Thái Lan loay hoay với luật hợp pháp hóa cần sa

Mở cửa hàng bán cần sa không phải tham vọng hàng đầu của Wassaya Iemvijan. Cựu luật sư đến từ thủ đô Bangkok, Thái Lan lần đầu tiên tìm đến cần sa y tế như một hình thức “chữa trị thay thế” để đối phó với chứng trầm cảm.

“Tôi đã phải vật lộn với chứng trầm cảm trong nhiều năm”, Iemvijan nói. “Tôi thấy mình khá hơn nhờ cần sa, vì vậy, khi nó được hợp pháp hóa, chúng tôi quyết định mở một cửa hàng”.

Một cơ sở trồng cần sa trong nhà ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Một cơ sở trồng cần sa trong nhà ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Vào ngày 9/6/2022, hai ngày sau khi Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa, Iemvijan và chồng cô, Nitikrist Attakrist, cũng là luật sư, đã đăng ký giấy phép trồng và bán loại cây này.

“Nghề luật sư chịu rất nhiều căng thẳng. Chúng tôi muốn hướng dẫn mọi người cách thức thu được lợi ích nhiều nhất từ việc sử dụng cần sa đúng luật cũng như trách nhiệm đi kèm với nó”, Attakrist nói.

Trong một năm qua, Thái Lan đã chứng kiến làn sóng bùng nổ cần sa, với các điểm bán mọc lên ở hầu hết mọi thành phố, thị trấn trên khắp cả nước.

Trước đây, Thái Lan coi cần sa là bất hợp pháp, với bản án tù dài hạn dành cho những ai bị bắt khi buôn bán loại chất này.

Song điều đó đã thay đổi sau khi cần sa được hợp pháp hóa hoàn toàn. Du khách đến phố Khao San nổi tiếng của Bangkok, hay các quận trung lưu của Thonglor, đều sẽ ngửi thấy mùi cần sa hòa lẫn với mùi cay nồng từ các món ăn đường phố. Những thành phố như Chiang Mai thậm chí còn tổ chức lễ hội cần sa.

Nhưng kể từ khi chính phủ liên minh bảo thủ hơn của Thủ tướng Srettha Thavisin lên nắm quyền, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Thái Lan có thể đảo ngược luật hợp pháp hóa cần sa.

“Vấn đề ma túy gần đây đã lan rộng, đặc biệt là ở vùng bắc và đông bắc Thái Lan. Chúng tôi không cần thêm một vấn đề nào khác nữa”, tân Thủ tướng Srettha tuyên bố. “Luật cần được viết lại. Chúng ta có thể quy định cần sa chỉ nên dành cho mục đích y tế”.

Vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng đến Iemvijan và Attakrist như thế nào, cũng như vô số cơ sở kinh doanh cần sa khác, nhưng tương lai có vẻ không mấy tươi sáng với họ.

“Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ đạo luật nào có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp cần sa”, Attakrist nói.

Cần sa y tế đã được hợp pháp ở Thái Lan kể từ năm 2018, nhưng luật phi hình sự hóa cần sa năm 2022 đã giúp việc trồng và buôn bán cần sa cũng như các sản phẩm từ chúng không còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định mới, các quán cà phê và nhà hàng được phép phục vụ đồ ăn và đồ uống chứa cần sa, với điều kiện các sản phẩm đó có hàm lượng tetrahydrocannabinol (THC) ít hơn 0,2% . THC là hợp chất chính tác động đến thần kinh có chứa trong cần sa.

Nitikrist Attakrist (trái) và vợ, Wassaya Iemvijan, tại cửa hàng bán cần sa của họ ở Bangkok. Ảnh: CNN

Nitikrist Attakrist (trái) và vợ, Wassaya Iemvijan, tại cửa hàng bán cần sa của họ ở Bangkok. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, hút cần sa ở không gian công cộng vẫn là bất hợp pháp và các hình phạt nghiêm khắc vẫn được áp dụng theo Đạo luật Y tế Công cộng của Thái Lan.

“Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc ủng hộ mọi người sử dụng cần sa để tiêu khiển hoặc dùng chúng theo cách có thể gây khó chịu cho người khác”, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nói.

Trên thực tế, phần lớn cần sa đang được bán tại Thái Lan đều có hàm lượng THC lớn hơn 0,2% THC.

Các nhà quan sát cho biết việc sử dụng cần sa tại nơi công cộng đang có chiều hướng gia tăng do những điểm còn mơ hồ trong quy định.

“Không có sự phân biệt rõ ràng giữa việc hút cần sa y tế và phê thuốc, điều này đã góp phần làm tăng tỷ lệ hút cần sa để mua vui”, Ley Singdam, chủ một cửa hàng bán cần sa trên đảo du lịch nổi tiếng Phuket, cho hay.

Tuy nhiên, Ley tin rằng mọi thứ đã quá trễ để sửa chữa. “Chính phủ đã sai nếu cho rằng việc thay đổi đạo luật về cần sa sẽ ngăn được mọi người sử dụng chúng”, Ley nói.

Attakrist lo ngại kế hoạch đảo ngược luật hợp pháp hóa cần sa của chính phủ mới có khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực này.

“Chính phủ lẽ ra phải chuẩn bị tốt hơn ngay từ đầu”, anh nói. “Họ đã tạo ra một khoảng trống pháp lý và giờ đây, họ đang cố đẩy gánh nặng lên các chủ doanh nghiệp và người sử dụng”.

Theo giới chuyên gia, những nông dân đã từ bỏ các cây trồng truyền thống như lúa gạo để chuyển sang canh tác cần sa sẽ bị ảnh hưởng lớn.

“Ngành công nghiệp này đã hỗ trợ và tạo ra nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”, Kitty Chopaka, doanh nhân bán cần sa ở Bangkok, cho biết. “Cuối cùng, người dân phải có tiếng nói. Tôi không nghĩ có luật nào khác trong lịch sử Thái Lan mang đến tác động lớn hơn thế”.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, đảng Pheu Thai của ông Srettha tuyên bố sẽ hủy đạo luật về cần sa năm 2022. Nhưng đảng của Thủ tướng Thái Lan giờ đây đang liên minh với đảng Bhumjaithai do Bộ trưởng Y tế Anutin lãnh đạo, người đã tích cực vận động hợp pháp hóa cần sa.

Đảng Bhumjaithai phản đối việc coi cần sa như một loại ma túy. Tuy nhiên, họ tuyên bố sẽ tìm cách giám sát chặt chẽ hơn đối với ngành kinh doanh này.

Nhưng các chuyên gia cho biết việc hủy đạo luật năm 2022 và đẩy kinh doanh cần sa trở lại hoạt động ngầm không phải giải pháp của vấn đề.

“Chính phủ Thái Lan nên thu thập và phân tích dữ liệu để các quyết định được đưa ra dựa trên bằng chứng cụ thể”, Gloria Lai, giám đốc khu vực châu Á của Hiệp hội Chính sách Ma túy Quốc tế, nhận định.

Nhân viên tại một cơ sở kinh doanh trên đường Khaosan ở Bangkok chuẩn bị cần sa trước khi bày bán. Ảnh: Reuters

Nhân viên tại một cơ sở kinh doanh trên đường Khaosan ở Bangkok chuẩn bị cần sa trước khi bày bán. Ảnh: Reuters

Iemvijan cho biết hiện tại, mặc dù có nhiều bất định về chính sách, hoạt động kinh doanh cần sa của vợ chồng cô vẫn được duy trì tốt.

“Tình hình ở Thái Lan rất phức tạp… nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không phản đối các quy định mới nếu chúng nằm trong khuôn khổ hợp lý và dễ tuân thủ”, cô cho hay.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*