Vụ cướp 6 ngày khai sinh hội chứng con tin yêu mến kẻ bắt cóc

Thay vì cướp tiền của ngân hàng, Olsson bắt các nhân viên trẻ làm con tin và đưa ra yêu cầu với cảnh sát. Tên cướp muốn có 3 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 710.000 USD theo tỷ giá lúc bấy giờ) và một chiếc ôtô để chạy trốn. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho kế hoạch của mình, Olsson còn muốn cảnh sát giao cho mình bạn tù cũ Clark Olofsson, người khét tiếng khắp Thụy Điển vì từng thực hiện hàng loạt vụ cướp ngân hàng và nhiều lần vượt ngục.

Olsson đánh cược rằng “chính phủ sẽ không mạo hiểm từ chối yêu cầu và đối mặt với rủi ro khiến phụ nữ bị giết hại”, tác giả David King viết trong cuốn sách tựa đề 6 ngày tháng 8: Câu chuyện về Hội chứng Stockholm. “Không phải ở Thụy Điển. Chắc chắn không phải năm đó, khi Thủ tướng phải đối mặt với một cuộc bầu cử sít sao”.

Vì vậy, khi những tay súng bắn tỉa bao vây tòa nhà, Olsson rút lui vào trong hầm ngân hàng cùng với các con tin, chỉ để cửa hé mở và chờ đợi yêu cầu của mình được đáp ứng.

Enmark bị trói tay chân cùng với hai đồng nghiệp là giao dịch viên Elisabeth Oldgren, 21 tuổi, và Birgitta Lundblad, 31 tuổi, con tin duy nhất đã kết hôn và có con.

Ban đầu, tính toán của Olsson đã đúng. Giới chức chuyển tiền, một chiếc xe Ford Mustang màu xanh lam và Clark Olofsson đến Kreditbank vào cuối ngày. Olsson lên kế hoạch lái xe bỏ chạy với túi tiền cùng Clark và một số con tin, sau đó trốn khỏi Thụy Điển bằng thuyền.

Nhưng cảnh sát đã giữ lại chìa khóa chiếc Mustang. Olsson và nhóm người bị mắc kẹt.

Giận dữ, Olsson hét lên, đe dọa sẽ giết những người can thiệp, thậm chí còn bắn vào tay một sĩ quan cảnh sát. Nhưng sự xuất hiện của Clark đã khiến những người bên trong ngân hàng bình tĩnh lại.

“Khi tôi đến, họ vô cùng sợ hãi”, Clark nói vào năm 2019. “Sau 5 phút, họ đã ổn định hơn. Tôi bảo họ, ‘Này, bình tĩnh nào, chúng tôi sẽ giải quyết mọi chuyện này'”. Clark cởi trói cho ba người phụ nữ và đi vòng quanh ngân hàng để xem xét tình hình, phát hiện thêm một nhân viên khác, Sven Safstrom, 24 tuổi, đang trốn trong kho dự trữ. Safstrom trở thành con tin thứ tư.

Clark mang một chiếc điện thoại của ngân hàng vào trong hầm để các con tin có thể gọi cho gia đình. Khi Lundblad khóc vì không thể liên lạc được với chồng con, Olsson chạm vào má cô và nhẹ nhàng nói “Hãy thử lại, đừng bỏ cuộc”.

Ngày thứ hai

Sang ngày 24/8/1973, sau đêm đầu tiên trong hầm, Oldgren cảm thấy ngột ngạt nên Olsson đã cắt một đoạn dây dài, buộc quanh cổ cô và để cô đi vòng quanh ngân hàng. Hắn còn choàng áo khoác lên vai cô khi người phụ nữ run rẩy vì lạnh.

Càng ngày Olsson càng bực tức vì hành động chậm chạp của chính quyền. Olsson thuyết phục Safstrom để mình bắn vào đùi anh trước mặt cảnh sát nhằm đe dọa. Olsson hứa rằng phát súng sẽ chỉ sượt qua. “Chỉ ở chân thôi”, Enmark nói với Safstrom như một lời động viên.

Safstrom chấp nhận nhưng cuối cùng Olsson lại không làm gì cả. “Tôi vẫn không biết tại sao kế hoạch không được thực hiện. Tất cả những gì tôi nhớ là tôi đã nghĩ rằng anh ta thật tốt bụng biết bao khi hứa chỉ bắn vào chân tôi”, Safstrom kể.

