Italy kêu gọi EU trợ giúp đối phó làn sóng di cư ồ ạt

Hàng nghìn người di cư trên các con thuyền từ bờ biển Bắc Phi đã cập bến hòn đảo Lampedusa, cực nam Italy, trong tuần qua, gây ra một cuộc khủng hoảng làm dấy lên tranh cãi về việc phân chia trách nhiệm giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến thăm hòn đảo Lampedusa trên Địa Trung Hải ngày 17/9, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết khối cần hợp tác để đối mặt với những thách thức của tình trạng di cư không kiểm soát.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

“Tương lai mà châu Âu mong muốn cho chính mình đang bị đe dọa vì tương lai châu Âu phụ thuộc vào khả năng đương đầu với những thách thức lớn của chúng ta”, bà nói.

Theo cơ quan di cư Liên Hợp Quốc, từ 11 đến 13/9, khoảng 8.500 người đã đến đảo Lampedusa trên 199 chiếc thuyền. Con số này nhiều hơn toàn bộ dân số trên đảo.

“Nhập cư bất hợp pháp là một thách thức và cần có phản ứng của cả châu Âu”, bà von der Leyen nói, đồng thời kêu gọi các thành viên khác trong khối tiếp nhận một số người di cư.

“Chúng tôi đang làm mọi việc trong khả năng”, Thủ tướng Meloni đáp lại.

Hội Chữ thập đỏ Italy, nơi điều hành trung tâm di cư đang bị quá tải ở Lampedusa, cho biết hiện tại, nơi đây tiếp nhận 1.500 người di cư lưu trú mặc dù sức chứa của cơ sở chỉ là 400 người.

Một con thuyền chở người di cư bất hợp pháp tiếp cận đảo Lampedusa, Italy, ngày 16/9. Ảnh: Reuters

Một con thuyền chở người di cư bất hợp pháp tiếp cận đảo Lampedusa, Italy, ngày 16/9. Ảnh: Reuters

Thực tế cho thấy việc chuyển người di cư đến Sicily và đất liền không theo kịp dòng người mới đến. Mặt khác, cư dân địa phương đang tỏ ra không hài lòng trước việc hòn đảo của họ bị quá tải bởi dòng người di cư.

Hồi tháng 7, Chủ tịch von der Leyen, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Thủ tướng Meloni, đã đạt được thỏa thuận với Tunisia nhằm hạn chế dòng người di cư bất thường từ quốc gia Bắc Phi này.

Dù vậy trong năm nay, hơn 127.000 người di cư đã đến bờ biển Italy, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan theo dõi di cư của Liên Hợp Quốc, hơn 2.000 người đã thiệt mạng khi đi từ Bắc Phi đến Italy và Malta.

EU đang nỗ lực cải tổ các quy định về cách xử lý dòng người di cư. Tại Pháp, các thành viên cực hữu nói rằng họ không nên cho phép bất kỳ người di cư nào từ Lampedusa vượt biên giới Italy sang nước này. Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ Pháp cho biết Thủ tướng Meloni và Tổng thống Emmanuel Macron đã thảo luận và nhất trí về việc cần “tăng cường hợp tác ở cấp độ châu Âu” để xử lý vấn đề.

Vị trí đảo Lampedusa của Italy. Đồ họa: BBC

Vị trí đảo Lampedusa của Italy. Đồ họa: BBC

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*