“Nhìn chung, có thể nói rằng giai đoạn phục hồi nền kinh tế Nga đã hoàn thành. Chúng ta đã trụ vững trước áp lực bên ngoài ở mức độ chưa từng thấy, với những lệnh cấm vận không ngừng nghỉ từ giới lãnh đạo phương Tây và một số quốc gia không thân thiện”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm nay khi dự cuộc họp về dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024-2025.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định GDP Nga đã đạt mức tương đương năm 2021, nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là “thiết lập những điều kiện để phát triển ổn định và lâu dài”.
Tổng thống Nga nói rằng nhiều chỉ số then chốt của nền kinh tế thể hiện tốt hơn kỳ vọng. GDP Nga từng được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay, nhưng đã được điều chỉnh thành tăng trưởng 1,2% và có thể đạt mức 2,5-2,8% vào cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng và ngành công nghiệp sản xuất cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt.
Ông Putin thừa nhận vẫn có một phần thâm hụt nhỏ trong tổng ngân sách năm 2023, nhưng nhấn mạnh chính phủ Nga đã ghi nhận thặng dư ngân sách trong tháng 8.
“Nguồn thu ngoài dầu mỏ và khí đốt cao hơn đáng kể so với chỉ số năm 2022. Trong khi đó, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt trong tháng 7-8 đã hồi phục tương đương mức năm ngoái. Nếu tính đến tình hình thị trường thế giới, đà tăng trưởng chủ động vẫn được duy trì”, Tổng thống Nga cho hay.
Tổng thống Putin yêu cầu giới chức tính toán ngân sách liên bang dựa trên các ưu tiên và lợi ích quốc gia, cũng như phải bảo đảm đáp ứng toàn bộ nghĩa vụ với xã hội, đồng thời nói rằng vấn đề lớn nhất với nền kinh tế Nga hiện nay là tốc độ gia tăng lạm phát.
Vài tuần sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022, một quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo rằng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có do Mỹ và các đồng minh tung ra có thể làm suy yếu một nửa nền kinh tế Nga.
Khi các lệnh trừng phạt mới được công bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả chúng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng chưa từng thấy với Moskva.
Cú sốc và tâm lý sợ hãi ban đầu đã làm chao đảo thị trường tài chính Nga hồi tháng 3/2022. Dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn đủ khả năng duy trì nguồn cung tài chính cho cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, kịch bản mà Mỹ từng hy vọng có thể tránh được.
Một số chuyên gia vẫn tin rằng tác động của các biện pháp trừng phạt sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Nga trong dài hạn. Họ nhận định biện pháp trừng phạt không thể tạo hiệu quả tức thì, mà sẽ khiến kinh tế Nga trở nên trì trệ trong những năm tới và một số dấu hiệu sa sút đã xuất hiện.
Tuy nhiên, việc phương Tây không thể nhanh chóng đánh gục nền kinh tế Nga đã góp phần đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine vào bế tắc, dù Kiev đã nhận những khoản viện trợ khổng lồ cả về quân sự lẫn kinh tế của Washington và đồng minh.
Vũ Anh (Theo Interfax, Reuters)
Để lại một phản hồi