Xây dựng là một trong các mũi nhọn tăng trưởng kinh tế bền vững
Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) nêu rõ, mức độ đóng góp của ngành xây dựng vào GDP biến động tương đối ổn định trong nhiều năm qua và đang trong xu hướng tăng trưởng thời gian gần đây khi đầu tư công được đẩy mạnh theo kế hoạch 2021-2025 với nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai.
Theo báo cáo của BMI vào tháng 6/2023, Việt Nam nằm top những quốc gia Đông Nam Á được dự báo có tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng mạnh nhất tại thị trường Châu Á vào giai đoạn 2023-2027. Điều này thể hiện quan điểm các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới dự báo về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và nhiều khả năng sẽ hút thêm dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng ngành xây dựng Việt Nam chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ lẻ về cả quy mô vốn lẫn lao động làm việc. Thị trường hiện khá phân mảnh và có sự cạnh tranh lớn của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cùng với đó, đa số thị phần nằm trong tay các công ty tư nhân cho thấy thị trường thiếu tập trung và sức ảnh hưởng của các tay chơi lớn, chuyên nghiệp, do đó còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài khai thác.
Cơ hội đầu tư lớn vào các ngành nghề hưởng lợi trực tiếp
Quý 2, xây dựng với nguồn vốn lớn đang là động lực chính giúp kéo tăng trưởng GDP trong khi các ngành nghề khác tăng trưởng khá khiêm tốn cho thấy tầm quan trọng của xây dựng, đặc biệt là xây dựng đầu tư công trong bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay.
Năm 2023, Chính phủ giao kế hoạch giải ngân đầu tư công hơn 707.000 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ cho thấy kỳ vọng vào đầu tư công để kích thích nền kinh tế. VPBankS cho rằng, khối lượng giải ngân thực tế hàng năm biến động khá sát với mục tiêu chính phủ giao (>90% đạt kế hoạch), nhóm phân tích kỳ vọng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 2x% cùng kỳ năm trước, đem lại nguồn vốn lớn hoạt động xây lắp kèm các lĩnh vực liên quan.
Điều này đang được hiện thực hóa bởi công cuộc đẩy nhanh tiến độ và bắt đầu khởi công của nhiều đại dự án từ đầu năm như các thành phần của Cao tốc Bắc – Nam 1 và 2; sân bay Long Thành; vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 Hồ Chí Minh,…
“Thống kê số liệu lịch sử, giai đoạn cuối năm thường có tốc độ giải ngân gấp hơn 2 lần so với đầu năm nên có thể kỳ vọng vào sự đẩy mạnh đầu tư công giai đoạn cuối năm, đem đến cơ hội đầu tư lớn vào các ngành nghề liên quan, trực tiếp nhất là xây dựng và vật liệu xây dựng“, báo cáo cũng chỉ rõ.
Doanh nghiệp mảng xây dựng hạ tầng “sáng cửa” giai đoạn 2023-2025
Theo nhóm phân tích VPBankS, đầu tư vào xây dựng hạ tầng đang là tâm điểm của năm khi kế hoạch đầu tư công tăng 22% so với năm 2022 và tỷ lệ đóng góp vào GDP tăng mạnh, ước tính khoảng 6,9% vào kế hoạch năm 2023.
Cụ thể, vốn đầu tư công phân bổ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông tăng mạnh, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đem lại nguồn vốn lớn được bơm cho các dự án hạ tầng giao thông, kỳ vọng đem lại nguồn backlog rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Từ đây, cải thiện rõ rệt đầu ra cho các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng hạ tầng, giúp kích cầu không chỉ ngành xây dựng mà cả các ngành nghề liên quan.
Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp xây dựng dân dụng tại các gói thầu dự án hạ tầng như HBC, CTD, VC2 cho thấy nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở mảng này khi thị trường xây dựng dân dụng còn định trệ, càng cho thấy tiềm năng của xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025.
Để lại một phản hồi