Hạ nghị sỹ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của khối Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có thể trở nên yếu hơn vì các thành viên của khối này có thể phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và giao dịch bằng tiền tệ của chính họ.
Phát biểu trong một buổi tiếp xúc cử tri ở Georgia ngày 31/8, nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như đang làm ngơ trước sự trỗi dậy của BRICS, vốn là tập hợp của các nền kinh tế như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đồng thời chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu.
Theo bà Greene, trong khi Washington đang chú trọng quá mức vào những vấn đề không thực sự đem lại lợi ích, kể cả các chương trình hỗ trợ cho Ukraine đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột với Nga, thì có những quốc gia khác có sức mạnh trên thế giới lại đang bắt tay với nhau vì họ “quá mệt mỏi với nước Mỹ”. Quả thực, nhóm BRICS đang cùng nhau thực hiện những thỏa thuận thương mại nghiêm túc, trao đổi hàng hóa trực tiếp với nhau bằng các đồng nội tệ của họ mà không cần quan tâm tới các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nữ nghị sỹ Mỹ cảnh báo đây là một mối lo ngại thực sự bởi vì khi BRICS trở nên mạnh mẽ hơn thì đồng USD sẽ yếu dần đi.
Hạ nghị sỹ Greene đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra với con cái chúng ta, khi đồng đô la Mỹ không còn ý nghĩa gì nữa, bởi vì Nga, Trung Quốc và Ấn Độ với dân số hàng tỷ người có sức mua bằng đồng tiền của họ nhiều hơn chúng ta?”, đồng thời dự báo nếu điều đó thực sự xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch nghỉ hưu và tiết kiệm cá nhân của người dân Mỹ.
Phát biểu của nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa được đưa ra trong bối cảnh Khối BRICS vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Nam Phi và đạt được “thành công lịch sử” khi đồng ý kết nạp thêm 6 thành viên mới kể từ tháng 1/2024 là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong một tuyên bố tóm tắt của hội nghị, BRICS tái khẳng định cam kết của mình đối với tính toàn diện, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với “nguyện vọng chính đáng” của các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh để đóng một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề mang tính toàn cầu.
Để lại một phản hồi