“Forest City” – Dự án thương mại trị giá 100 tỷ USD của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Country Garden khởi công xây dựng vào năm 2015. Biểu tượng từng được coi là chiến lược hào nhoáng của giới chức đại lục này giờ đây bị ví như ‘thành phố ma’ bỏ hoang, sau khi làn sóng vay nợ và xây dựng quá mức để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Bà Lâm, một trong số những người tin tưởng dự án Forest City ngày trước, quyết định bỏ ra khoảng 1 triệu nhân dân tệ mua một căn hộ rộng 48 m2 vào năm 2017. 100.000 nhân dân tệ đã được bà thanh toán trước; phần còn lại trả góp dần trong 4 năm, song biến cố đã xảy ra.
“Sau khi dịch bệnh bùng phát, tôi nghe nói nhà có vấn đề. Nhiều gói hỗ trợ không thể thực hiện. Thậm chí chả có nhân viên nào yêu cầu tôi thanh toán nốt số tiền kia”, bà Lâm nói.
Forest City đã để lại vết thương lòng sâu sắc trong bà. Bà không chỉ mất khoản tiền tiết kiệm dành dụm bao năm mà còn phai nhạt dần niềm tin vào các công ty bất động sản. “Không phải Country Garden là một trong những công ty thuộc Fortune 500 sao? Chúng tôi mua nhà vì chính sự tin tưởng đó và giờ thì sao? Tôi buồn lắm”, bà Lâm nói.
Nhiều chủ sở hữu khác có trải nghiệm tương tự như bà, cách đây hơn 1 tháng, cũng kiến nghị lên chính quyền. Họ thậm chí còn xuống đường giơ cao biểu ngữ – dòng chữ đỏ in đậm to và nét: “Forest City của Country Garden – Cạm bẫy 5 sao cạnh Singapore”.
Nhờ cuộc khủng hoảng nợ tại Country Garden, ‘thành phố ma’ một lần nữa lại thu hút sự chú ý của báo giới. Sau 10 năm, tiến độ dự án mới chỉ đạt 15%. Kế hoạch xây dựng 4 hòn đảo nhân tạo sầm uất phục vụ người dân cũng chưa thể thực hiện.
Theo chủ đầu tư, 28.000 căn hộ đã được xây dựng song chỉ có 9.000 người đến sống. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 700.000 cư dân.
Trọng tâm dự án là tòa tháp hỗn hợp cao 45 tầng chuyên dùng để cho thuê làm văn phòng, căn hộ dịch vụ và trung tâm mua sắm. Công việc kinh doanh không hề khởi sắc và hầu hết đều trống không, ngoại trừ một số khu bán đồ miễn thuế. Một bãi biển nhìn ra Singapore chỉ cách đó vài bước chân – rải rác đầy những tấm biển cảnh báo không được xuống nước vì có cá sấu.
“Tôi sẽ không ở lại đây, đây là một thị trấn ma. Đường tối, nguy hiểm và không có đèn đường”, một người nói. “Mọi người chỉ đến đây để mua rượu miễn thuế thôi”.
Forest City kể từ đó được gọi là “thành phố ma” – giống như rất nhiều những siêu dự án phát triển trên khắp Trung Quốc được xây dựng dựa trên hoài bão lớn nhưng chưa bao giờ hoàn thành. Đại diện nhà phát triển đã bác bỏ tên gọi này, đồng thời cho biết hơn 80% số căn hộ đã được bán. Edward Glickman, cựu giáo sư Đại học New York, cho rằng tỷ lệ 80% tạm an toàn, song Forest City cũng phải tính đến chi phí cải tạo đất đắt đỏ.
“Tôi đến đây để nghỉ lễ sau khi xem video TikTok”, nhân viên bán lẻ Nursziwah Zamri, 30 tuổi, đến từ bang Malacca, cho biết. “Nếu bạn hỏi tôi có muốn sống ở đây không thì câu trả lời là không”.
Bà Lâm hiện còn 20% nợ thế chấp chưa trả. Căn hộ đã hoàn thiện nhưng điều khiến bà bất an là Country Garden vẫn chưa bàn giao giấy chứng nhận nhà đất. “Một số chủ nhà đã thanh toán và nộp đủ thông tin trong suốt 3 năm nhưng vẫn chưa nhận được giấy tờ. Country Garden đổ lỗi cho dịch bệnh và sự kém hiệu quả của chính phủ Malaysia. Chúng tôi không biết sự thật. Nếu thiếu giấy tờ, ngôi nhà không hoàn toàn thuộc sở hữu của tôi. Tiền tôi bỏ ra sẽ bị bỏ phí”, bà Lâm nói.
Trước đây, người phụ nữ này mua nhà tại Forest City vì tin rằng con mình sau này sẽ được hưởng quyền lợi tại các ngôi trường danh tiếng. Nhiều năm sau, bà Lam nhận ra đó chỉ là những lời hứa suông. Rất nhiều chủ sở hữu là người Trung Quốc và gần như họ không hề tới ở.
“Họ không thể cho thuê, bán hay trả lại”, bà Lâm nói và kể lại rằng mình từng tới trụ sở của Country Garden để đòi quyền lợi song không có kết quả. Xung quanh bà, hàng trăm người khác cũng cố gắng khiếu nại.
