Ấn Độ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để trở thành công xưởng thế giới

Những thay đổi tại thủ đô tài chính Ấn Độ

Thủ đô tài chính của Ấn Độ đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Tại Mumbai, những trở ngại cản trở cuộc sống hàng ngày đang dần được cải thiện tại các đô thị ven biển phía Tây của đất nước.

Ấn Độ đang xây dựng một con đường mới dọc theo Biển Arab nhằm mục đích giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở một thành phố nơi những con đường chỉ có 3 làn xe thường xuyên bị ách tắc cùng tiếng còi inh ỏi. Một hệ thống tàu điện ngầm vận chuyển nhanh đang được thực hiện để giảm bớt áp lực đối với các chuyến tàu từ ngoại ô, hàng ngày luôn đông đúc người dân. Một hành lang vận tải đường sắt kéo dài đến New Delhi dự kiến sẽ giảm thời gian vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường dài 1.392 km từ 14 ngày xuống còn 14 giờ.

Ấn Độ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 1.

Ấn Độ có khoảng 144.000 km đường quốc lộ vào cuối năm trước, gần gấp đôi so với một thập kỷ trước đó

Việc xây dựng ở Mumbai phản ánh nỗ lực cấp quốc gia của Ấn Độ nhằm đổi mới đất nước vốn lâu nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bị cản trở do cơ sở hạ tầng xuống cấp và kém hiệu quả.

Trong những năm gần đây, chính phủ đã đổ tiền vào giải quyết vấn đề này. Nỗ lực này đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm nắm bắt cơ hội khi các chính phủ phương Tây và các công ty đa quốc gia lo ngại về việc phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất hàng hóa.

Ấn Độ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 2.

Hệ thống tàu điện vận chuyển nhanh tại Mumbai đang được mở rộng để giảm bớt áp lực đối với các chuyến tàu ngoại ô luôn chen chúc người

Xét về chất lượng cơ sở hạ tầng, “Mumbai sẽ sớm có thể sánh ngang với các thành phố nước ngoài” – Deepak Thackley, 30 tuổi, chủ một cửa hàng bán đồ ngọt bên cạnh một ngôi chùa nổi tiếng, trên một trong những con đường đông đúc của thành phố, cho biết.

Theo Thackley, công việc kinh doanh của anh đang được hưởng lợi từ những thay đổi trong kết cấu của thành phố. Bao quanh cửa hàng của anh, giờ là một con ngõ mới với khả năng thoát nước tốt hơn, giúp tránh lũ lụt khi có gió mùa, giúp các tín đồ đến viếng chùa dễ dàng hơn. Thời gian đi làm, trước đây mất 2 tiếng với tầu hỏa cũ, giờ chỉ mất 1 tiếng nhờ một số tuyến tàu điện ngầm đã đi vào hoạt động.

Các dự án hàng nghìn tỷ USD

Nhìn chung, chính phủ Ấn Độ đã công bố một loạt các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2019 đến năm 2025 với tổng trị giá gần 2 nghìn tỷ USD. Theo Invest India, cơ quan xúc tiến đầu tư của nước này, phần lớn nguồn tài trợ dự kiến sẽ đến từ chính quyền trung ương và tiểu bang, mặc dù chính phủ đang hy vọng khu vực tư nhân sẽ tài trợ khoảng 22% số tiền đó. Các lĩnh vực bao gồm đường bộ, đường sắt, phát triển đô thị và nhà ở, năng lượng và thủy lợi.

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, quốc gia này đã chi hơn 10 nghìn tỷ Rupee, tương đương khoảng 120 tỷ USD, cho vốn đầu tư hạ tầng trong năm tài chính vừa qua, kết thúc vào tháng 3/2024. Con số này cao hơn 37% so với năm tài chính trước đó và hơn gấp đôi số tiền chi tiêu trong năm tài chính 2019.

“Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có được cải thiện một cách rõ ràng không? Câu trả lời là có. Liệu nó đã đủ tốt để đáp ứng kỳ vọng của Ấn Độ chưa? Câu trả lời là chưa. Nó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện” – Arup Raha, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ấn Độ hiện có nhiều tuyến đường sắt được điện khí hóa hơn Anh và Pháp. Các siêu dự án đầy tham vọng đang được thực hiện bao gồm một chuỗi cảng xây mới hoặc tu bổ lại lại dọc bờ biển Ấn Độ, những cây cầu và đường hầm kết nối các tỉnh vùng sâu vùng xa và các công viên năng lượng mặt trời cung cấp điện cho các ngôi nhà và nhà máy, hệ thống giao thông công cộng ở hàng chục thành phố và các tuyến đường sắt tầu cao tốc mới kết nối các thành phố lớn.

Một số dấu hiệu cho thấy, những thay đổi đang mang lại kết quả, thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ. Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết vốn đầu tư và tăng trưởng năng suất sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển của Ấn Độ trong những năm tới. Đầu tư nước ngoài, từ các công ty bao gồm Apple và gã khổng lồ điện tử Đài Loan (Trung Quốc) Foxconn, đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, lên khoảng 50 tỷ USD vào năm 2022.

Nhận định từ giới chuyên gia

Các nhà kinh tế cho rằng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ còn chưa đủ để thúc đẩy nền kinh tế có thu nhập cao hơn. So với Trung Quốc, một quốc gia đã đầu tư số tiền khổng lồ và trong nhiều thập kỷ vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là công xưởng của thế giới thì Ấn Độ vẫn còn tụt hậu xa.

Ấn Độ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 3.

Công trường xây dựng dự án đường ven biển gần nhà thờ Hồi giáo Haji Ali ở Mumbai

Các nhà kinh tế và chuyên gia về cơ sở hạ tầng cho biết thêm, ngày nay, chính quyền trung ương ở New Delhi cũng như các chính quyền tiểu bang và thành phố đã thống nhất hơn trong nhận định về sự cần thiết phải làm lại cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Các dự án phát triển đường bộ, đường sắt và năng lượng hầu hết được chính phủ trung ương tài trợ hoặc bảo lãnh, một phần trong kế hoạch tổng thể gồm gần 10.000 dự án nhằm đưa nền kinh tế Ấn Độ tiến gần hơn đến mốc 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*