Trung Quốc kêu gọi mở rộng BRICS

Trong bài phát biểu được Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào thay mặt đọc tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi ngày 22/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng hội nghị không nhằm “yêu cầu các nước đứng về phía nào, hoặc gây ra sự đối đầu giữa các khối, mà để mở rộng kiến trúc của hòa bình và phát triển”.

“Bất kể có thể có sự phản kháng nào, BRICS, một lực lượng tích cực và ổn định đại diện cho sự thiện chí, sẽ tiếp tục phát triển”, ông Tập cho hay. “Chúng tôi sẽ tạo dựng mối quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô nhóm và giúp trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng hơn”.

Các quốc gia BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đại diện cho 1/4 nền kinh tế toàn cầu, tiến hành hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg ngày 22-24/8. Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất của BRICS. Ông Tập thăm cấp nhà nước Nam Phi nhân dịp đến dự hội nghị, đánh dấu chuyến công du quốc tế thứ hai trong năm nay.

Ngày 22/8, ông Tập đã gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Bắc Kinh không nêu lý do ông vắng mặt tại diễn đàn doanh nghiệp.

Từ trái qua phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi ngày 22/8. Ảnh: Reuters

Từ trái qua phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi ngày 22/8. Ảnh: Reuters

BRICS được thành lập vào năm 2009, với các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi, thành viên nhỏ nhất xét về sức mạnh kinh tế và dân số, gia nhập năm 2010. Ngoài địa chính trị, trọng tâm của nhóm còn bao gồm hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại và phát triển đa phương. Khối hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các nước BRICS đều nằm trong G20.

Đại diện cho 40% dân số thế giới, BRICS có chung mong muốn về một trật tự toàn cầu sẽ phản ánh tốt hơn lợi ích và ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm. BRICS cũng đang xây dựng ngân hàng phát triển của riêng họ như giải pháp thay thế Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng thời đề xuất giảm sử dụng đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Các quan chức cho biết hơn 40 quốc gia thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Một số nước đã phát biểu công khai về vấn đề này như Iran, Arab Saudi, Argentina, Ethiopia và Algeria. “Điều đó cho thấy đại gia đình BRICS ngày càng phát triển về tầm quan trọng, tầm vóc cũng như ảnh hưởng trên thế giới”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói.

Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 là “BRICS và Châu Phi”, diễn ra vào thời điểm lục địa này nổi lên như chiến trường ngoại giao mới giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ngoài các lãnh đạo trong khối BRICS, hội nghị ở Nam Phi cũng có sự tham gia của khoảng 50 lãnh đạo khách mời khác.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, Washington không coi BRICS “đang phát triển thành dạng đối thủ địa chính trị của Mỹ”.

“Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ tích cực mạnh mẽ mà chúng tôi có với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, tiếp tục quản lý mối quan hệ với Trung Quốc và đẩy lùi hành động gây hấn của Nga”, ông Sullivan cho hay.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*