“Dịch bệnh khiến thu nhập giảm mạnh, đi làm khó khăn, không trả được nợ thế chấp, muốn bán nhà cũng không được. Tôi mong có thể trả lại căn nhà, nhưng chắc là không còn hy vọng. Khó quá, bản thân công ty còn không có tiền, làm sao có thể hoàn lại cho chúng tôi chứ?”, bà Lâm buồn rầu kể.
Theo Louise Loo, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, các dự án ở nước ngoài chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư của Country Garden, trong đó Forest City là dự án lớn nhất. Ngoài ra, Country Garden còn có 2 dự án khác tại Johor, miền nam Malaysia là Danga Bay và Central Park.
Năm 2015, Country Garden động thổ và nhanh chóng xây dựng hàng chục tòa tháp và một khu nghỉ dưỡng chơi golf. Khi đó, đây được coi là dự án chiến lược dài hạn, theo báo cáo thường niên năm 2016.
“Kế hoạch này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn bộ khu vực. Chúng tôi mong đợi và tin tưởng chắc chắn rằng đây sẽ là sự hợp tác lâu dài và thành công. Forest City sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch và ít nhất là tới năm 2025, công ty mới có thể xem xét lại kế hoạch tương lai của mình”, Phó chủ tịch khu vực Syarul Izam Sarifudin nói.
Tuy nhiên, không phải chủ nhà nào cũng lạc quan dù cho có được động viên tinh thần đến mấy. Bà Lâm lo lắng: “Chính sách của Malaysia lúc nào cũng thay đổi. Khó nói lắm. Cuối cùng thì tôi vẫn không có giấy chứng nhận nhà đất”.
Hiện tại, doanh số bán hàng chậm và nợ nần chồng chất đang đè nặng lên vai Country Garden. Nhà phát triển này may mắn được gia hạn thanh toán số tiền gốc trái phiếu 540 triệu USD đến năm 2026, song theo Yeap Jun Rong, nhà phân tích thị trường tại IG, bài học trước đây từ vụ vỡ nợ năm 2021 của China Evergrande cho thấy bất kỳ sự gia hạn nào cũng có thể chỉ là “một khoản ân xá ngắn hạn”.
“Nhu cầu trong khu vực rất yếu, lượng hàng tồn kho lại cao”, chuyên gia kinh tế Lu Zihui nói và cho biết con đường phục hồi của dự án vẫn còn khá gập ghềnh.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện tích cực, chủ đầu tư và giới chức Malaysia vẫn đặt nhiều hy vọng vào Forest City. Tháng trước, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết đây sẽ được chỉ định là khu tài chính đặc biệt, nơi người dân chỉ phải trả thuế thấp và dễ dàng xin thị thực nhập cảnh.
“Chúng tôi không nghĩ dự án này sẽ thất bại. Cho đến nay, nhà phát triển đã xây dựng được loạt những tòa nhà cao tầng với sức chứa lên tới 100.000 người. Tất cả đều được triển khai với tốc độ chóng mặt. Bạn tìm đâu ra được một dự án lớn như thế này chứ?”, Syarul Izam Sarifudin, Giám đốc điều hành Country Garden lạc quan.
Được biết, Country Garden, công ty phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu hồ năm ngoái, đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền mặt. So với mức đỉnh hồi tháng 1, cổ phiếu Country Garden có thời điểm lao dốc xuống chỉ còn 0,1 USD (hơn 2 nghìn đồng) – diễn biến tệ nhất trong chỉ số Hang Seng.
“Country Garden vỡ nợ có thể tác động tương tự như Evergrande, đơn giản vì nó quá lớn. Các nhà hoạch định chính sách chưa làm hết sức để củng cố niềm tin. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi chính phủ phản ứng”, Rosealea Yao, một nhà phân tích bất động sản tại Gavekal, cho biết.
Để cứu thị trường, nhiều thành phố tại Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, đã liên tiếp thực hiện các chính sách ‘giải cứu’. Chính quyền cũng hạ lãi suất vay thế chấp để hỗ trợ nền kinh tế.
“Chính sách trên chỉ có thể giúp giảm bớt các tác động tiêu cực chứ khó có thể khiến thị trường bất động sản tăng điểm. Mục tiêu cuối cùng là giảm bớt sự căng thẳng của người dân”, Lu Zihui phân tích.
Bất động sản hiện là mối bận tâm lớn nhất của Trung Quốc do có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ các nhà sản xuất thép, nhà sản xuất thiết bị gia dụng cho đến hàng triệu người dân mua nhà. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với hồi năm 1990 – thời điểm thị trường nhà ở Trung Quốc bắt đầu bùng nổ tại các thành phố lớn, sau đó lan dần sang các khu vực đô thị nhỏ hơn.
“Tốc độ tăng trưởng cao có thể che giấu nhiều vấn đề, song khi tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ khi nước hồ rút xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những thứ chưa từng thấy”, ông Jon Danielsson, Giám đốc trung tâm rủi ro hệ thống tại Trường Kinh tế London, nói.
Theo: DW, WSJ
Để lại một phản hồi