Phá vỡ kỷ lục
Năm nay, Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 8 đã diễn ra từ ngày 10-13/9 tại thành phố Vladivostok (thuộc vùng Viễn Đông của Nga), quy tụ hơn 7.000 đại diện đến từ 62 quốc gia. Kết quả thu được vô cùng ấn tượng: gần 400 thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 4 nghìn tỷ rúp, đưa mức tăng trưởng đầu tư vào Viễn Đông lên mức cao chưa từng thấy.
Những con số này đã phá vỡ kỷ lục của EEF lần thứ 6 (năm 2021) với 380 thỏa thuận có tổng giá trị 3,6 nghìn tỷ rúp. Đây từng là mức cao nhất (cả về số lượng và giá trị thỏa thuận) mà EEF thu được kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, cho tới EEF lần thứ 7 diễn ra hồi năm ngoái.
Vùng Viễn Đông chiếm 40% lãnh thổ Nga. Từ 10 năm trước, chính phủ Nga đã xác định đây là khu vực ưu tiên phát triển. Trong khoảng thời gian đó, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước dành cho các dự án ở Viễn Đông mà một loạt thỏa thuận đầu tư với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ rúp đã được ký kết, tạo nên màn “lột xác” ngoạn mục.
125 nghìn việc làm được tạo ra, khoảng 700 doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, trong đó có nhà máy xử lý khí đốt và khu liên hợp hóa chất – khí đốt ở vùng Amur, nhà máy phân khoáng Nakhodka và nhà máy đóng tàu trọng tải lớn Zvezda.
Tăng trưởng theo cấp số nhân
Trong phiên thảo luận tại EEF, Tổng thống Putin cho biết, mức tăng trưởng đầu tư vào Viễn Đông hiện cao gấp 3 lần so với mức trung bình của cả nước Nga.
“Tăng trưởng đầu tư vốn cố định trên cả nước trong giai đoạn 2014 – 2022 là 13%, trong khi ở Viễn Đông là 39%” – Ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm rằng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Viễn Đông cũng vượt mức trung bình cả nước. Do đó, trong 5 năm qua, phần lớn thời gian Viễn Đông đều nằm trong top 20 vùng có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất của Nga.
“Trong 10 năm qua, lượng hàng hóa luân chuyển tại các cảng biển ở Viễn Đông đã tăng 1,6 lần, lượng điện năng tiêu thụ tăng 1,2 lần, sản lượng vàng hàng năm tăng 1,6 lần, than tăng 2,8 lần” – Ông Putin cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng “mọi thứ đều đang tăng trưởng theo cấp số nhân”.
Oksana Sorokina, phó giáo sư Khoa Kinh tế và Luật Tài chính của Viện Bắc Caucasus cho biết, sức hấp dẫn đầu tư của vùng này được tạo nên bởi một số yếu tố đặc trưng.
Thứ nhất , Viễn Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như dầu, khí đốt, kim loại quý, thủy sản…, tạo cơ hội tốt cho ngành khai thác mỏ và mở ra tiềm năng tạo nhiều việc làm mới.
Thứ hai là vị trí địa lý. Viễn Đông có chung đường biên giới với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác quanh Vành đai Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư quốc tế, liên kết logistics, vận tải (trong đó có đường biển và đường hàng không).
Thứ ba , chính phủ Nga có nhiều cơ chế hỗ trợ và ưu đãi dành cho các nhà đầu tư ở Viễn Đông. Điều này đã giúp thu hút hơn 7,7 nghìn tỷ rúp để xây dựng các doanh nghiệp mới và cơ sở hạ tầng theo thỏa thuận.
Ưu tiên chiến lược của Nga trong thế kỷ 21
Phát biểu tại EEF, ông Putin nhấn mạnh, sự phát triển của Viễn Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu của Nga trong thế kỷ 21. Vai trò của Viễn Đông đối với tương lai kinh tế Nga và vị thế của nước này trong thế giới đa cực vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo đặc biệt lưu ý rằng, ở Viễn Đông đang có ‘kho báu’ tài nguyên khổng lồ chưa được khai phá hết. Nơi đây có một nửa diện tích rừng và trữ lượng vàng của Nga, chiếm hơn 70% tài nguyên cá, kim cương, cùng 30% titan và đồng của cả nước. Các các biển, đường sắt và các doanh nghiệp quan trọng nhất cũng tập trung ở đây.
“Viễn Đông có vai trò đặc biệt to lớn đối với nước Nga hiện nay và tương lai sau này, trong một thế giới đa cực” – Ông Putin nói.
Trong khi đó, tỷ lệ thăm dò tầng đất cái ở Viễn Đông mới chỉ là 35%, mở ra cơ hội lớn dành cho ngành khai thác mỏ của Nga.
Theo nhà lãnh đạo, khai phá tài nguyên ở Viễn Đông có thể cho phép Nga đảm bảo “chủ quyền tài nguyên”, thúc đẩy tiến bộ khoa học và tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao.
Để lại một phản hồi