19 tháng sau khi phát động chiến dịch tại Ukraine, quân đội Nga không thể đạt chiến thắng chớp nhoáng và hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề trên chiến trường. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận rằng Moskva đã rút được nhiều bài học từ các sai lầm ban đầu.
“Chúng tôi đã chứng kiến họ khắc phục hàng loạt vấn đề và liên tục thích nghi tình hình trong nhiều lĩnh vực. Tất nhiên đây là điều mà chúng tôi rất chú ý theo dõi”, tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) cho biết trong cuộc phỏng vấn tuần này.
Trong giai đoạn đầu chiến sự, lực lượng Nga không làm chủ được bầu trời và không chế áp hoàn toàn được phòng không Ukraine. “Hơn 70 chiến đấu cơ Nga đã bị bắn rơi, trong đó nhiều chiếc bay thẳng vào tầm bắn của tên lửa Ukraine”, tướng Hecker nói.
Không quân Nga đã thay đổi đáng kể chiến thuật kể từ đó, đồng thời duy trì phi đội chiến đấu nhờ liên tục bổ sung máy bay. “Giờ đây họ không tiến vào vùng bảo vệ của tên lửa phòng không. Nếu buộc phải làm vậy, máy bay Nga sẽ xâm nhập ở độ cao rất nhỏ và trong thời gian ngắn, trước khi thoát ly về khu vực an toàn”, tướng Mỹ nói, thêm rằng chiến thuật này giảm đáng kể độ chính xác của các đòn không kích bằng rocket và bom không điều khiển.
Nga cũng triển khai bom thông thường gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) từ đầu năm nay. Đây là phương án tương tự dòng JDAM-ER của Mỹ, giúp biến bom thông thường thành bom thông minh, thay vì phải sản xuất những quả bom dẫn đường chuyên biệt có chi phí cao.
Bom dẫn đường 250-500 kg gắn bộ UMPK có thể bay xa 50-70 km khi thả từ độ cao lớn, giúp chiến đấu cơ Nga hoạt động ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không đối phương. Quân đội Ukraine hiện không có biện pháp đối phó loại bom này, trong khi Nga đang sản xuất và bắt đầu sử dụng bộ UMPK cho dòng bom 1,5 tấn có uy lực lớn hơn nhiều.
Sự xuất hiện của pháo phản lực HIMARS và bom dẫn đường JDAM-ER trong biên chế Ukraine từng gây nhiều thiệt hại cho Nga. Lực lượng này sau đó liên tục điều chuyển các sở chỉ huy và kho đạn ra xa tiền tuyến, đồng thời phân tán chúng để tránh bị xóa sổ trong đòn tấn công của đối phương.
Trong những ngày đầu xung đột, quân đội Nga huy động nhiều đoàn xe cơ giới và các đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) tiến vào Ukraine, do không lường trước được khả năng kháng cự của đối phương. Lực lượng Ukraine liên tục phục kích và phá hủy những đoàn xe không được bảo vệ, trong khi mô hình BTG bộc lộ điểm yếu là nhân lực quá ít và không đáp ứng nhu cầu tác chiến.
“Nga giờ đây bảo vệ binh sĩ tốt hơn nhiều, thông qua mạng lưới chiến hào kiên cố và sâu rộng. Xe tăng và thiết giáp ẩn mình trong lưới ngụy trang dưới các vạt rừng, chỉ ra mặt để bắn phá các đơn vị Ukraine và nhanh chóng trở lại nơi trú ẩn để tránh bị phát hiện.
“Tình hình khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn đầu xung đột. Họ rải mìn và cài đủ loại bẫy trên chiến trường, đối phương làm rất tốt”, Olexandr Solonko, binh sĩ Ukraine đang tham chiến tại mặt trận Zaporizhzhia, cho biết.
