Dòng tiền toàn cầu vào các tài sản tài chính chững lại
Xu hướng dòng tiền đầu tư toàn cầu đang nghiêng nhiều về việc thận trọng tái cơ cấu danh mục thay vì tiếp tục giải ngân hay rút vốn trong tháng 8/2023.
Theo thống kê của SSI Research, quỹ cổ phiếu toàn cầu thu hẹp tốc độ giải ngân khi chỉ vào ròng 3,5 tỷ USD trong tháng 8/2023, giảm hơn 10 lần so với tháng 7/2023, trong đó dòng tiền vào thị trường phát triển đảo chiều rút ròng.
Quỹ trái phiếu duy trì cường độ vào ròng tháng thứ 8 liên tiếp, nhưng, tốc độ giảm nhiệt rõ rệt và vào ròng 9,5 tỷ USD (giảm 77% so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua).
Quỹ tiền tệ cũng cho thấy xu hướng tương tự, vào ròng 54,9 tỷ USD (giảm 55,8% so với tháng 7/2023).
“Dòng vốn lũy kế từ nhóm quỹ trái phiếu hay tiền tệ trong 8 tháng đầu năm 2023 vẫn có sự vượt trội hơn so với quỹ cổ phiếu nhờ mặt bằng lợi suất trái phiếu ở mức cao. Tuy nhiên, phân bổ dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu vẫn đang có những sức hút nhất định kể từ tháng 4/2023, nhờ các số liệu về kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng cũng như các tín hiệu lạm phát đã hạ nhiệt”, chuyên gia SSI Research cho biết.
Cụ thể hơn, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu vào nhẹ ở các thị trường mới nổi (EM) và Nhật Bản, cân đối bởi lượng nhỏ dòng tiền chảy ra khỏi chứng khoán Mỹ và châu Âu. Dòng vốn vào cổ phiếu EM duy trì cường độ khi vào ròng 16,7 tỷ USD trong tháng 8, tăng nhẹ so với tháng 7/2023, chủ yếu nhờ dòng vốn của các quỹ ETF (+21,6 tỷ USD).
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu ở thị trường phát triển (DM) đảo chiều rút ròng 13,1 tỷ USD trong tháng 8/2023 khi dòng tiền cá nhân (vào các quỹ ETF) yếu đi do sức hút từ nhóm công nghệ/AI hạ nhiệt.
Xét theo thị trường, Nhật Bản vẫn duy trì sức hút (+5,2 tỷ USD), trong khi cả thị trường Mỹ và châu Âu đều rút ròng, trong đó thị trường Mỹ rút ròng 9,7 tỷ USD – tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 4/2023.
Triển vọng kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc khiến dòng tiền chủ động rút ròng hơn 2 tỷ USD trong tháng 8/2023. Ngược lại, dòng tiền ETF vào Trung Quốc vẫn duy trì cường độ giải ngân tốt nhờ tỷ trọng cao trong rổ chỉ số MSCI EM (29,8%).
“Không như giai đoạn 2022, tâm lý trên thị trường ở trạng thái thận trọng nhưng không phải ở hướng tiêu cực và dòng tiền nghiêng nhiều về động thái quan sát hoặc tái cơ cấu danh mục, thay vì tiếp tục giải ngân hay rút vốn khi tỷ suất giữa lợi nhuận và rủi ro khá cân bằng giữa các nhóm tài sản tài chính. Nhìn chung, điều này phản ánh việc không chắc chắn về xu hướng vĩ mô trong giai đoạn còn lại của năm 2023 và năm 2024 và thị trường đang ở ngưỡng định giá khá cân bằng phản ánh cho cả 2 câu chuyện về nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm hay rơi vào suy thoái”, các chuyên gia nhận định.
Đối với dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu, sức hút từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng/đầu cơ hạ nhiệt có thể khiến cho dòng tiền đầu tư từ cá nhân giảm nhiệt (và xu hướng tháng 8/2023 đã cho thấy rõ vị thế này) trong khi các nhà quản lý quỹ đã có cái nhìn tích cực hơn đối với cổ phiếu. Khảo sát các nhà quản lý quỹ mới nhất từ Bank of American (BofA) tiếp tục cho thấy tỷ trọng tiền mặt đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 21 tháng qua, xuống chỉ còn 4,8% từ mức 5,3% trong tháng 7/2023.
Theo SSI Research, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu EM có thể kém tích cực hơn trong thời gian tới khi gặp phải áp lực từ tỷ giá. Nhìn chung, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu sẽ không ở trạng thái tiêu cực hoặc rút vốn mạnh trong thời gian tới nhưng khó có thể kỳ vọng cho việc giải ngân tích cực khi thiếu hụt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.
ETF đảo chiều, rút ròng khỏi chứng khoán Việt Nam
Thống kê từ thị trường SSI Research, tính chung trong tháng 8/2023, các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã rút ròng 3.404 tỷ đồng, đây là mức rút ròng theo tháng lớn nhất từ trước đến nay và đưa giá trị dòng vốn ETF từ đầu năm giảm xuống còn 2.051 tỷ đồng.
Nhóm quỹ đến từ thị trường Âu Mỹ cũng chịu áp lực rút vốn nhưng mức độ nhỏ hơn. Cụ thể, Quỹ iShares MSCI FM ETF và Xtracker FTSE Vietnam rút ròng lần lượt 409 tỷ và 189 tỷ trong tháng 8/2023.
Lý giải cho diễn biến này, chuyên gia SSI Research cho biết, dòng vốn ETF vào Việt Nam có tỷ trọng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và tương quan nghịch chiều với biến động tỷ giá. Thông thường các giai đoạn tỷ giá USD/VND có biến động mạnh trong tháng (tháng 6/2018, tháng 3/2020, tháng 10/2022) cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng. Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ ETF vẫn ghi nhận mức sinh lời khả quan kể từ đầu năm đến nay.
Điểm tích cực trong tháng là Quỹ CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF với quy mô IPO 25,5 triệu USD đã được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) vào ngày 25/8.
Mặt khác, xu hướng giao dịch từ các quỹ chủ động đảo chiều kém tích cực. Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam đảo chiều rút ròng nhẹ 167 tỷ đồng trong tháng 8/2023. Tuy nhiên, mức độ rút ròng chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng tài sản quỹ và tính trong 8 tháng đầu năm 2023, dòng tiền từ các quỹ chủ động duy trì vào ròng hơn 4.000 tỷ đồng.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động thường có xu hướng ổn định hơn và mang xu hướng dài hạn và do vậy các biến động của tỷ giá trong ngắn hạn không có nhiều tác động tới vị thế của các quỹ.
Nhìn chung, SSI Research cho rằng, dòng tiền từ các quỹ chủ động vẫn chưa cho thấy các tín hiệu đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại. Khác với giai đoạn đầu năm khi định giá thị trường ở mức thấp, yếu tố có thể giúp thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ chủ động tiếp tục vào thị trường Việt Nam là kỳ vọng tích cực hơn về tăng trưởng kết quả kinh doanhcủa các doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thực tế hơn từ phía Chính phủ có thể là một điểm cộng. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao hơn trong trường hợp tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Để lại một phản hồi