Loạt công ty chứng khoán ‘tưng bừng’ báo lãi

TIN MỚI

    Với sự hứng khởi của chỉ số VN-Index cả về điểm số lẫn thanh khoản, hàng loạt công ty chứng khoán đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm.

    Với sự hứng khởi của chỉ số VN-Index cả về điểm số lẫn thanh khoản, hàng loạt công ty chứng khoán đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm.

    Loạt công ty chứng khoán 'tưng bừng' báo lãi - Ảnh 1.

    Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, nhiều công ty chứng khoán báo lãi lớn quý II/2023. Ảnh: Trọng Hiếu.

    Chứng khoán là nhóm có kết quả kinh doanh tương quan lớn nhất với biến động thị trường. Khi thị trường tích cực, thường kết quả kinh doanh của nhóm này sẽ tăng trưởng tốt và ngược lại. Điều này đã phần nào được thể hiện qua mùa báo cáo tài chính quý II/2023 của các công ty chứng khoán (CTCK).

    Dữ liệu từ VNDirect cho thấy lợi nhuận nhóm công ty chứng khoán trong quý II/2023 đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 64% so với quý liền trước và gấp khoảng 3,5 lần số lãi thấp kỷ lục của quý IV/2022. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của các CTCK tăng trưởng so với quý liền trước.

    Lợi nhuận “khủng”

    Theo thống kê của Nhadautu.vn, trong số 20 CTCK lợi nhuận quý II/2023 cao nhất ngành, có đến 14 CTCK ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

    Cụ thể, đứng ở vị trí quán quân là Công ty Chứng khoán VIX với lãi ròng tăng gấp 9,7 lần lên 565,5 tỷ đồng. Xếp ở vị trí tiếp theo là CTCP Chứng khoán SSI với lãi sau thuế 525 tỷ đồng, tăng 26%.

    Bên cạnh VIX hay SSI, nhiều công ty cùng nhóm cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bằng lần như VPBank Securities (lãi 314 tỷ đồng – tăng gấp 4,5 lần), FPTS (lãi 140 tỷ đồng – tăng gấp gần 2 lần).

    Đáng chú ý, 7 cái tên trong danh sách này ghi nhận sự đảo chiều ấn tượng từ lỗ trong quý II/2022 sang lãi trong quý II năm nay, bao gồm: CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã CK: SHS), CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã CK: VDS), CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Mã CK: ORS), CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, CTCP Chứng khoán DNSE, CTCP Chứng khoán BIDV (Mã CK: BSI), Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)

    Chiều ngược lại, 6 cái tên duy nhất trong nhóm này báo lãi ròng giảm là CTCP Chứng khoán VNDirect (-5,8%), CTCP Chứng khoán TP.HCM (-44%), CTCP Chứng khoán Mirae Asset (-48,5%), CTCP Chứng khoán VietCap (-61%), CTCP Chứng khoán VPS (-63%) và CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (-33,7%).

    Điểm chung ở những cái tên thuộc “top” tăng trưởng lợi nhuận kể trên là hầu hết mảng kinh doanh đóng góp chính cho doanh thu/lợi nhuận của các CTCK này đến là lãi từ các tài sản tài chính (TSTC) ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), cụ thể hơn là lãi đánh giá lại tài sản tài chính.

    Trường hợp đầu tiên phải kể đến là VIX, chênh lệch tăng về đánh giá lại TSTC của VIX trong quý II/2023 lên đến 447,4 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm đến 65% tỷ trọng doanh thu hoạt động của VIX.

    FPTS cũng ghi nhận chênh lệch tăng về đánh giá lại TSTC quý II/2023 lên đến 28,1 tỷ đồng, trong khi quý II/2022 là lỗ 74,3 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản cổ tức, lãi từ TSTC FVTPL (lãi tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi) cũng mang về cho FTPS 22,7 tỷ đồng (tăng gấp gần 2,3 lần).

    Hay, BCTC của VDSC cho thấy chênh lệch tăng về đánh giá lại TSTC quý II/2023 đạt 22,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 63,3 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản cổ tức, lãi từ TSTC FVTPL (lãi tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi) của VDSC đạt 22,5 tỷ đồng (tăng gấp gần 4,8 lần). Bên cạnh đó, một số trường hợp khác tương đồng có thể kể đến là BVSC, ACBS, TPS và SHS.

