Bất chấp tâm lý người tiêu dùng đang dao động và một số dự báo kinh tế ảm đạm ban đầu, nền kinh tế Canada vẫn tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực. Canada đã tăng thêm 284.000 việc làm trong năm nay. Chi tiêu của người tiêu dùng cho dịch vụ tăng mạnh. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phục hồi sau thời gian ngắn suy yếu. Nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trong khi phải đối mặt với những thách thức kép là lãi suất cao và lạm phát cao. Giờ đây, Canada rất có thể đang hướng tới mục tiêu hạ cánh mềm hoặc nền kinh tế chỉ tăng trưởng chậm lại chứ không suy thoái.
Hiện tại, dữ liệu đang cho thấy khả năng Canada sẽ tránh được một cuộc suy thoái hoàn toàn trong năm nay. Theo dự báo của công ty tư vấn RSM Canada, xác suất xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới hiện ở mức 60%, giảm từ mức 75% vào đầu năm nay. Hơn nữa, xác suất đó có thể giảm hơn nữa trong những ngày tới.
Sau ba năm thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, Canada đang trên con đường tăng trưởng ổn định, dù chậm hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sẽ tăng 1,7%/quý trong năm nay và 1,4%/quý trong năm tới.
Đạt được kịch bản hạ cánh mềm không phải là điều dễ dàng. Tăng lãi suất thường dẫn đến suy thoái vì nó thắt chặt các điều kiện tài chính, làm giảm hoạt động vay và tiêu dùng. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế Canada có thể tránh được kịch bản này trong chu kỳ tăng lãi suất hiện tại. Nền kinh tế đã chậm lại ở mức vừa phải. Lạm phát đã giảm xuống khoảng 3% từ mức cao 8% chỉ một năm trước. Và mặc dù việc quay trở lại mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đặt ra sẽ mất nhiều thời gian, nhưng dữ liệu cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng.
Nhu cầu lao động đang có dấu hiệu chững lại như BoC mong muốn. Tỷ lệ thất nghiệp nhích lên mức 5,5% trong tháng Bảy, nhưng hầu hết các nhà tuyển dụng lo ngại về việc tìm kiếm lao động mới khi nền kinh tế khởi sắc và đang giữ chân nhân viên. Điều này có nghĩa là các hộ gia đình sẽ có thể bảo toàn thu nhập và tiếp tục chi tiêu, mặc dù hoạt động tiêu dùng sẽ yếu hơn vì số tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã suy giảm.
Lạm phát giảm, nhu cầu lao động hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại là những yếu tố đủ để BoC giữ lãi suất chính sách ở mức 5%. Nếu không có một đợt tăng lãi suất nào nữa, nền kinh tế có thể có đủ động lực để duy trì đến lần cắt giảm lãi suất đầu tiên, rất có thể là vào tháng 4/2024, mà không rơi vào suy thoái.
Một huyết mạch nữa cho nền kinh tế Canada là hoạt động nhập cư. Đã có 405.000 người nhập cư vào Canada trong năm ngoái. Con số này trong năm nay và năm 2025 dự kiến lần lượt là 465.000 và 500.000 người. Theo Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada, việc nhập cư không chỉ bổ sung thêm nguồn cung lao động mà còn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Canada có thể vượt qua một cuộc suy thoái toàn diện và thay vào đó chỉ phải đối mặt với một cuộc “suy thoái luân phiên”, trong đó các ngành công nghiệp suy thoái vào những thời điểm khác nhau trong khi nền kinh tế tổng thể vẫn phát triển. Theo một cách nào đó, điều này đã và đang xảy ra, khi sản xuất đang phục hồi sau những khó khăn trong chuỗi cung ứng năm ngoái, trong khi bất động sản có vẻ đã ổn định, và lĩnh vực công nghệ cũng trải qua quá trình sa thải có chọn lọc. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù số liệu GDP hiện tại cho thấy có sự giảm tốc, nhưng chủ yếu là lo những cú sốc tạm thời như hoạt động đình công của công nhân và cháy rừng. Ngoài những cú sốc này, thể trạng của nền kinh tế về cơ bản vẫn ổn. Vào năm tới, khi BoC bắt đầu cắt giảm lãi suất, kinh tế Canada sẽ có thể tăng trưởng ổn định hơn.
Để lại một phản hồi