Trong khi đó, người dân tập trung đông đúc ở quảng trường Norrmalmstorg bên ngoài ngân hàng và truyền thông không ngừng đưa tin về các sự kiện, phỏng vấn con tin và những kẻ bắt họ qua điện thoại.

Đến khoảng 17h, Enmark nói chuyện với Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, đồng thời các đài phát thanh và truyền hình cũng phát sóng đoạn trò chuyện giữa họ. Cô yêu cầu Thủ tướng Palme cho phép Olsson rời ngân hàng và lái xe đi với số tiền. Enmark tình nguyện đi cùng với tư cách con tin.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng Clark và kẻ cướp ngân hàng. Tôi không tuyệt vọng. Họ chưa làm gì chúng tôi cả”, Enmark nói. “Ngược lại, họ rất tử tế. Điều tôi sợ là cảnh sát sẽ tấn công và khiến chúng tôi bị giết”.

Lãnh đạo Thụy Điển từ chối, cho rằng việc để kẻ cướp ngân hàng ra đường với vũ khí sẽ gây nguy hiểm với công chúng.

Mánh khóe cải trang của Olsson đã thành công. Cảnh sát xác định nhầm anh ta là một kẻ vượt ngục khác mà Clark quen biết, Kaj Hansson. Họ thậm chí còn đưa em trai của Hansson, Dan, đến để thuyết phục tên cướp, nhưng chỉ nhận lại những tiếng súng. Cảnh sát yêu cầu Dan gọi vào điện thoại trong kho tiền.

Dan cúp máy sau khi nói chuyện với Olsson rồi gọi cảnh sát là “ngốc nghếch”. “Các ông nhầm người rồi!”, anh ta hét lên.

Ngày thứ ba

Sáng 25/8, cảnh sát đã thử giải pháp mạo hiểm hơn. Một sĩ quan lẻn vào đóng cửa kho tiền, nhốt các con tin bên trong cùng với Olsson và Clark. Đối với những người ở trong hầm, cánh cửa hé mở vốn để cảnh sát cung cấp thức ăn, đồ uống và qua đó, Olsson nuôi hy vọng trốn thoát. Niềm hy vọng đó giờ không còn nữa.

Giới chức phá sóng điện thoại, khiến những người bên trong kho tiền không thể gọi cho ai trừ cảnh sát, do lo ngại việc truyền thông tiếp cận tên cướp có thể vô tình khiến hắn được hâm mộ.

Nils Bejerot, bác sĩ tâm lý mà cảnh sát đã tham vấn, đánh giá rằng giữa kẻ cướp và các con tin có thể hình thành “mối quan hệ bạn bè”. Cảnh sát hy vọng rằng điều đó có thể ngăn Olsson gây tổn hại cho các con tin.

Trên thực tế, mối liên kết như vậy đã hình thành và cảnh sát không lường trước được chúng mạnh mẽ đến mức nào.

Các nhiếp ảnh gia báo chí và cảnh sát bắn tỉa ngồi cạnh nhau trên mái nhà đối diện ngân hàng Sveriges Kreditbank, vào ngày thứ hai của vụ cướp. Ảnh: AFP

Phóng viên và cảnh sát bắn tỉa ngồi cạnh nhau trên mái nhà đối diện ngân hàng Sveriges Kreditbank, vào ngày thứ hai của vụ cướp. Ảnh: AFP

Đến buổi chiều, không biết khi nào mới được tiếp đồ ăn, Olsson lôi ra ba quả lê còn thừa từ bữa trước, cắt mỗi quả làm đôi và chia mỗi người một phần. Tất cả đều nhận thấy Olsson lấy miếng nhỏ nhất. “Khi được đối xử tốt, chúng tôi coi anh ta như một vị thần”, Safstrom cho hay.

Trong lúc ngủ vào buổi tối, Enmark có thể nghe thấy tiếng thở của mọi người và biết khi nào họ chung một nhịp. Cô thậm chí còn cố gắng thay đổi nhịp thở của bản thân cho phù hợp. “Đấy là thế giới của chúng tôi”, cô nói. “Chúng tôi ở trong hầm, thở và tồn tại cùng nhau. Bất cứ ai đe dọa thế giới đó đều là kẻ thù của chúng tôi”.

Ngày thứ tư và thứ năm

Ngày 26/8, tiếng khoan khiến cả nhóm trở nên hỗn loạn.

Cảnh sát nói với Olsson rằng họ đang tạo ra một lỗ đủ rộng để anh ta giao nộp vũ khí. Phải mất nhiều giờ để khoan xuyên qua trần nhà bằng thép và bê tông. Những người trong hầm đã nghĩ đến lý do thực sự của việc làm này: Bơm hơi cay buộc tên cướp phải đầu hàng.