    Dù vậy, cần phải nhấn mạnh rằng lãi đánh giá lại TSTC chỉ mang tính chất kỹ thuật và không đem lại dòng tiền thực cho CTCK. Do đó, trên lưu chuyển tiền tệ, trong trường hợp CTCK lãi nhờ chênh lệch tăng TSTC, thì tương ứng sẽ phải ghi nhận âm dòng tiền tại khoản mục giảm các doanh thu phi tiền tệ.

    Một quan sát khác của Nhadautu.vn cho thấy nhiều CTCK ghi nhận lãi nhờ bán cổ phiếu, trái phiếu (hoặc có thể hiểu là hoạt động tự doanh). Một trong những cái tên tiêu biểu là VPBank Securities, CTCK này trong quý II/2023 đạt 327 tỷ đồng (tăng gấp hơn 4 lần), nhờ vào lãi bán TSTC (146,3 tỷ đồng – chủ yếu lãi nhờ bán trái phiếu chưa niêm yết) và cổ tức, tiền lãi phát sinh từ TSTC (181,2 tỷ đồng).

    Giống với VPBank Securities, DNSE ghi nhận lãi bán chứng khoán quý II/2023 đạt hơn 56 tỷ đồng (gấp 34,3 lần cùng kỳ), nhờ vào việc bán cổ phiếu niêm yết (lãi 29,2 tỷ đồng), chứng chỉ tiền gửi (10,7 tỷ đồng) và trái phiếu (16,1 tỷ đồng).

    Một trường hợp khác là Chứng khoán KIS Việt Nam với doanh thu hoạt động giảm mạnh 54%, nhưng nhờ chi phí hoạt động giảm 73% – trong đó chủ yếu nhờ vào lỗ bán các TSTC (51,3 tỷ đồng – giảm 90,5%), chênh lệch giảm đánh giá lại các TSTC FVTPL (32,2 tỷ đồng – giảm 91,4%), nên KIS Việt Nam vẫn báo lãi hơn 105,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 38,2 tỷ đồng.

    Triển vọng nhóm cổ phiếu chứng khoán

    Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn sôi động nhất trong gần một năm rưỡi trở lại đây. VN-Index hiện đã tăng khoảng 22% so với số đầu năm và thanh khoản liên tục được duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh bình quân từ đầu tháng 8 đến nay đạt xấp xỉ 21.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với tháng 7 và là mức cao nhất trong vòng 17 tháng kể từ tháng 4/2022.

    Trong bối cảnh đó, nhóm chứng khoán “hút” tiền rất mạnh, đặc biệt, bộ đôi SSI, VND còn thường xuyên nằm trong top đầu thanh khoản toàn sàn chứng khoán. Nhóm vốn hóa nhỏ hơn thậm chí còn ghi nhận mức tăng bằng lần trên một số cái tên như VIX, BSI, CTS, AGR, FTS,…

    Sự khởi sắc của TTCK nói chung và cổ phiếu của các CTCK nói chung đến từ việc Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, từ đó lãi suất tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng thương mại đều giảm. Nhờ vậy, kênh chứng khoán đã trở nên hấp dẫn so với việc gửi tiết kiệm qua ngân hàng. Minh chứng cho điều này là sự gia tăng của nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thời gian gần đây. Trong tháng 7, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 150.000, cao nhất trong vòng 11 tháng.

    Với việc mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp, triển vọng thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá khả quan trong phần còn lại của năm 2023.

    Cụ thể, VNDirect ở kịch bản cơ sở kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương với P/E năm 2023 là 13,3 lần (tương ứng với mức -1 độ lệch chuẩn của P/E trung bình 10 năm). Rủi ro giảm giá bao gồm dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra trong bối cảnh Fed duy trì chính sách lãi suất cao và suy thoái kinh tế Mỹ và châu Âu mạnh hơn dự kiến.

    Dù vậy, xét trong ngắn hạn, lưu ý rằng định giá cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán đã không còn hấp dẫn sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh. Tính đến phiên 15/8, P/B của nhiều cổ phiếu CTCK dao động ở mức từ 1,5 – 2 lần, thậm chí một số CTCK nhỏ và vừa có P/B trên 3 lần. Đây là mức định giá khá cao, đặc biệt so với thời điểm đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái khi nhiều cổ phiếu nhóm này giao dịch dưới giá trị sổ sách. Mức định giá này sẽ là rào cản nhất định với cổ phiếu chứng khoán sau khi nhóm này đã có một nhịp tăng khá dài.

    Giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên lựa chọn giải ngân vào những cổ phiếu chứng khoán có thị phần cho vay ký quỹ lớn, có danh mục tự doanh được hưởng lợi và chú ý tới các thông tin bên lề với những doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *