Vài phút sau khi ủy ban bầu cử Gabon hôm 30/8 thông báo Tổng thống Ali Bongo Ondimba tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, tuyên bố đảo chính, quản thúc ông Bongo và hủy kết quả bầu cử.
Tướng Brice Clothingaire Oligui Nguema không có mặt trong nhóm sĩ quan này. Một ngày sau, người đứng đầu cuộc đảo chính mới xuất hiện, khi tướng Nguema được thông báo là người đứng đầu chính quyền quân sự lâm thời.
Nguema là một trong những quan chức quyền lực và bí ẩn nhất Gabon, đồng thời là trợ thủ thân cận của Tổng thống Bongo. Ông có quan hệ họ hàng với Tổng thống và là người phụ trách công tác bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Gabon.
Xuất thân từ gia đình quân đội, ông được đào tạo tại Học viện Quân sự Hoàng gia Meknes ở Morocco. Nguema sau đó giữ chức trợ lý của tổng thống Omar Bongo, cha của đương kim Tổng thống, đến khi ông qua đời vào năm 2009.
Khi Ali Bongo lên nắm quyền vào tháng 10/2009, Nguema tiếp tục phục vụ dưới chính quyền mới. Ban đầu, ông giữ vai trò tùy viên quân sự tại đại sứ quán Gabon ở Morocco và Senegal. Đến năm 2018, ông được bổ nhiệm làm giám đốc tình báo Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, thay thế người anh cùng cha khác mẹ của Tổng thống Ali Bongo là Frederic Bongo.
Cuối cùng vào năm 2020, ông trở thành người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cộng hòa. Đây là đơn vị an ninh hùng mạnh nhất đất nước, chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống và gia đình ông cũng như những yếu nhân khác.
Trên cương vị mới, Nguema đã nỗ lực tăng cường hệ thống an ninh nội bộ của Gabon, cũng như phát động chiến dịch mang tên “bàn tay sạch” nhằm trấn áp nạn tham nhũng trong các cơ quan chính quyền.
Theo truyền thông địa phương, Nguema thậm chí còn sáng tác một bài hát thể hiện lòng tận tụy với lãnh đạo. “Tôi sẽ bảo vệ Tổng thống của mình bằng danh dự và lòng trung thành”, lời bài hát có đoạn.
Bên cạnh các nhiệm vụ quân sự và ngoại giao, Nguema còn tham gia hoạt động kinh doanh và được coi là một triệu phú có tiếng trong giới tinh hoa Gabon.
Theo cuộc điều tra năm 2020 của Dự án Báo cáo Tội phạm Có tổ chức và Tham nhũng (OCCRP), Nguema đã dùng tiền mặt mua ba khu đất ở ngoại ô Hyattsville và Silver Spring của Maryland vào năm 2015 và 2018, với tổng trị giá hơn một triệu USD.
Khi báo chí hỏi Nguema về những tài sản này, ông nói rằng đó là chuyện riêng tư. “Tôi nghĩ dù ở Pháp hay ở Mỹ, cuộc sống riêng tư là vấn đề cá nhân cần được tôn trọng”, ông nói.
Dù từng thề trung thành với lãnh đạo, trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde của Pháp sau cuộc đảo chính, Nguema đã bày tỏ phẫn nộ trước cách Tổng thống Bongo điều hành đất nước. Ông cho rằng việc Bongo tranh cử nhiệm kỳ ba là vi phạm quy định hiến pháp và nhấn mạnh rằng quân đội phải có trách nhiệm sửa chữa sai lầm này.
“Ngoài những bất mãn, còn có những lo ngại về tình hình sức khỏe của lãnh đạo. Mọi người đều nói về nó, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ông ấy không có quyền thực hiện nhiệm kỳ ba, bản thân phương thức bầu cử cũng không tốt. Vì vậy, quân đội quyết định phải hành động, nhận lấy trách nhiệm đó”, Nguema cho hay.
Tình trạng sức khỏe của Bongo là vấn đề gây nhiều đồn đoán kể từ khi ông bị đột quỵ cách đây 5 năm. Ông sau đó đi lại một cách khó khăn và phải chống gậy trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng. Trong chuyến thăm Pháp hồi tháng 6, ông chống gậy bước tập tễnh và cần người hỗ trợ để lên cầu thang.
Dù vậy, Bongo bác bỏ những hoài nghi về sức khỏe của mình và vẫn quyết định tranh cử nhiệm kỳ ba. Những người ủng hộ Ali Bongo cho rằng ông khó cử động chân và cánh tay phải, nhưng điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng năng lực lãnh đạo của ông.
Tham vọng của Bongo nhằm kéo dài quyền lực mà cha ông và ông đã nắm giữ suốt 56 năm ở Gabon đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn, trong bối cảnh phe đối lập thúc đẩy thay đổi thông qua bầu cử. Họ cáo buộc Tổng thống Bongo đã điều hành cuộc bầu cử không minh bạch nhằm giữ ghế.
Kế hoạch nắm quyền lực của tướng Nguema là cuộc đảo chính thứ chín ở Trung và Tây Phi kể từ năm 2020. Xu hướng này khiến một số nhà quan sát lo ngại nguy cơ quá trình đấu tranh vì tiến bộ dân chủ trong khu vực có thể bị đảo ngược.
Trong ba năm qua, đảo chính liên tiếp xảy ra ở Mali, Guinea, Sudan, Burkina Faso và Niger. Cuộc đảo chính ở Niger có rất nhiều điểm tương đồng với những gì vừa xảy ra ở Gabon, khi lãnh đạo đất nước bị chính lực lượng cận vệ của mình phế truất.
Tuy nhiên, theo Alex Vines, giám đốc chương trình châu Phi tại viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở tại London, Anh, “không phải mọi cuộc đảo chính đều giống nhau”.
Các cuộc đảo chính ở một số quốc gia vùng Sahel như Mali, Burkina Faso và Niger phần lớn được thúc đẩy bởi nỗi thất vọng trước tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở trong nước.
Trong khi đó, ở Gabon và Guinea, vấn đề nằm ở cái mà Vines gọi là tình trạng “sa sút dân chủ”. Cả hai nước đều được lãnh đạo bởi các tổng thống lớn tuổi, nắm quyền trong thời gian dài và không muốn từ bỏ quyền lực.
“Điều đó phản ánh nỗi thất vọng của người dân về tình hình dân chủ và các cuộc bầu cử tồi tệ”, Vines nói. “Điều mà chúng ta vừa thấy ở Gabon là cách quân đội nước này phản ứng với một cuộc tổng tuyển cử không có quan sát viên quốc tế, nơi mà chính phủ đã cắt Internet, ban hành lệnh giới nghiêm và viết lại quy trình bầu cử để đảm bảo chiến thắng cho Tổng thống Bongo”.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, Reuters)
Để lại một phản hồi