Apple đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tại Trung Quốc – khi những rủi ro căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng như việc nền kinh tế vẫn không bứt tốc như nhiều người kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thách thức lớn nhất trong số đó có lẽ là sự bất ngờ nổi lên của Huawei – khi công ty này đạt được một bước đột phá về chip.
Con chip mới nhất trong dòng điện thoại thông minh của Huawei được làm bởi nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc là SMIC. Nó đã làm dấy lên những câu hỏi về việc làm thế nào họ có thể làm khi mà không được tiếp cận những công nghệ quan trọng.
Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ khác về việc liệu quy trình đang được sử dụng để làm ra những loại chip mới này có đủ hiệu quả trên quy mô lớn nhằm hỗ trợ sự trở lại của Huawei hay không?
Suốt nhiều năm, Mỹ vẫn duy trì quan điểm coi Huawei như một rủi ro an ninh quốc gia. Dĩ nhiên, Huawei phủ nhận mọi cáo buộc.
Khởi đầu vào năm 2019, chính phủ Mỹ đã thực hiện hàng loạt những lệnh trừng phạt nhằm loại Huawei khỏi những công nghệ cốt lõi gồm chip 5G, các phần mềm của Google… – những thứ vốn giúp Huawei có lúc trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Kết quả là, những lệnh trừng phạt của Mỹ đã gần như xoá xổ mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei.
Vậy chip mới của Huawei có ý nghĩa thế nào?
Cùng với Apple và Samsung, Huawei là một trong số ít công ty đã tự thiết kế được bộ xử lý điện thoại thông minh của chính họ. Việc này đã được thực hiện thông qua chi nhánh HiSilicon của công ty.
Tuy nhiên, các loại chip cho điện thoại vốn được sản xuất bởi TSMC. Sau lệnh cấm của Mỹ, Huawei không được tiếp cận nguồn chip từ TSMC nữa.
Trên thực tế, TCMS vốn là nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới. Không một công ty Trung Quốc nào có thể làm thứ mà TSMC đang làm. Đó là lý do tại sao lĩnh vực công nghệ thế giới đã được một phen “sốc” khi Huawei lặng lẽ ra mắt mẫu Mate 60 Pro tại Trung Quốc vào tháng này, với mẫu chip được làm bởi SMIC.
Điều đáng nói là, cùng với Huawei, SMIC cũng trong danh sách cấm vận của Mỹ. Các công ty trong danh sách này bị cấm mua các công nghệ từ Mỹ. Chưa kể đến việc, công nghệ của SMIC luôn đi sau những công ty như TSMC.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu con chip mới có thể “làm nên chuyện” khi cả Huawei và SMIC đều đang chịu những lệnh cấm vận nghiêm trọng?
Chip của Huawei có gì?
Chip điện thoại thông minh của Huawei có tên là Kirin 9000S, kết hợp bộ xử lý và các thành phần để tạo ra kết nối 5G. Huawei chưa xác nhận điện thoại có khả năng 5G, nhưng các đánh giá cho thấy thiết bị này có khả năng đạt tốc độ tải xuống liên quan đến 5G.
Theo phân tích về Mate 60 Pro của công ty phần mềm TechInsights, dòng chip đã được sản xuất bằng quy trình 7 nanomet bởi SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.
Con số nanomet đề cập đến kích thước của từng bóng bán dẫn riêng lẻ trên chip. Bóng bán dẫn càng nhỏ thì càng có thể chứa được nhiều bóng bán dẫn vào một chất bán dẫn. Thông thường, việc giảm kích thước nanomet có thể mang lại những con chip mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Quy trình 7nm được coi là rất tiên tiến trong thế giới chất bán dẫn, mặc đây không phải là công nghệ mới nhất.
