Thương mại bùng nổ
Tháng 6/2022, 4 tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bắt đầu, chiếc xe tải chở hàng đầu tiên đã vượt qua cây cầu mới giữa thành phố Hắc Hà của Trung Quốc và Blagoveshchensk của Nga trên sông Amur.
Cuối năm 2022, chuyến tàu chở hàng đầu tiên đi qua cầu mới Đồng Giang – Nizhneleninskoy.
Đó được cho là những dấu hiệu báo hiệu thời điểm thương mại giữa hai nước bùng nổ.
Năm 2021, thương mại giữa 2 nước đạt 147 tỷ USD. Con số này đã tăng lên thành 190 tỷ USD vào năm 2022 (tương đương tăng 29,3%).
Trong 5 tháng đầu năm 2023, thương mại 2 nước đạt 93,8 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 85% so với 5 tháng đầu năm 2021.
Phần lớn hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc là khí đốt và dầu, đạt kỷ lục vào tháng 5/2023. Ở chiều ngược lại, máy móc và thiết bị cơ khí chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga.
Ngày 19/8/2023, Công ty Vận tải Viễn Đông Nga đã vận chuyển 300 tấn cá biển đóng container từ Vladivostok qua ga đường sắt ở Grodekovo đến thành phố biên giới Tuy Phân Hà của Trung Quốc.
Từ đây, các container được vận chuyển tới Cáp Nhĩ Tân – thành phố lớn nhất đồng thời là thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang với khoảng 10 triệu dân. Quá trình vận chuyển xuyên biên giới này chỉ mất 2,5 ngày.
Trong nửa đầu năm 2023, cảng đất liền Tuy Phân Hà đã xử lý 416 chuyến tàu chở hàng và 41.000 container, với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là 11,5% và 18,4%.
Hãng thông tấn RIA (Nga) nhận định, cơ sở hạ tầng hiện tại không còn đủ đáp ứng nhu cầu giao dịch thương mại ngày càng tăng khiến các đối tác ra sức tìm cách giải quyết vấn đề.
Trung tâm hậu cần khổng lồ
Khi những dấu hiệu cho thấy các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang hướng tới Nga, Công ty Phát triển Công nghiệp Tập đoàn Xuanyuan của Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần và năng lượng khổng lồ ở vùng Viễn Đông Amur của Nga, gần biên giới với tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.
Trung tâm này sẽ được đặt giữa thành phố Đồng Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) và thị trấn Nizhneleninskoye (Nga).
Trung tâm được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa Nga – Trung. Vận tải hàng hóa Nga – Trung đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua.
Giám đốc điều hành của tập đoàn, ông Hailong Xue, xác nhận dự án sẽ được tiến hành sau khi Xuanyuan đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư Nga bên lề Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông ở Vladivostok.
Dự án sẽ có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc với cơ sở vốn sở hữu được dự đoán sẽ là 50-50.
Ông Xue nhận xét: “Vị trí của trung tâm này rất quan trọng bởi nó sẽ nằm ngay giữa biên giới 2 nước chúng tôi. Hiện tại con đường ở khu vực biên giới tương đối hẹp, khiến cho việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn”.
Ông Xue kỳ vọng lưu lượng hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần trong vài năm tới. Cơ sở này đang được xây dựng gần cầu vận tải bắc qua sông Amur.
Kho lớn chứa nhiên liệu sẽ là một phần của dự án.
Theo ông Xue, thỏa thuận dự kiến bao gồm việc xây dựng kho để lưu trữ, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và không nguy hiểm như: khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), nhiên liệu hàng không, heli và các hàng hóa công nghệ khác.
Chi phí ước tính của dự án sẽ vào khoảng 600-700 triệu USD. Dự kiến, kho hàng hóa sẽ được ra mắt vào năm 2027.
Nỗ lực từ phía Nga
Để hỗ trợ cho kết nối hạ tầng Nga – Trung Quốc, hãng tin RIA nhận định, công việc sẽ bắt đầu với hai khu vực: Zabaikalsk và Nizhneleninskoye (gần biên giới với Trung Quốc).
Người sáng lập văn phòng quy hoạch đô thị Master’s Plan, Yulia Zubarik, giải thích rằng đây là những điểm giao thông quan trọng.
Bà Yulia Zubarik cũng cho biết, chi phí đầu tư vào Zabaikalsk ban đầu sẽ khoảng 8 tỷ rúp, nhưng lợi nhuận thu được sẽ lớn hơn gấp 6 lần.
RIA chỉ ra, điều quan trọng không kém là phát triển cơ sở hạ tầng ở Nizhneleninsky.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp giảm tải công việc cho các cửa khẩu, rút ngắn khoảng cách từ Hắc Long Giang của Trung Quốc đến Moscow của Nga. Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa sẽ trở nên tiết kiệm hơn đáng kể.
Để lại một phản hồi