Cole Millington, cư dân Lahaina, đang ngồi trên xe cùng chó cưng và chiếc túi hành lý khi cảnh báo khẩn cấp hiện lên trên điện thoại vào chiều 8/8.
“Tuy nhiên, chúng tôi không được thông báo về việc phải sơ tán”, anh nói. Chỉ khi nhìn thấy đám khói đen khổng lồ bốc lên trên bầu trời thị trấn Lahaina, Millington mới nhận ra đó là dấu hiệu cảnh báo thực sự.
Millington và những người bạn cùng phòng đã hoảng loạn tháo chạy khi đám cháy rừng bắt đầu thiêu rụi những khu vực rộng lớn trên đảo Maui, Hawaii, giết chết ít nhất 93 người và phá hủy hàng nghìn công trình, trong đó có nhà của Millington.
Cảnh báo trên điện thoại di động “thực sự vô dụng”, Millington, chủ sở hữu một công ty nước sốt tại thị trấn lịch sử của Hawaii, nói. “Chúng tôi có hệ thống cảnh báo sóng thần mà tôi nghĩ lẽ ra nên được sử dụng trong trường hợp này. Rất nhiều người cũng cảm thấy họ hoàn toàn không được cảnh báo về thảm họa cháy rừng”.
Bang Hawaii đã nhiều lần ca ngợi về hệ thống cảnh báo ngoài trời lớn nhất thế giới của họ, với khoảng 400 còi báo động được bố trí khắp các đảo. Nhưng khi cháy rừng xảy ra, những còi báo này đã không được kích hoạt, theo Adam Weintraub, phát ngôn viên từ Cơ quan Phản ứng Khẩn cấp Hawaii.
Tại Maui, hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Hawaii, 80 còi báo động ngoài trời được bố trí để cảnh báo sớm cho cư dân về sóng thần và các thảm họa thiên nhiên khác. Nhưng chúng hoàn toàn im bặt khi người dân tháo chạy vì cháy rừng tuần trước.
“Theo những gì chúng tôi biết, không ai ở chính quyền bang Hawaii hay hoạt Maui kích hoạt những còi báo động đó”, Weintraub cho hay.
“Trên điện thoại di động, chúng tôi nhận được cảnh báo về gió mạnh và có thể xảy ra hỏa hoạn”, Allen Vu, cư dân Lahaina bị mất nhà trong vụ cháy, nhớ lại. “Nhưng không có thông điệp thực sự mạnh nào như kiểu cảnh báo bão mà chúng tôi thường nhận được với tiếng chuông lớn kèm rung mạnh từ điện thoại. Chúng tôi không nhận được những tín hiệu như thế. Không có còi báo động”.
Vu và Millington nằm trong số rất nhiều cư dân Maui đang đặt câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo khẩn cấp khi các đám cháy lan nhanh khắp thị trấn Lahaina hồi đầu tuần trước, gây ra thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử bang Hawaii.
Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez sẽ phụ trách một cuộc đánh giá toàn diện về cách chính quyền bang phản ứng khẩn cấp với thảm họa, nhằm “hiểu hơn về các quyết định được đưa ra trước và trong các vụ cháy rừng”.
Hạ nghị sĩ Jill Tokuda cho biết Hawaii “đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của đám cháy”, đồng thời tính năng dự phòng trong hệ thống cảnh báo khẩn cấp đã thất bại.
Cư dân Hawaii từ lâu đã quen với các cuộc diễn tập hệ thống còi báo động được tiến hành hàng tháng.
“Chúng tôi dựa vào hệ thống còi báo động để giữ an toàn cho người dân trước một số tình huống như sóng thần hay cháy rừng”, nghị sĩ Tokuda nói hôm 12/8. “Đó lẽ ra phải là tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng tôi. Thật không may, cảnh báo cháy rừng lại đến từ điện thoại, trong khi một số nơi không có sóng điện thoại”.
Do hệ thống còi báo động của Maui không được kích hoạt, các thông điệp khẩn cấp chủ yếu được chuyển tới người dân qua điện thoại và truyền hình, vào thời điểm mà hầu hết điện lưới và sóng di động đều đã mất do cháy rừng lan rộng.
Đến cuối tuần qua, hệ thống liên lạc vẫn chập chờn. Nhiều cư dân nói rằng họ đã không nhận được tin tức từ người thân trong nhiều ngày. Giới chức phải cập nhật thông tin cho người dân qua đài phát thanh, cũng như các bài đăng trên trang web của quận và mạng xã hội.
“Rõ ràng, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để hiểu hơn về cháy rừng, cách chúng lan rộng và những gì có thể được thực hiện để cải thiện hệ thống cảnh báo”, Karl Kim, giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện Phòng chống Thảm họa Quốc gia tại Đại học Hawaii, cho hay.
Theo ông Kim, nếu không có còi báo động, người dân thường có xu hướng chờ đến khi nhìn thấy ngọn lửa, ngửi thấy mùi khói hay chứng kiến những người khác sơ tán rồi mới quyết định hành động.
“Thật không may, chậm trễ trước một đám cháy lây lan nhanh có thể gây ra hậu quả chết người. Ngay cả khi mọi người nhận được cảnh báo, họ có thể không hiểu nó, cũng như không có phương tiện hoặc khả năng di chuyển để sơ tán”, ông giải thích thêm.
Brad Ventura, trưởng phòng cứu hỏa hạt Maui, cho hay ngọn lửa lan nhanh đến mức nhiều người phải bỏ nhà chạy ngay lập tức khi chưa nhận được thông báo nào từ chính quyền. Theo ông, các quan chức ứng phó tình trạng khẩn cấp “gần như không thể” đưa ra thông báo sơ tán kịp thời.
