“Quán quân” tăng giá trên sàn UPCOM trong tuần giao dịch 5-8/9 vừa qua gọi tên cổ phiếu MRF của Công ty cổ phần Merufa. Với chuỗi tăng 3 phiên kịch trần liên tiếp, cổ phiếu MRF đã tăng đến 51% giá trị chỉ trong một tuần, qua đó tiến lên mức giá 37.200 đồng/cp, tương ứng tăng gấp đôi so với mức thị giá chào sàn hồi tháng 12/2017.
Dù tăng hết biên độ nhưng thanh khoản MRF chỉ vỏn vẹn từ 100-400 cổ phiếu trong 3 phiên giao dịch tăng trần (6-8/9). Trước đó, việc cổ phiếu MRF “tắt thanh khoản”, không xuất hiện giao dịch diễn ra khá thường xuyên.
Còn nhớ, hồi đầu năm 2021, cổ phiếu MRF từng gây sốt sàn giao dịch với hiện tượng chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 31/12/2020 đến 8/1/2021, đưa giá cổ phiếu từ 33.500 đồng/cp lên 77.000 đồng/cp. Thị giá hiện tại đã giảm hơn một nửa so với mức này.
Được biết, CTCP Merufa tiền thân là xí nghiệp cao su Y tế, được Bộ Y tế thành lập từ năm 1987 với nhiệm vụ là sản xuất bao cao su tránh thai và các sản phẩm cao su y tế khác cung cấp cho nền kinh tế quốc dân. Đến tháng 12/2002, xí nghiệp Cao su Y tế chuyển thành CTCP Merufa.
Merufa cũng được biết đến là doanh nghiệp duy nhất sản xuất bao cao su hiện đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Thị trường bao cao su “béo bở” ở Việt Nam hiện có sự cạnh tranh khá gay gắt từ các doanh nghiệp ngoại với các thương hiệu đến từ Nhật Bản và Anh, đang chiếm ưu thế là Durex, Sagami, OK,…
Doanh thu kỷ lục đợt Covid-19
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Merufa mới chỉ khởi sắc từ năm 2019.
Do không chỉ sản xuất bao cao su mà Merufa còn là đơn vị cung cấp găng tay y tế, nút chai, ống y tế,…nhu cầu tiêu thụ bao tay cao su phẫu thuật trong nước và thế giới tăng cao do đại dịch Covid-19 có thể được coi là yếu tố dẫn đến sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho Merufa giai đoạn 2020-2021.
Năm 2022, doanh thu ghi nhận gần 203 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng, giảm gần một nửa cùng kỳ. Tính ra, doanh thu và lợi nhuận MRF lần lượt hoàn thành 68,7% kế hoạch năm và 73,1% chỉ tiêu năm.
Trước đó năm 2021, Merufa đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử, lên đến 285 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,5 triệu USD), tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Merufa là gần 143 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2022, trong đó đa phần là tài sản ngắn hạn. Nợ phải trả là hơn 49 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 93 tỷ đồng.
Trả cổ tức đều đặn bằng tiền
Một điều khá thu hút cổ đông MRF còn đến từ việc doanh nghiệp này không năm nào quên chia cổ tức bằng tiền kể từ khi lên sàn. Giai đoạn 2018-2022, công ty chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tăng dần qua các năm.
Tháng 6/2023 vừa qua, Merufa đã thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền với tỷ lệ 20%, qua đó nâng mức cổ tức đã chi trả cho năm 2022 lên 30%, đúng như kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2023.
Để lại một phản hồi