Chứng khoán cuối năm: Tăng giảm đan xen, phân hóa rõ nét

TIN MỚI

    Trả lời Phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu – Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), cho rằng xu hướng thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành.

    Chứng khoán cuối năm: Tăng giảm đan xen, phân hóa rõ nét - Ảnh 1.

    Xu hướng thị trường trong những tháng cuối năm sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành

    Dưới góc nhìn của mình, xin ông có thể cho biết điểm nhấn nào là đáng chú ý nhất của thị trường chứng khoán trong thời gian qua?

    Kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Việt Nam, VN-Index tiếp tục ghi nhận thêm một tuần hồi phục tăng điểm từ vùng 1.220 điểm lên vùng đình cũ gần nhất tại thời điểm đầu tháng 8/2023 quanh mức 1250 điểm. Tại mốc điểm số này, chỉ số bắt đầu có dấu hiệu chững lại trước khi điều chỉnh giảm khá mạnh trong phiên ngày 11/9 và quay trở lại vùng 1.220, theo đó xóa sạch thành quả tăng điểm kể từ đầu tháng 9.

    Tuy nhiên, cũng giống như trong phiên thị trường rơi mạnh ngày 18/8 với việc VN Index đóng cửa giảm hơn 55 điểm, tôi nhận thấy sự phân hóa khá tích cực trên thị trường khi áp lực bán mạnh chủ yếu diễn ra ở các nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ “nóng” trong giai đoạn vừa qua như bất động sản, chứng khoán.

    Trong khi đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh ổn định kể từ đầu năm hoặc cổ phiếu có giá chưa tăng nhiều so với chỉ số chung thì nhìn chung đều không ghi nhận mức biến động giá quá đáng kể. Thậm chí trong phiên giảm điểm mạnh của thị trường thì thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, FPT, đồng thời góp phần đáng kể hạn chế đà giảm của chỉ số chung. Vì vậy, tôi cho rằng “trong nguy có cơ”, ngay cả khi thị trường chung diễn biến tiêu cực thì vẫn tồn tại những cơ hội đầu tư đáng ý với rủi ro thấp và mức lợi nhuận kỳ vọng vừa phải.

    Ở một khía cạnh khác, việc giá trị giao dịch khớp lệnh trên HSX hầu như luôn đạt trên 20 nghìn tỷ đồng mỗi phiên kể từ tháng 8, dù chỉ số chưa thể bứt phá mạnh mẽ, tuy là tín hiệu về một nhịp điều chỉnh, nhưng điều này cũng cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư cá nhân, bất chấp những biến động tăng giảm ngắn hạn của thị trường.

    Cùng với đó, khi thanh khoản thị trường có sự cải thiện tốt thì một trong những nhóm ngành có khả năng được dòng tiền chú ý đến là cổ phiếu của các công ty chứng khoán và nhóm ngành này thường vận động đồng pha với xu hướng thị trường trong thời gian vừa qua. Vì vậy, ngay khi thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn thì đây thường là nhóm ngành bật tăng đầu tiên và cũng ghi nhận mức hồi phục đáng kể nhất, đem lại cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cho nhà đầu tư.

    Ông lý giải thế nào khi thanh khoản thị trường gần đây tăng trên 20.000 tỷ đồng/phiên giao dịch?

    Từ góc nhìn của tôi, sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế đã giúp thúc đẩy giao dịch và cải thiện đáng kể về mặt thanh khoản. Lãi suất gửi tiết kiệm không quá 7,0% cũng như các kênh đầu tư khác như bất động sản không còn hấp dẫn dẫn tới một phần dòng tiền đã quay trở lại thị trường chứng khoán.

    Bên cạnh đó, nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế được đưa ra đã dần có tác dụng và giúp cho thanh khoản trong nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng dồi dào hơn và tác động dây chuyền thúc đẩy các dòng vốn nhàn rỗi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở trên thị trường chứng khoán. Theo đó, tính riêng trong tháng 8/2023, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vẫn đạt trên 150.000 tài khoản đã cho thấy kênh đầu tư chứng khoán vẫn rất hấp dẫn và nhận được nhiều sự quan tâm. Các yếu tố kể trên cùng với nhau đã góp phần giúp thanh khoản trên thị trường cải thiện khá đáng kể so với giai đoạn đầu năm nay.

    Nguyên nhân nào khiến những phiên gần đây khối ngoại liên tục bán ròng?

    Tính từ đầu tháng 9 đến hiện tại, tức trong 5 phiên giao dịch gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng gần 2250 tỷ đồng trên cả ba sàn. Một số cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh là HPG (210 tỷ), SSI (164 tỷ), VHM (126 tỷ) và KBC (93 tỷ).

