Vài tuần sau khi mâu thuẫn Nga – Ukraine nổ ra vào năm ngoái, một quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ áp một loạt lệnh trừng phạt, khiến nền kinh tế Nga sụt giảm một nửa.
Tuần trước, IMF đưa ra những thông tin lạc quan cho Điện Kremlin, kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay nhờ chi tiêu mạnh mẽ của nhà nước. Năm ngoái, kinh tế Nga giảm 2,1% và là nền kinh tế lớn chịu trừng phạt nhiều nhất thế giới.
Các nhà kinh tế cho rằng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Nga trì trệ trong những năm tới. Song, dự đoán của họ bắt đầu cho thấy những sai lầm. Phương Tây đã không thể khiến kinh tế Nga “gục ngã” vì những đòn trừng phạt.
Khi được công bố, các lệnh trừng phạt được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả là có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử và cú sốc ban đầu đã khiến thị trường tài chính Moscow chao đảo. Nhưng hiện tại, nền kinh tế Nga vẫn đang “đứng vững”.
Ban đầu, các biện pháp trừng phạt khiến Nga thiếu hụt vi mạch và linh kiện công nghệ cao, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa có thể nhắm mục tiêu chính xác của nước này. Tuy nhiên, kể từ đó, Moscow lại tìm ra những cách thức khác để thực hiện mục tiêu của mình.
Trong khi đó, dầu thô của Nga vẫn tiếp tục “đắt hàng”, dù giá thấp hơn gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Các nhà phân tích cho rằng, tác động chính của các biện pháp trừng phạt sẽ cản trả đà tăng trưởng kinh tế của nước này trong dài hạn.
Các nhà phân tích giải thích, đằng sau khả năng hồi phục của nền kinh tế Nga là những bước đi thúc đẩy mạnh mẽ từ phía chính phủ, trong đó có sự chuyển hướng thương mại chưa từng có sang những đối tác như châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chi tiêu của chính phủ Nga/GDP đã tăng 13,5% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng cao nhất theo dữ liệu được theo dõi từ năm 1996. Các nhà kinh tế cho rằng, phần lớn đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp của Nga là nhờ vũ khí và trang thiết bị.
Hơn nữa, các ngành khác liên quan đến quân sự cũng tăng trưởng, như sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và quang học cũng tăng 30%, trong khi sản lượng đồ may mặc đặc biệt tăng 76%. Ngược lại, sản lượng ô tô giảm hơn 10% so với năm trước.
Nhu cầu toàn cầu với hàng hoá của Nga cũng thúc đẩy nền kinh tế nước này. Năm ngoái, Nga ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục. Năm nay, lệnh cấm nhập khẩu với hầu hết các sản phẩm dầu Nga từ EU đã khiến giá hàng hoá của nước này sụt giảm.
Các nhà nghiên cứu tại Capital Economics dự đoán, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm từ 340 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 200 tỷ USD trong năm nay và ổn định ở mức này vào năm 2024.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Nga chỉ giảm nhẹ. Moscow đã nỗ lực tìm mọi cách để bán dầu cho châu Á, với đội tàu “ma” và đội tàu thuê từ bên ngoài. Trong những tuần gần đây, động thái trên cũng giúp giảm áp lực giá đi xuống đối với dầu Nga so với giá chung của thế giới.
Ở Mỹ, các quan chức cho biết để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, các chính phủ phải kiểm soát nghiêm ngặt và có các giải pháp thay thế cho hàng hoá của Nga. Cho đến nay, nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu của Nga cho thấy nhiều kết quả khác nhau.
Nicholas Mulder, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt, cho biết nỗ lực trừng phạt một quốc gia lớn như Nga của phương Tây có thể là câu chuyện mang tính cảnh báo lâu dài. Theo ông, việc tách rời Nga khỏi nền kinh tế thế giới là điều không thể. Nga vẫn nắm giữ nguồn nguyên liệu thô chính cho các nền kinh tế phát triển và là nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng cho các nước đang phát triển.
Mulder nói thêm, việc Moscow nhanh chóng “xoay trục” sang châu Á có thể mang lại lợi thế cho họ. Ông cho hay: “Trên thực tế, Nga đã tiếp xúc với khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. 3/4 đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ là ở châu Á. Với sự hợp tác của châu Á, kinh tế Nga không thể bị tê liệt.”
Tham khảo WSJ
Để lại một phản hồi