Morocco chạy đua tìm kiếm người sống sót sau động đất

Trận động đất 6,8 độ ngày 8/9 ở Morocco đã khiến ít nhất 2.122 người thiệt mạng, 2.421 người bị thương, hơn 300.000 người bị ảnh hưởng khi nhà cửa đổ sập, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.

Giới chức Morocco điều động quân đội đến các khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ những người sống sót sau trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ở quốc gia Bắc Phi này.

Vua Morocco Mohammed VI đã ra lệnh thành lập ủy ban cứu trợ thiên tai. Các đơn vị dân sự được triển khai để tăng dự trữ trong ngân hàng máu và đảm bảo nguồn cung nước, thực phẩm, chăn lều cho người dân mất nhà cửa.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp nhiều khó khăn khi phần lớn thương vong xảy ra ở các tỉnh al-Haouz, Taroudant và khu vực tâm chấn trên dãy Atlas. Đây là các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận do các tuyến đường bị hư hại hoặc đất đá vùi lấp.

Một phụ nữ sống sót khóc tại căn nhà đổ nát của mình tại làng Moulay Brahim, tỉnh al-Haouz, miền trung Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Một phụ nữ sống sót tại căn nhà đổ nát của mình ở làng Moulay Brahim, tỉnh al-Haouz, miền trung Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Tại các ngôi làng dưới chân dãy Atlas, tâm chấn trận động đất, nỗi tuyệt vọng bao trùm khung cảnh hoang tàn. Khu vực này ghi nhận số người thiệt mạng cao nhất, nơi nhà cửa đắp bằng đất bùn đổ sập, đá tảng chắn đường cứu hộ.

Theo Bill McGuire, giáo sư Đại học London, Anh, nhà cửa ở những khu vực ít xảy ra động đất thường không được xây dựng đủ chắc chắn. “Khi động đất mạnh xảy ra, rất nhiều nhà sụp đổ, dẫn đến thương vong lớn”.

Quân đội và lực lượng cứu hộ đang chạy đua thời gian, bởi 72 giờ đầu tiên sau động đất được coi là “giai đoạn vàng” để tìm kiếm người sống sót. Tình trạng của những nạn nhân bị thương, mắc kẹt có thể xấu đi nhanh chóng sau khoảng thời gian này.

“Tiếp cận các làng này vốn đã khó khăn, nay thêm vấn đề đường sá. Sẽ phải có phép màu để lực lượng cứu trợ có mặt ngay lập tức”, Samia Errazzouki, chuyên gia quản lý nhà nước Morocco tại Đại học Stanford, Mỹ, nói.

Nhiều quốc gia đã gửi viện trợ, đội cứu hộ đến giúp đỡ Morocco, trong đó có Tây Ban Nha, Qatar, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Joe English, phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nhấn mạnh “hỗ trợ, đoàn kết quốc tế là vô cùng quan trọng” để giúp Morocco khắc phục hậu quả động đất.

Hội Chữ thập Đỏ đang huy động các nguồn lực hỗ trợ, song cảnh báo quá trình khắc phục thiệt hại có thể kéo dài nhiều năm.

Khung cảnh tan hoang tại làng Tikht, Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Khung cảnh tan hoang tại làng Tikht, Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Người dân trên toàn quốc cũng mô tả nỗi kinh hoàng khi không thể liên lạc được với thân nhân sống tại các làng dọc tâm chấn, bởi mạng viễn thông không ổn định, một số nơi bị cắt đứt hoàn toàn.

Nhiều làng mạc nằm trên sườn đồi đã bị san phẳng trong động đất. Suốt hai ngày, dân làng Asni ở dãy Atlas phải ở ngoài trời trong tình cảnh không có điện và nước.

Tại làng Tafeghaghte gần tâm chấn, gần như không có ngôi nhà nào đứng vững. Giới chức an táng khoảng 70 người trong một ngày, trong khi binh lính tiếp tục tìm kiếm dưới đống đổ nát.

“Ba cháu của tôi và mẹ chúng đã thiệt mạng, vẫn còn nằm dưới đống đổ nát”, Omar Benhanna, 72 tuổi, nói. “Vừa mới đây chúng tôi còn đang quây quần”.

Tại thị trấn Ouirgane, người dân đang ra đường, phối hợp cùng chính quyền để kéo thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

Người dân tại làng Mouley Brahim cũng đang đào bới gạch đá để tìm kiếm người sống sót. Lính cứu hỏa đang dẫn đầu nỗ lực cứu hộ, song không thể tiếp cận một số nhà vì nguy cơ sụp đổ cao.

“Nhiều người được chuyển đến bệnh viện trước mặt tôi. Chúng tôi vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu”, Mohammed, 50 tuổi, nói.

Người dân đào bới đống đổ nát tìm nạn nhân ở làng Imi NTala, Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Người dân đào bới đống đổ nát tìm nạn nhân ở làng Imi N’Tala, Morocco, ngày 10/9. Ảnh: AFP

Đức Trung (Theo CNN, AFP, Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*