    Nhìn chung, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã ghi nhận một nhịp tăng tương đối dài hơi và cũng đồng thời đóng góp lớn để giúp chỉ số VN-Index leo lên hơn 1.200 điểm như hiện tại. Trong khi đó, khối ngoại đã giải ngân mua ròng khá mạnh vào thời điểm quý IV/2022 cũng như cuối quý I/2023, những thời điểm mà VN Index dao động trong khoảng 900 – 1.050 điểm. Do đó, nhu cầu chốt lời sau một thời gian nắm giữ khoảng 6-9 tháng cũng là diễn biến bình thường.

    Mặt khác, trên thị trường liên ngân hàng hiện tại, trong khi xu hướng lãi suất VND liên tục đi xuống thì lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn neo cao. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức khoảng 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng đã giữ ở mức trên 5% trong một thời gian khá dài.

    Bên cạnh đó, chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt khác, vẫn đang ở mức cao trên 100 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ vẫn duy trì xu hướng tăng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay trong một thời gian dài, và Fed vẫn có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9/2023 tới.

    Những thông tin này kết hợp cùng với nhau tạo nên kỳ vọng về sự mạnh lên của USD so với VND trong thời gian tới. Do đó, việc nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ưu tiên quy đổi một phần tài sản có tính thanh khoản cao để chuyển sang nắm giữ USD cũng là điều dễ hiểu.

    Cuối cùng, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ ở mức cao cũng kích thích xu hướng phân bổ lại tài sản ở các thị trường tài chính lớn, từ nắm giữ chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu để chuyển sang các quỹ đầu tư trái phiếu ở thị trường Mỹ.

    Do Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm thị trường cận biên mà các quỹ ETF nắm giữ cổ phiếu tại các thị trường cận biên thường sẽ ghi nhận quá trình rút ròng diễn ra gấp rút hơn so với các thị trường khác, dẫn đến việc hoạt động bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng tốc khá nhanh kể từ tháng 7 đến nay (khoảng hơn 2.000 tỷ trong tháng 7 tăng lên hơn 4.000 tỷ trong tháng 8 và đã đạt hơn 2.000 tỷ kể từ đầu tháng 9 đến nay).

    Vậy theo ông, triển vọng thị trường những tháng cuối năm sẽ ra sao?

    Thị trường chứng khoán có thể sẽ chịu tác động bởi cả những yếu tố tích cực và tiêu cực trong những tháng còn lại của năm nay.

    Về kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và vẫn có thể giảm thêm là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho mức định giá của thị trường.

    Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc, đồ gỗ… cũng đã có một số tín hiệu hồi phục trong những tháng gần đây, theo đó có thể tạo ra kỳ vọng tích cực hơn đối với các công ty đang niêm yết hoạt động trong những lĩnh vực này trong giai đoạn cuối năm.

    Ngoài ra, hoạt động đầu tư công vẫn tiếp tục là điểm nhấn đáng chú ý trong một vài năm tới và nếu việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong phần còn lại của năm nay thì cũng sẽ trở thành yếu tố thu hút sự chú ý của dòng tiền đến các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh liên quan đến các dự án đầu tư công trọng điểm của Chính phủ.

    Và cuối cùng, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và việc nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những ngành có khả năng sẽ trở thành trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, xe điện, công nghệ thông tin và chuyển đổi số….

    Trong khi đó, các rủi ro trong những tháng tới có thể là kết quả kinh doanh của nhiều công ty niêm yết sẽ ghi nhận sự sụt giảm nhất định so với năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ra, không thể không nhắc đến khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 9 vẫn để còn để ngỏ và tỷ giá USD/VND có thể biến động bất thường trong một khoảng thời gian ngắn trước khi NHNN đưa ra các biện pháp để ổn định tình hình.

    Theo đó, tôi cho rằng xu hướng thị trường trong những tháng cuối năm sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành. Vì vậy, dù trong sóng tăng hay sóng giảm thì vẫn sẽ luôn có không ít cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư cần giữ “cái đầu lạnh”, tuân thủ kỷ luật đầu tư và chú ý hơn đến việc quản trị rủi ro để có thể bảo vệ thành quả trước những biến động trên thị trường – mà nhiều khả năng là sẽ gia tăng về cả tần suất và cường độ trong giai đoạn cuối năm nay.

    Xin cảm ơn ông!

    Góc nhìn CTCK: Tiếp đà hưng phấn, VN-Index có thể sớm vượt đỉnh ngắn hạn

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *