Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc, bắt đầu tuyệt thực ngày 31/8 tại một căn lều trước tòa nhà quốc hội với lý do “sự quản lý yếu kém về kinh tế của chính phủ, các mối đe dọa đối với quyền tự do báo chí và việc chính phủ không phản đối Nhật xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima”, cùng nhiều lý do khác.
Ông chuyển địa điểm tuyệt thực vào văn phòng của mình tại tòa nhà quốc hội ngày 13/9, khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn. Quan chức đảng Dân chủ, phe đối lập chính ở Hàn Quốc, hôm 17/9 gọi xe cấp cứu theo đề nghị của bác sĩ để đưa ông Lee đến bệnh viện.
Tuy nhiên, nhân viên y tế và xe cứu thương phải rời đi sau khi ông Lee từ chối đến bệnh viện, nhất quyết tiếp tục tuyệt thực.
Cuối cùng, ông được chuyển từ quốc hội đến bệnh viện sáng 18/9 do bị mất nước và chóng mặt. Ông Lee gần như bất tỉnh sau khi lượng đường trong máu giảm mạnh.
Kim Gi-hyeon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, kêu gọi ông Lee ngừng tuyệt thực, bày tỏ sẵn sàng trao đổi với lãnh đạo phe đối lập về các vấn đề chính sách.
Phát ngôn viên của đảng Dân chủ Park Sung-joon cho biết không rõ liệu ông Lee có thể tiếp tục nhịn ăn hay không và đảng có kế hoạch theo dõi chặt chẽ tình trạng của ông sau khi các biện pháp khẩn cấp được thực hiện.
Vài giờ sau khi ông Lee được chuyển đến bệnh viện, công tố viên cho biết đã yêu cầu lệnh bắt ông liên quan cuộc điều tra về dự án phát triển và cáo buộc nhận hối lộ.
Theo công tố viên, ông Lee bị cáo buộc gây ra thiệt hại 20 tỷ won (15 triệu USD) cho chính quyền thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi trong thời gian ông làm thị trưởng, với hành vi ưu ái công ty Seongnam R&D PFV. Doanh nghiệp này kiếm lợi nhuận sau khi chính quyền thành phố hủy kế hoạch xây nhà cho thuê, thay vào đó cho phép Seongnam R&D PFV bán căn hộ cho người tiêu dùng.
Công tố viên cũng cáo buộc ông Lee yêu cầu Tập đoàn Ssangbangwool chuyển trái phép 8 triệu USD sang Triều Tiên trong khoảng thời gian 2019-2020, khi ông giữ chức thống đốc tỉnh Gyeonggi. Hoạt động này được cho là nhằm tạo điều kiện cho chuyến thăm Triều Tiên của ông và thúc đẩy một dự án trang trại thông minh giữa tỉnh Gyeonggi và Bình Nhưỡng.
Ông Lee phủ nhận mọi hành vi sai trái, gọi các cáo buộc là “hư cấu” và “âm mưu chính trị”.
Phiên tòa xem xét lệnh bắt ông Lee chỉ có thể được tiến hành nếu quốc hội 300 thành viên, nơi đảng Dân chủ chiếm đa số, thông qua đề nghị bắt ông. Theo hiến pháp Hàn Quốc, các nghị sĩ đương nhiệm được hưởng quyền miễn trừ.
Quốc hội hồi tháng 2 đã bác yêu cầu của công tố viên về lệnh bắt. Ông Lee kể từ đó bày tỏ ý định từ bỏ quyền miễn trừ nhưng chưa chính thức thực hiện.
Ông Lee thất bại trước ông Yoon Suk-yeol, cựu tổng công tố, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 với cách biệt 0,7%.
Huyền Lê (Theo Reuters, Yonhap)
Để lại một phản hồi