“Tất cả thành viên G20 đã đồng ý hành động thống nhất vì lợi ích hòa bình, an ninh và giải quyết xung đột trên toàn thế giới. Mọi thứ đã được phản ánh cân bằng”, Svetlana Lukash, nhà đàm phán chính phủ G20 của Nga, cho biết.
Bà Lukash nói rằng sự kiện tại Ấn Độ năm nay là một trong những hội nghị thượng đỉnh G20 khó khăn nhất trong lịch sử gần 20 năm của diễn đàn này, khi phải mất gần 20 ngày để thống nhất tuyên bố trước hội nghị và 5 ngày tại sự kiện.
“Điều này không chỉ do một số bất đồng về vấn đề Ukraine, mà còn do khác biệt về quan điểm trong tất cả vấn đề trọng tâm, chủ yếu vẫn là biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng carbon thấp”, bà Lukash cho biết thêm.
Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi, nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, hôm 9/9 thông báo các lãnh đạo tham dự hội nghị đã thông qua tuyên bố chung của khối, bất chấp những lo ngại trước đó về chia rẽ lập trường giữa các nước.
Tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 tái khẳng định lo ngại về chiến sự Ukraine, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga. Thay vào đó, văn bản này kêu gọi “mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc”, phản đối “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của nước khác”.
Tuyên bố chung thừa nhận vấn đề Ukraine vẫn tồn đọng “những quan điểm và đánh giá khác nhau” giữa các thành viên G20, song đồng thuận rằng kỷ nguyên đương đại không thể chấp nhận chiến tranh.
Ngoài vấn đề Ukraine, tuyên bố chung còn nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực và an ninh năng lượng đối với thế giới. Các nước G20 cũng đồng thuận về cam kết đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nền kinh tế, phản đối chủ nghĩa bảo hệ và những thực hành thao túng thị trường.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy chính sách liên quan đến ổn định tài chính và định hướng phát triển kinh tế thế giới.
Ngọc Ánh (Theo Interfax, Reuters)
Để lại một phản hồi