Đáp lại, Olsson đặt các con tin dưới cái lỗ với chiếc thòng lọng quanh cổ, những sợi dây được buộc vào phía trên một dãy hộp ký gửi an toàn. Anh ta nói với cảnh sát rằng nếu bất kỳ loại khí nào làm con tin bất tỉnh, những chiếc thòng lọng sẽ giết chết họ.

“Tôi không nghĩ anh ta sẽ treo cổ chúng tôi”, Enmark nói vào năm 2016. Nhưng các con tin lo lắng khí gas sẽ gây ra hậu quả cho họ. Olsson nói với họ rằng sau 15 phút tiếp xúc hơi cay, tất cả sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn.

Cảnh sát bắt đầu khoan thêm nhiều lỗ phía trên kho tiền. Họ gửi một chiếc xô đựng bánh mì xuống lỗ ban đầu, bữa ăn thực sự đầu tiên đối với các con tin sau nhiều ngày, giúp họ có thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi. Khi họ bắt đầu mệt mỏi, Olsson luân phiên đeo thòng lọng vào từng người. Safstrom hỏi tên cướp liệu anh có thể đeo thay cho tất cả con tin không.

“Safstrom quả là người đàn ông đích thực”, Olsson nhận xét về Safstrom với New Yorker. “Anh ta nguyện làm con tin cho các con tin khác”.

Ngày cuối cùng

Sang ngày thứ sáu, đội thợ đã khoan 7 lỗ trên trần kho tiền và ngay sau khi lỗ cuối cùng hoàn thành, khí bắt đầu tràn vào. Các con tin quỵ gối, ho và nghẹt thở trước khi Olsson kịp ra lệnh họ tròng lại thòng lọng lên cổ. Không bao lâu sau, cảnh sát nghe thấy những tiếng la hét: “Chúng tôi đầu hàng!”.

Sau khi mở cửa, cảnh sát ra lệnh đưa các con tin ra ngoài trước nhưng họ từ chối vì sợ Olsson và Clark sẽ bị cảnh sát giết. Enmark và Oldgren ôm hôn Olsson, Safstrom bắt tay anh ta, Lundblad nhắn nhủ Olsson viết thư cho cô. Sau đó, tên cướp cùng đồng phạm ra khỏi kho tiền ngân hàng và bị cảnh sát bắt.

Olsson lĩnh án tù 10 năm và được thả vào đầu những năm 1980. Clark bị kết tội tại tòa án quận nhưng sau đó được tuyên trắng án tại Tòa phúc thẩm Svea. Clark khẳng định mình đã hợp tác với cảnh sát để bảo vệ con tin. Anh ta bị đưa trở lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án trước đó và được tự do vào năm 2018.

Từ sự kiện này, bác sĩ Bejerot dùng cái tên “hội chứng Norrmalmstorg” để mô tả hiện tượng những người bị bắt cóc phát triển tình cảm với chính kẻ bắt cóc họ. Thuật ngữ sau này được đổi thành “hội chứng Stockholm”.

Các hiệp hội chuyên môn không công nhận nó như một hình thức chẩn đoán tâm lý, mặc dù nó đã được viện dẫn trong một số trường hợp lạm dụng đối với tù nhân chiến tranh và đặc biệt là trong vụ bắt cóc Patty Hearst, một năm sau vụ cướp của Olsson. Hearst, cháu gái tỷ phú Mỹ, đã nảy sinh thiện cảm với nhóm bắt cóc mình và gia nhập băng đảng.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu đó có phải là hội chứng tâm lý hay chỉ là một chiến lược sinh tồn khi đối mặt với nguy hiểm tột cùng. Các chuyên gia thực thi pháp luật ở Mỹ cho biết hiện tượng này rất hiếm và được truyền thông đưa tin quá mức. Nhưng nó vẫn xuất hiện thường xuyên trong văn hóa đại chúng, bao gồm sách, phim ảnh và âm nhạc.

Enmark, người đã rời ngân hàng và trở thành nhà trị liệu tâm lý, cho biết vào năm 2016 rằng mối quan hệ của các con tin với Olsson mang tính chất tự bảo vệ hơn là một hội chứng.

“Tôi nghĩ mọi người đổ lỗi cho nạn nhân”, cô nói. “Tất cả những điều tôi làm đều là bản năng sinh tồn. Tôi muốn sống sót. Tôi không nghĩ nó kỳ quặc đến vậy. Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó?”.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*