Srettha Thavisin – trùm bất động sản trở thành Thủ tướng Thái Lan

Quốc hội Thái Lan ngày 22/8 bầu tân thủ tướng là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin, 60 tuổi, ứng viên từ đảng Pheu Thai. Diễn biến mới nhất này giúp chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị của Thái Lan.

Đảng Pheu Thai đã lập liên minh với 10 đảng, trong đó có hai đảng liên quan đến quân đội, để thành lập chính phủ. Pheu Thai là đảng nhận được nhiều phiếu bầu thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, sau Move Forward, với 141 ghế.

Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 21/8. Ảnh: Reuters

Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 21/8. Ảnh: Reuters

Sinh năm 1963, ông Srettha có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont, Mỹ.

Ông sở hữu chiều cao 1,91 m và là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Srettha bắt đầu con đường sự nghiệp với vai trò trợ lý giám đốc tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble tại Thái Lan rồi dẫn dắt Sansiri, công ty phát triển bất động sản của gia đình.

Trước khi từ chức vào tháng 4 năm nay để tham gia cuộc tổng tuyển cử, Srettha giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành Sansiri, công ty có giá trị khoảng 880 triệu USD trên thị trường chứng khoán Thái Lan.

Là bạn của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ông Srettha rất được yêu mến trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo một cuộc khảo sát do báo địa phương Krungthep Turakij thực hiện, khoảng 66% trong 100 giám đốc điều hành (CEO) tham gia cuộc thăm dò nói rằng muốn ông Srettha trở thành tân thủ tướng.

Trong một lần trả lời báo chí quốc tế, Srettha cho biết ông tham gia chính trường và hướng tới ghế thủ tướng bởi cảm nhận được nỗi thất vọng trong công chúng Thái Lan.

“Hãy nhìn xung quanh khi ngồi trên đỉnh kim tự tháp, bạn sẽ thấy cách những người bên dưới sống”, ông nói. “Tôi cảm thấy thất vọng vì những điều mình chứng kiến, vì chênh lệch xã hội, giáo dục, y tế hay những thứ cơ bản khác như đồ ăn trên bàn. Đó không phải thứ nên diễn ra ở một quốc gia có tiềm năng to lớn như Thái Lan”.

Srettha vận động tranh cử dựa trên những cam kết về kích thích kinh tế, công bằng xã hội và quản trị nhà nước hiệu quả. Ông từng nói hồi tháng 4 rằng các ưu tiên trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng tính và soạn thảo một hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện người dân.

Theo giới quan sát, trên cương vị thủ tướng, ông Srettha sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức. Đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Thái Lan, khiến xuất khẩu sụt giảm và du lịch bị mất đi một lượng du khách lớn. Thái Lan cũng đang phải vật lộn với vấn đề lâu dài là nợ hộ gia đình cao.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Srettha liên tục quảng bá về chính sách của đảng Pheu Thai là tặng 10.000 baht (295 USD) qua ví điện tử cho những người từ 16 tuổi trở lên.

Ông cũng nhấn mạnh Pheu Thai “quan tâm đến nhân quyền” và cho rằng nhiều lao động tay nghề cao đã rời khỏi đất nước trong 9 năm chính quyền quân sự lãnh đạo.

“Mọi người đang ra đi để sử dụng những kỹ năng của mình ở nơi nào đó mà họ có thể sống và thể hiện bản thân tự do hơn. Quyền được lựa chọn, tự do tham gia nghĩa vụ quân sự, quyền LGBTQ, những quyền đó cũng quan trọng như kích thích kinh tế”, ông nói với trang tin Thai Enquirer hồi tháng 5.

Vài ngày trước cuộc bầu cử, ông Srettha tuyên bố sẽ từ chối chức thủ tướng nếu đảng Pheu Thai phải thành lập liên minh với đảng liên quan đến quân đội của cựu thủ tướng Prayut Chan-o-cha hay đảng Palang Pracharath của cựu phó thủ tướng Prawit Wongsuwan.

Ông Prayuth từng lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự năm 2014 lật đổ chính phủ Pheu Thai của Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin.

“Tôi không tin vào các cuộc đảo chính quân sự”, ông Srettha cho hay. “Nghĩ về việc làm việc với họ trong cùng một chính phủ, ngồi cùng một nội các, tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ làm điều đó”.

Giờ đây, khi Pheu Thai tuyên bố liên minh với các đảng của ông Prayuth và ông Prawit, Srettha nói với báo giới hôm 21/8 rằng ba tháng bế tắc chính trị tại Thái Lan đã khiến ông “phải quên đi những gì đã nói”.

Srettha cho biết bản thân cảm thấy rất buồn trước những ý kiến chỉ trích từ công chúng về quyết định này của đảng. “Nhưng chúng ta đang sống với thực tại. Nhiều người đang chờ đợi chính phủ và các chính sách của đảng, những chính sách không thể thực hiện được nếu không có chính phủ do Pheu Thai lãnh đạo”, ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Bloomberg, Al Jazeera)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*