Bức ảnh từng khơi cơn sốt về quái vật hồ Loch Ness

Ngày 12/11/1933, Hugh Gray đang đi dạo dọc hồ Loch Ness, gần thành phố Inverness của Scotland trong một chủ nhật đầy nắng thì chợt thấy “vật có kích thước lớn” nổi lên khỏi mặt nước cách chỗ ông không xa. Gray lấy chiếc máy ảnh Kodak để chụp thứ giống như chiếc đuôi của một loài động vật đang khuấy động mặt nước trước khi nó chìm xuống.

Gray gửi câu chuyện kèm bức ảnh duy nhất ông chụp hôm đó cho tờ Scottish Daily Record. Ông tin rằng mình đã lần đầu tiên chụp được Nessie, sinh vật bí ẩn được đồn đoán ở hồ Loch Ness suốt nhiều thập kỷ, theo Roland Watson, người phân tích bức ảnh của Gray.

Hồ Loch Ness có chu vi khoảng 37 km và nhiều vị trí sâu hơn 200 m, có thể chứa hơn 7,4 triệu m3 nước. Những ghi chép đầu tiên về quái vật Nessie xuất hiện từ thời Trung cổ, khi tu sĩ St Columba người Ireland được cho là đã chạm mặt con vật khổng lồ trên Ness, dòng sông chảy ra từ hồ Loch Ness.

Câu chuyện của Gray đã góp phần làm dài thêm những báo cáo về sinh vật bí ẩn này. Bức ảnh đen trắng mà ông chụp được đã thổi bùng cơn sốt về Nessie không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới.

“Bức ảnh đã khởi động kỷ nguyên săn tìm Nessie thời hiện đại. Trước đó, nó chỉ được coi là một truyền thuyết địa phương”, Watson, tác giả một số cuốn sách về quái vật hồ Loch Ness, nói. “90 năm sau, bức ảnh của Gray vẫn được xem là một trong những bức ảnh đẹp nhất về Nessie”.

Bức ảnh chụp vật thể trên hồ Loch Ness của Hugh Gray vào tháng 11/1933. Ảnh: Washington Post

Bức ảnh chụp vật thể trên hồ Loch Ness của Hugh Gray vào tháng 11/1933. Ảnh: Washington Post

Cho đến nay, những thợ săn Nessie vẫn chưa có được hình ảnh thuyết phục hơn về sinh vật bí ẩn, dù có sự hỗ trợ của nhiều công nghệ mới như camera kỹ thuật số, thiết bị thủy âm, ảnh vệ tinh hay điện thoại thông minh.

Trung tâm Loch Ness và nhóm nghiên cứu tình nguyện Loch Ness Exploration cuối tuần qua tổ chức Chiến dịch săn quái vật Nessie với sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới, nhưng không thu được kết quả nào.

Gray, nhân viên của nhà máy luyện nhôm ở Foyers, nằm trên bờ biển phía đông của hồ Loch Ness, được đồng nghiệp và cộng đồng rất tôn trọng với phát hiện về Nessie, theo Watson. Song những người hoài nghi vào thời điểm đó cho rằng ông chỉ đang chụp một khúc gỗ trôi nổi hoặc có thể là cá voi.

Tuy nhiên, bức ảnh của Gray được chụp vào thời điểm có nhiều phát hiện quan trọng liên quan tới quái vật hồ Loch Ness. Vào tháng 4/1933, báo Inverness Courier đăng câu chuyện của quản lý khách sạn địa phương Aldie Mackay nói rằng đã thấy một “quái vật” giống như cá voi khuấy động mặt nước Loch Ness khi họ lái xe dọc bờ hồ. Khách du lịch sau đó đổ xô đến hồ Loch Ness với hy vọng có thể thấy quái vật này.

Vào mùa hè năm đó, George Spicer, du khách tới từ London, cho biết đã thấy một sinh vật dài hơn hai mét với chiếc cổ dài băng qua đường khi ông lái xe gần hồ Loch Ness.

“Con vật đó rất giống rồng hoặc động vật thời tiền sử. Nó băng qua đường cách đầu xe tôi khoảng 45 m và dường như đang ngoạm con cừu nhỏ hoặc một con vật nào đó”, ông kể.

Câu chuyện của Spicer “đã thu hút sự chú ý của truyền thông và câu chuyện về “quái vật hồ Loch Ness” ra đời, Gary Campbell, người điều hành trang ghi nhận những phát hiện về quái vật hồ Loch Ness, nói. Trang này đã ghi nhận 1.148 phát hiện về sinh vật không xác định trong và khu vực quanh hồ.

Campbell đã cho ra đời trang ghi nhận phát hiện này sau khi chính ông nhìn thấy sinh vật được cho là Nessie vào năm 1996. Ông nói với Washington Post khi đó rằng ông nhìn thấy “cái bướu màu đen biến mất rồi xuất hiện trở lại. Nó không giống bất kỳ thứ gì tôi từng thấy”.

Trang web của Campbell lưu ý rằng nhiều phát hiện có thể dễ dàng bị bác bỏ. Những gì tưởng là Nessie thực sự có thể là chiếc thuyền, khúc gỗ hoặc ảo ảnh của con người. Hải cẩu, rái cá, các loài lươn lớn, cá tầm và cá da trơn đôi khi cũng bị nhầm là Nessie.

Năm 1934, bác sĩ R. Kenneth Wilson ở London bán cho Daily Mail một bức ảnh đen trắng chụp một vật thể giống sinh vật có chiếc cổ dài đang nhô đầu lên khỏi mặt nước. Wilson tuyên bố chụp được bức ảnh này ở hồ Loch Ness khi đi qua đây với một người bạn.

Bức ảnh của Wilson nhanh chóng lan truyền trên truyền thông, trở thành “bằng chứng” phổ biến nhất về sự tồn tại của Nessie, làm lu mờ bức ảnh của Gray. Tuy nhiên, đến năm 1994, bức ảnh được xác định là giả.

Bức ảnh được cho là bằng chứng về quái vật hồ Loch Ness do bác sĩ Wilson công bố. Ảnh: Washington Post

Bức ảnh được cho là “bằng chứng” về quái vật hồ Loch Ness do bác sĩ Wilson công bố. Ảnh: Washington Post

Nhiều người sau đó đưa ra giả thuyết rằng Nessie là con rắn biển khổng lồ đã chui vào hồ Loch Ness và mắc kẹt tại đây.

Tuy nhiên, theo Darren Naish, nhà động vật học kiêm người sáng lập blog Tetrapod Zoology, với hàng nghìn người tới tham quan hồ Loch Ness mỗi ngày, nếu có một sinh vật như vậy thực sự tồn tại, chắc chắn sẽ có ai đó chụp được bức ảnh rõ nét hơn về nó.

Gray cũng chưa từng chụp được thêm bức ảnh nào khác về Nessie. Tuy nhiên, người đàn ông Scotland vẫn tin vào những gì ông thấy và bức ảnh mình đã chụp.

Thậm chí tới năm 1960, không lâu trước khi Gray qua đời, ông đã đưa một nhà nghiên cứu về sinh vật bí ẩn đến vị trí mà ông từng chụp bức ảnh và “nói về những gì mình đã thấy với niềm tin không thay đổi”, theo Watson.

Vị trí hồ Loch Ness, Scotland. Đồ họa: BBC

Vị trí hồ Loch Ness, Scotland. Đồ họa: BBC

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*