“Những gì chúng tôi vừa trải qua là một đám cháy lan nhanh qua khu dân cư đến đến nỗi người dân phải tự sơ tán mà không cần cảnh báo”, ông nói.
“Không ai nhìn thấy trước thảm kịch này sẽ xảy ra”, cảnh sát trưởng hạt Maui John Pelletier nhấn mạnh.
Chịu tác động từ gió mạnh do ảnh hưởng của bão Dora cách Hawaii khoảng 1.100 km và thời tiết khô hạn, cũng như đặc điểm địa lý, tự nhiên phức tạp của hòn đảo, ngọn lửa đã phá hủy gần như toàn bộ trung tâm thị trấn Lahaina.
Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết số người chết có thể còn tăng lên. Không rõ còn bao nhiêu nạn nhân vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát cháy đen của nơi từng là cảng săn cá voi và thị trấn đánh cá nổi tiếng ở bờ biển phía tây Maui.
Trước khi thảm họa xảy ra, cơ quan khí tượng ở Honolulu đã phát đi khuyến cáo “cảnh giác cháy do thời tiết” trong bối cảnh khu vực đang bị ảnh hưởng bởi gió mạnh từ bão Dora và độ ẩm thấp. Sáng 7/8, cơ quan thời tiết tiếp tục phát đi “cảnh báo đỏ” về nguy cơ cháy.
May Wedelin-Lee, cư dân bị mất nhà ở Lahaina, cho hay gió đổi chiều, khói và lửa bao trùm khu bà sống quá nhanh vào đầu giờ chiều ngày 8/8, nên mọi người chỉ có chưa đầy 10 phút để chuẩn bị.
“Nhiều người kêu khóc bên vệ đường và cầu xin giúp đỡ”, Wedelin-Lee kể lại. “Một số người đi xe đạp, một số người chạy bộ. Người thì lướt trên ván trượt. Người ôm theo mèo cưng, đẩy xe nôi em bé. Tất cả như thể đang chạy nước rút trên đường phố”.
Vài giờ trước đó, chính quyền hạt Maui đăng một thông báo có vẻ lạc quan trên Facebook: “Sở Cứu hỏa Maui tuyên bố đám cháy ở Lahaina được khống chế 100% ngay trước 9h hôm nay”.
Khoảng một tiếng sau, hạt thông báo cho cư dân về một đám cháy rừng khác. “Thông tin về đám cháy Kula số 2 lúc 10h50: Các đội cứu hỏa vẫn tiếp tục chiến đấu tại hiện trường đám cháy vào lúc 0h22 sáng nay gần đường Olinda ở Kula, cư dân ở khu Kula 200 và đường Hanamu đã được sơ tán”, thông báo từ chính quyền Maui có đoạn.
Đến chiều 8/8, một đám cháy rừng khác có chiều hướng trở thành mối đe dọa.
“Với nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng ở Upcountry, Sở Cứu hỏa khuyến cáo cư dân trên đường Pi’iholo và Olinda chủ động sơ tán”, chính quyền hạt Maui đăng lúc 15h20.
Chưa đầy một giờ sau, Sở Cứu hỏa tiếp tục “kêu gọi sơ tán ngay lập tức với cư dân tại các khu Kulalani Drive và Kulalani Circle do một đám cháy ở Upcountry”.
Sau đó, nhà chức trách cho biết đám cháy Lahaina bùng phát trở lại. Đến 17h50, hàng loạt cảnh báo sơ tán mới tiếp tục được đưa ra.
Năm ngoái, giới chức Hawaii công bố một báo cáo xếp hạng các thảm họa thiên nhiên có khả năng đe dọa cư dân của bang. Nguy cơ từ sóng thần, động đất và núi lửa được đánh giá nguy hiểm nhất, trong khi mối đe dọa từ cháy rừng với tính mạng người dân được xếp ở mức “thấp”.
Nhà chức trách địa phương đã đánh giá thấp mối đe dọa chết người của cháy rừng ngay cả khi họ thừa nhận thiếu các nguồn lực cần thiết để kiềm chế chúng, theo đánh giá từ CNN về các tài liệu lập kế hoạch khẩn cấp của bang và địa phương, cho thấy họ đã chuẩn bị kém như thế nào đối với thảm họa.
Trang web của cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp bang Hawaii có khuyến nghị tương đối chính xác, rõ ràng về những gì cư dân nên làm trong bão, sóng thần, lũ quét hay động đất. Nhưng khuyến nghị về cháy rừng chỉ gồm hai đoạn ngắn ở cuối trang.
Thảm kịch cháy rừng “là hồi chuông cảnh tỉnh cho không chỉ Hawaii mà cả các cộng đồng khác trên khắp đất nước về tầm quan trọng của việc đầu tư vào khâu chuẩn bị, đào tạo cũng như huấn luyện đối phó cháy rừng và các thảm họa nguy hiểm khác”, Kim nói.
Nhiếp ảnh gia Maui Rachel Zimmerman đã mô tả cảnh tượng hỗn loạn khi đám cháy rừng đến gần khu dân cư.
“Gió gào thét. Chúng tôi tận mắt thấy mái nhiều ngôi nhà bị cuốn phăng”, cô cho hay. “Và mọi người chỉ đứng nhìn nhau với câu hỏi: Chúng ta phải làm gì đây? Chúng tôi nghe nói đường đã tắc cứng và không thể thoát ra được, nhưng vẫn quyết định phải thử vận may”.
“Có người nhảy xuống biển, bơi đến thuyền để cố thoát khỏi đám cháy. Có người nằm sụp xuống đất, không biết phải đi đâu và không thể thở vì khói. Cũng có rất nhiều người đã mất tích trong đám cháy và chúng tôi không biết họ đang ở đâu”, Zimmerman nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Để lại một phản hồi