Moskva đã tăng đáng kể cường độ sử dụng máy bay không người lái (UAV) và bom dẫn đường để tập kích đối phương, cũng như cản trở đáng kể tiến độ phản công của Ukraine trong những tháng qua.
Yuriy Bereza, chỉ huy Trung đoàn Dnipro-1 của Ukraine đang tham chiến tại mặt trận Kreminna, nói rằng số lượng UAV Nga xuất hiện ngày càng dày dặc.
“Trong quá khứ, thỉnh thoảng mới có một UAV Orlan bay qua vị trí của chúng tôi để chỉ điểm cho pháo binh. Giờ đây UAV hoạt động theo đàn và liên tục quần thảo trên đầu chúng tôi. Đối phương đang bắt kịp chúng tôi về mặt công nghệ và họ học hỏi rất nhanh”, Bereza cho hay.
Ngược lại, quân đội Nga cũng liên tục tìm phương án đối phó những đợt tập kích bằng UAV tự sát Ukraine nhằm vào hậu phương.
Các binh sĩ Ukraine triển khai gần Bakhmut thừa nhận họ mất hàng chục UAV mỗi ngày vì hệ thống tác chiến điện tử Nga. Ảnh vệ tinh căn cứ không quân Engels-2 ở tỉnh Saratov, miền tây Nga, được công ty Maxar của Mỹ đăng gần đây cho thấy các oanh tạc cơ chiến lược nằm tại bãi đỗ với nhiều hàng lốp xe phủ phía trên cánh và khung thân.
Francisco Serra-Martins, lãnh đạo công ty sản xuất UAV One Way Aerospace được Ukraine sử dụng, nhận định biện pháp này có thể phát huy hiệu quả một phần, giúp giảm thiểu thiệt hại với máy bay Nga khi bị tập kích bằng UAV. “Lốp xe cũ có thể giảm tín hiệu nhiệt của các oanh tạc cơ chiến lược đang đỗ trên sân bay”, Serra-Martins nói.
“Đặt lốp cao su cùng các vật liệu khác trên thân và cánh máy bay cũng có thể thay đổi hình dáng của phi cơ trên cảm biến của UAV, dẫn tới rối loạn hệ thống nhận diện mục tiêu”, Stephen Wood, lãnh đạo cấp cao của Maxar, nhận định.
Tướng Heckher cho rằng động thái này cũng giúp hạn chế thiệt hại với máy bay trong trường hợp UAV phát nổ. “Chúng có tác dụng như bao cát. Sức ép và mảnh văng của vụ nổ sẽ đánh vào lốp, thay vì phá hoại khung thân và khiến phi cơ phải nằm đất chờ sửa chữa”, ông nói.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng thay đổi đáng kể, bảo đảm khả năng cung cấp, thậm chí tăng sản lượng khí tài và đạn dược cho chiến dịch ở Ukraine, bất chấp những lệnh cấm vận ngặt nghèo từ phương Tây.
Giới chức phương Tây từng ước tính Nga có thể xuất xưởng 100 xe tăng chủ lực mỗi năm, nhưng con số hiện tại được đánh giá là gần 200 chiếc mỗi năm. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 6 tuyên bố nước này đã sản xuất hơn 600 xe tăng chỉ trong nửa đầu năm.
Mỹ và đồng minh nhận định Nga đủ khả năng sản xuất khoảng một triệu quả đạn pháo mỗi năm, nhưng một quan chức quốc phòng phương Tây giấu tên nói rằng Moskva đang dần tiến đến mức 2 triệu quả mỗi năm và có thể duy trì mức độ này trong nhiều năm tới.
“Xét về các tiêu chí sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, chúng ta đã đạt mức từng được cho là ngoài sức tưởng tượng. Nền công nghiệp quốc phòng Nga đang thể hiện những số liệu ấn tượng với các khí tài quan trọng như xe tăng và đạn pháo”, ông Medvedev nói hồi tháng 6.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)
Để lại một phản hồi