Trên thực tế, suốt nhiều năm, SMIC gặp khó khăn trong việc sản xuất chip 7nm. Điều đó một phần là do họ không thể có được một bộ dụng cụ rất đắt tiền được gọi là máy in thạch bản cực tím (EUV). Chúng được sản xuất bởi công ty ASML của Hà Lan, nhưng công ty đã bị chính phủ hạn chế gửi những máy này đến Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng điều này sẽ cản trở khả năng sản xuất chip tiên tiến của SMIC. Nhưng có vẻ như điều đó đã không trở thành hiện thực.
Trong một bài đăng trên blog vào tháng này, Dan Hutcheson, phó chủ tịch TechInsights cho biết chip 7nm “chứng minh tiến bộ kỹ thuật mà ngành bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt được mà không cần các công cụ in thạch bản EUV”.
Đây có thực sự là một vấn đề lớn?
Từ góc độ công nghệ, điều quan trọng là SMIC đã sản xuất chip sử dụng quy trình 7nm mà không cần máy EUV của ASML.
Pranay Kotasthane, phó giám đốc của Viện Takshashila nói với CNBC rằng có khả năng thiết bị được sử dụng cho các quy trình sản xuất cũ đang được “tái sử dụng” cho những con chip tiên tiến hơn này. Nhưng ông tin rằng quá trình này có thể được thực hiện với “hiệu quả thấp hơn” so với việc SMIC sử dụng thiết bị tiên tiến.
Và đó là một điểm quan trọng. Mặc dù SMIC có thể tạo ra chip 7nm nhưng vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả, lợi nhuận và bền vững trên quy mô lớn hơn. Một thước đo được theo dõi chặt chẽ là “sản lượng” – số lượng chip được tạo ra từ một tấm bán dẫn cụ thể.
Nếu hiệu suất của nhà sản xuất chip thấp thì quy trình này không được coi là hiệu quả và có thể tốn kém. Kotasthane cho biết: Mặc dù chưa rõ hiệu suất của quy trình 7nm của SMIC dành cho chip Huawei nhưng nhiều khả năng “có thể là thấp”.
Vấn đề bây giờ là chờ xem SMIC có thể sản xuất số lượng chip mà Huawei yêu cầu ở quy mô có lãi hay không.
Kết quả của “cú lội ngược dòng” với Huawei chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, đây rõ ràng tạo ra “những cơn gió ngược” mà Apple gặp phải tại Trung Quốc.
Tháng này, các phương tiện truyền thông đưa tin các nhân viên chính phủ trung ương Trung Quốc đã bị cấm sử dụng iPhone và các điện thoại mang nhãn hiệu nước ngoài khác để làm việc và thậm chí bị cấm mang vào văn phòng.
Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có quy định nào cấm mua và sử dụng điện thoại nước ngoài.
Khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nổi lên, có lẽ sự trỗi dậy tiềm tàng của Huawei sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Apple.
Will Wong, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IDC nói với CNBC: “Người ta dự đoán rằng Huawei sẽ đặt ra thách thức lớn hơn cho Apple ở Trung Quốc so với vấn đề địa chính trị. Điều này là do Huawei không chỉ có hình ảnh thương hiệu cao cấp giống như Apple mà còn là niềm tự hào quốc gia ở Trung Quốc”.
Apple được coi là nhà sản xuất điện thoại thông minh cao cấp và Huawei đã cạnh tranh trực tiếp với công ty Mỹ tại Trung Quốc trong nhiều năm. Nhưng doanh số của Huawei đã tụt dốc khi không thể trang bị cho điện thoại thông minh của mình công nghệ 5G và chip mới nhất.
Bất kỳ sự trỗi dậy nào trong lĩnh vực này, như trường hợp của Mate 60 Pro, đều có thể khiến điện thoại mới của Huawei trở thành một lựa chọn hấp dẫn một lần nữa đối với người mua ở Trung Quốc.
Wong nói thêm: “Mối đe dọa lớn nhất từ Huawei là sự phát triển liên tục về công nghệ, không chỉ về chip mà còn ở các dạng thức mới như màn hình gập”.
Nguồn: CNBC
Để lại một phản hồi