UpCOM: “Mỏ vàng” cổ phiếu lộ thiên ít được khai thác

TIN MỚI

    860 cổ phiếu, gần 1,1 triệu tỷ vốn hóa là mô tả ngắn gọn nhất về quy mô sàn giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM) ở thời điểm hiện tại. Những con số này là kết quả của quá trình chuyển mình mạnh mẽ của sàn UpCOM những năm qua.

    Trước đây, UpCOM từng bị coi là “sân chơi hạng 2”, nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết và phải “xuống hạng”. Thanh khoản sàn này rất èo uột và quy mô vốn hóa thị trường cũng khiêm tốn hơn nhiều so với 2 sàn niêm yết là HoSE và HNX.

    Nếu như cuối năm 2013, vốn hóa sàn UpCOM chưa bằng 1/4 HNX, chỉ ở mức gần 26 nghìn tỷ thì đến năm 2016, con số này đã tăng vọt lên hơn 300 nghìn tỷ, gấp đôi sàn HNX. Theo số liệu cập nhật đến ngày 24/8, với gần 1,1 triệu tỷ vốn hoá, quy mô sàn UpCOM gấp 3,7 lần HNX và gần bằng 1/4 so với HoSE.

    UpCOM: “Mỏ vàng” cổ phiếu lộ thiên ít được khai thác - Ảnh 1.

    Bước nhảy vọt của UpCOM về số lượng cổ phiếu giao dịch và quy mô thị trường xuất phát từ việc Bộ Tài chính banhành Thông tư 180/2015/TT-BTC (Thông tư 180), hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.

    Theo đó, tất cả các công ty đại chúng (CTĐC) hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCOM trong vòng một năm kể từ ngày 1/1/2016. Với các CTĐC hình thành sau ngày 1/1/2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCKNN có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký CTĐC hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UpCOM.

    Đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa dưới hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, Thông tư 180 cũng quy định trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của UBCKNN, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch theo quy định.

    Sự ra đời của Thông tư 180 đã kéo theo một làn sóng các DNNN cổ phần hóa và lên giao dịch trên UpCOM, với nhiều tên tuổi “đình đám” như Vietnam Airlines (HVN), Cảng hàng không (ACV), VEAM Corp (VEA), Becamex (BCM), Việt Tiến (VGG), Vinatex (VGT), Viettel Post (VTP), Viettel Global (VGI), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Oil (OIL), VIMC (MVN)… Một vài cái tên đã chuyển niêm yết sang HoSE, nhưng đa phần vẫn còn ở lại UpCOM và là trụ cột của sàn.

    Ngoài nhóm DNNN, sàn UpCOM còn đón thêm nhiều doanh nghiệp “khủng” khối tư nhân, có thể kể đến những cái tên như Masan Consumer (MCH), Masan High-Tech Materials (MSR), Masan MEATLife (MML), Gelex Electric (GEE), Đường Quảng Ngãi (QNS), Thuỷ sản Minh Phú (MPC), Gỗ An Cường (ACG) hay “kỳ lân” công nghệ VNG (VNZ),… Những cái tên này cũng đã góp phần thúc đẩy giao dịch trên UpCOM thêm phần sôi động.

    Thay đổi cả về chất

    Không chỉ thay đổi về số lượng, chất lượng cổ phiếu trên sàn UpCOM cũng đã được cải thiện đáng kể. Thời điểm hiện tại, UpCOM có 17 doanh nghiệp vốn hóa trên 10.000 tỷ, dù chưa thể so sánh với HoSE nhưng đã áp đảo so với con số 7 trên HNX . Đặc biệt, UpCOM có đến 8 đại diện trong danh sách tỷ USD vốn hóa trong khi HNX không có cái tên nào góp mặt.

    UpCOM: “Mỏ vàng” cổ phiếu lộ thiên ít được khai thác - Ảnh 2.

    *Màu vàng là các cổ phiếu trên sàn UpCOM

    Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như “gã khổng lồ” ACV với vốn hóa 7 tỷ USD. Tổng công ty hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa. ACV cũng là chủ đầu tư dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

    Kế đến như Viettel Global với quy mô vốn hóa hơn 3 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu vươn ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel, sở hữu một số đơn vị viễn thông khá nổi tiếng như Metfone (Campuchia), Unitel (Lào). Hay Lọc hóa dầu Bình Sơn (2 tỷ USD) – đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đắp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước.

    VEAM Corp – thành viên góp vốn trong liên doanh với các hãng xe Toyota, Honda, Ford… cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhờ cổ tức đều đặn hàng nghìn tỷ từ các liên doanh này, lợi nhuận của tổng công ty này được duy trì ổn định nhiều năm qua. VEAM Corp hiện có quy mô vốn hóa hơn 2 tỷ USD.

    Trong nhóm doanh nghiệp tư nhân, Masan Consumer là cái tên khủng nhất với vốn hóa 2,4 tỷ USD. Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami), gia vị (nước chấm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafe).

    Một cái tên đáng chú ý khác là “kỳ lân” công nghệ VNG – tân binh mới lên sàn đầu năm và hiện đang là quán quân thị giá toàn sàn chứng khoán. VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam, đồng thời sở hữu Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm nền tảng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3, ví điện tử ZaloPay…

    Trong một diễn biến mới nhất, VNG Limited (cổ đông nắm 49% vốn của VNG) đã nộp hồ sơ đăng ký lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market. Nếu thành công, VNG sẽ là cái tên tiếp theo sau VinFast, chạm đến “giấc mơ Mỹ”.

    Ngoài những cái tên kể trên, UpCOM còn nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Nhiều “ông lớn” đang giao dịch trên sàn này có doanh thu và lợi nhuận rất đáng nể, thậm chí nằm trong top đầu sàn chứng khoán. Không ít “đại gia” còn sở hữu lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) “khủng” lên đến cả tỷ USD.

    “Mỏ vàng” vẫn chưa được khai thác hết

    Với danh sách đầy những lựa chọn chất lượng, không quá khi cho rằng UpCOM như một “mỏ vàng” đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư vẫn giành sự quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là khối ngoại bởi các vấn đề liên quan đến tính minh bạch về thông tin.

    Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đa phần các cổ phiếu hàng đầu trên UpCOM vẫn đáp ứng đủ những điều kiện niêm yết trên HoSE hoặc HNX. Vì những lý do khác nhau có thể như chưa có nhu cầu huy động vốn, các vấn đề về sở hữu,… nhiều doanh nghiệp chọn giao dịch trên sàn UpCOM thay vì niêm yết.

    Ngoài ra, một số doanh nghiệp chọn lên giao dịch trên UpCOM như một bước đệm để tiến tới niêm yết trong tương lai. Những cổ phiếu được đánh giá có triển vọng trở thành “bom tấn” khi niêm yết hiện không thiếu trên UpCOM, nhưng nhà đầu tư phải chấm nhận rủi ro để đón đầu xu thế.

    Mặc dù sức hấp dẫn là không thể phủ nhận nhưng nhiều quỹ đầu tư lớn lại không thể mua cổ phiếu UpCOM do vướng quy định chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết. Điều này vô tình mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân có thể dễ dàng mua được cổ phiếu tốt với giá “mềm” nhờ mức độ cạnh tranh thấp hơn so với HoSE hay HNX.

    “Ăn chắc, mặc bền” với cổ tức: Trường phái đầu tư không bao giờ lỗi thời, ngay cả “cá mập” cũng không thể bỏ qua

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *