả lời “không” khi được hỏi liệu ông có theo dõi quá trình xét xử người tiền nhiệm.
Đây là lần thứ ba ông Trump bị truy tố vì các bê bối pháp lý cá nhân.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 9/6 công bố cáo trạng 49 trang, trong đó có 37 cáo buộc liên quan cuộc điều tra ông Trump giữ trái phép tài liệu mật ở tư dinh, cũng do công tố viên Smith phụ trách. Cơ quan này cuối tháng 7 bổ sung thêm ba cáo buộc với cựu tổng thống Mỹ.
Với động thái này, ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố cấp liên bang. Tòa dự kiến xét xử vào tháng 5/2024. Nếu bị kết tội theo Đạo luật Gián điệp Mỹ, ông khó tránh nguy cơ lĩnh án tù với mức tối đa là 20 năm. Phe Cộng hòa coi đây là động thái nhằm cản bước cựu tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Ông Trump cuối tháng 3 trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố, liên quan đến cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thẩm phán New York ấn định sẽ xét xử vụ kiện vào tháng 3/2024.
Cựu tổng thống Mỹ còn đối mặt cuộc điều tra về nỗ lực nhằm thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 ở bang Georgia. Hồ sơ tòa án cho thấy các luật sư của ông Trump đã kiến nghị tòa thượng thẩm Georgia truất quyền công tố viên phụ trách điều tra Fani Willis và bác báo cáo từ một đại bồi thẩm đoàn về khuyến nghị truy tố một số cá nhân.
Thẩm phán Robert McBurney, tòa thượng thẩm hạt Fulton, ngày 31/7 đã bác đơn từ phía ông Trump. Trong khi đó, Willis ám chỉ sẽ đề nghị một đại bồi thẩm đoàn thông qua các cáo buộc với ông Trump trong vòng ba tuần tới và đội ngũ của bà sẽ làm việc từ xa để đảm bảo an toàn.
Cảnh sát trưởng hạt Fulton cho biết ông Trump sẽ được đối xử như bị can bình thường nếu bị truy tố ở bang Georgia.
Bê bối pháp lý không ảnh hưởng đến vị thế của ông Trump trong cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa. Kết quả khảo sát Reuters/Ipsos thực hiện sau khi cáo trạng được công bố ngày 1/8 cho thấy 47% người trả lời ủng hộ cựu tổng thống Mỹ, trong khi tỷ lệ này của ứng viên số hai Ron DeSantis là 13%.
75% người tham gia khảo sát đồng ý các cáo buộc “có động cơ chính trị”. Tuy nhiên, khoảng 50% nói sẽ không bỏ phiếu cho Trump nếu ông bị kết tội, cho thấy rủi ro tiềm ẩn từ các bê bối pháp lý đến tư cách ứng viên của cựu tổng thống Mỹ.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)
Để lại một phản hồi