Wall Street Journal chỉ ra điểm giống nhau đặc biệt giữa cổ phiếu VinFast và thương vụ IPO bom tấn lớn nhất thế giới năm 2023

TIN MỚI

    Sau khi lên sàn Nasdaq, cổ phiếu của VinFast Auto đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường khi liên tục tăng giá, đẩy giá trị vốn hóa vượt 100 tỷ USD và bỏ xa các ông lớn trong ngành như Ford hay General Motors.

    Mới đây tờ Wall Street Journal đã chỉ ra 1 điểm giống nhau đặc biệt giữa VinFast và vụ IPO “bom tấn” sắp diễn ra của Arm Holdings, công ty thiết kế chip đến từ nước Anh nhưng cũng có dự định niêm yết cổ phiếu ở Nasdaq và sẽ trở thành vụ IPO lớn nhất của năm 2023. Đó là cả 2 cổ phiếu đều không có mặt trong các chỉ số lớn.

    Cả hai công ty đều quyết định niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài thay vì ở quê nhà. Danh sách những công ty như vậy đang ngày càng dài thêm. Tương tự có thể kể đến nhà mốt Prada của Ý, công ty nhạc số Spotify của Thụy Điển hay nhà sản xuất vaccine BioNTech của Đức.

    Vì vắng mặt trong các chỉ số lớn như chỉ số chính của TTCK quê nhà hay S&P 500, các công ty này sẽ không nằm trong tầm ngắm của dòng vốn đầu tư thụ động. Hiện có hàng nghìn tỷ USD đi theo phương pháp đầu tư thụ động, tức theo dõi các chỉ số và các hợp đồng chỉ số tương lai thay vì chọn lựa các cổ phiếu riêng lẻ.

    Tất nhiên chọn niêm yết tại Mỹ không hề là 1 lựa chọn tồi: VinFast và Arm sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ. Phiên 22/8, VinFast đã trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều thứ 45 ở Mỹ và đến phiên 23/8 trở thành cổ phiếu lớn thứ 35 trong chỉ số Nasdaq. Niêm yết trên Nasdaq cũng giúp thu hút được dòng tiền từ các quỹ ETF theo dõi chỉ số này.

    Dẫu vậy, những cổ phiếu này sẽ không lọt vào MSCI All Country World Index, chỉ số theo dõi chứng khoán toàn cầu thông dụng nhất. Theo tính toán của WSJ, tổng cộng giá trị vốn hóa của các công ty như VinFast và Arm lên tới hơn 200 tỷ USD.

    Một số nghiên cứu hàn lâm đã chỉ ra rằng nếu như trở thành thành viên của S&P 500, 1 cổ phiếu có thể tăng giá thêm 2,8% đến 8%. Arm sẽ không được hưởng những hiệu ứng như vậy.

    Kế hoạch IPO mà Arm vừa đệ trình không đưa ra mức giá mục tiêu. Tuy nhiên SoftBank từng định giá công ty này ở mức 64 tỷ USD. Các chuyên gia phân tích dự báo con số sẽ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên kể cả ở mức 20 tỷ USD – tức gấp 40 lần lợi nhuận ròng năm ngoái và như vậy là có mức định giá nang bằng với các cổ phiếu trong chỉ số MSCI World Semiconductor and Semiconductor Equipment, Arm vẫn sẽ có giá trị vốn hóa lớn hơn 170 công ty trong S&P 500. Nếu niêm yết trên sàn chứng khoán London, Arm sẽ trở thành công ty lớn thứ 34 trong chỉ số FTSE 100.

    Sở dĩ tình trạng này diễn ra là vì sự xung đột giữa 1 bên là thế giới đầu tư ngày càng có tính toàn cầu hóa cao và 1 bên là cơ sở hạ tầng của hệ thống tài chính trong nước. Và sự xung đột đó ngày càng gia tăng. Chỉ số S&P 500 từng có các công ty Anh, Hà Lan và Canada nhưng đã loại bỏ hoàn toàn các công ty nước ngoài từ năm 2002. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, đã có mọt số công ty của Anh và Ireland được thêm vào chỉ số này để phù hợp với làn sóng các công ty Mỹ chuyển trụ sở sang Ireland hay quần đảo Cayman để né thuế.

    Demitris Melas, trưởng bộ phận nghiên cứu chỉ số và phát triển sản phẩm của MSCI, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra 1 chỉ số khái quát được toàn thị trường nhưng phải hoàn toàn phù hợp để đầu tư. Các chỉ số mà MSCI xây dựng được sử dụng làm cơ sở để tạo ra rất nhiều sản phẩm tài chính, vì thế tính chất có thể đầu tư được là vô cùng quan trọng”.

    Nếu 1 chỉ số bao gồm nhiều cổ phiếu niêm yết tại nhiều thị trường với múi giờ khác nhau và hệ thống giao dịch, bù trừ cũng khác nhau, việc giao dịch của các quỹ sẽ trở nên rất phức tạp.

    Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Nếu 1 quốc gia có quá nhiều công ty niêm yết ở nước ngoài, MSCI sẽ áp dụng cơ chế phân loại khác và bao gồm cả các công ty ở nước ngoài. Và cơ chế này sẽ được áp dụng vô thời hạn.

    Ví dụ, chỉ số MSCI Netherlands Index vẫn có 2 cổ phiếu đang niêm yết ở Mỹ là Coca-Cola Europacific Partners và AerCap Holdings. Chỉ số này từng bao gồm NXP Semiconductors, công ty có giá trị vốn hóa khá lớn giờ đã được xếp sang thị trường Mỹ.

    Bài toán khó dành cho các nhà đầu tư bị động là nên lựa chọn những chỉ số như Nasdaq hay những chỉ số theo các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu mà các tổ chức như S&P và MSCI đã xây dựng nên.

    Sự khập khiễng giữa các công ty tầm cỡ toàn cầu với các chỉ số mang tầm quốc gia khiến không có giải pháp nào là hoàn hảo, giống như những trường hợp đã được liệt kê ở trên chỉ ra. Do đó, nhà đầu tư không nên nghĩ rằng các chỉ số mà mình lựa chọn thực sự đứng im, mà thực tế là chúng luôn luôn phụ thuộc vào bàn tay của những người biên soạn chỉ số. 

    Tham khảo Wall Street Journal

    Từ VinFast nhìn lại hơn 1 thập kỷ thăng trầm của cổ phiếu Tesla: Lên sàn trong hoài nghi, giá biến động như tàu lượn siêu tốc để rồi trở thành số 1 thế giới

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *