Sau nhịp tăng trưởng tích cực kéo dài nhiều tháng, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn điều chỉnh từ giữa tháng 9 tới nay. Xu hướng thị trường trong những tháng cuối năm ra sao là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: C ác số liệu vĩ mô mới nhất của nền kinh tế trong quý III/2023 đã được công bố với những con số tích cực hơn. Điều gì đằng sau những con số này?
Ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Chúng ta thấy GDP quý IIII vừa rồi tăng 5,33%, dù chưa đạt được kỳ vọng của Chính phủ đề ra, tuy nhiên chúng ta nhìn thấy là xu hướng chung từ đầu năm đến nay đã và đang tăng dần lên. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang còn có nhiều khó khăn mà GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dần đều là một hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đã qua được giai đoạn khó khăn, dần qua đáy và tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, một chỉ tiêu quan trọng đó là kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta cũng đang có những tín hiệu hồi phục. Điều đó cho thấy mặc dù sức cầu hàng hóa trên thế giới suy yếu nhưng cũng đang trong xu hướng phục hồi và chúng tôi hy vọng rằng theo thời gian, chỉ số PMI của chúng ta sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát vẫn nằm trong mức độ kiểm soát của Chính phủ…Chúng tôi cho rằng càng về cuối năm các chỉ số sẽ càng tích cực dần lên và điều đó có thể sẽ hỗ trợ nhất định cho thị trường chứng khoán.
Thời điểm này kết quả kinh doanh quý III/2023 của các nhóm ngành cũng đang dần lộ diện, ông đánh giá ra sao?
Hiện tại chưa có quá nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông qua những thông số vĩ mô cũng như những sự vận động về giá của các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng có thể hình dung phần nào về biến động kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ nhất, khu vực về tiêu dùng trong nước cũng đã có sự hồi phục, kim ngạch xuất nhập khẩu đang tăng trưởng trở lại. Giá năng lượng, giá dầu cũng đã có xu hướng tăng lên thì những ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ngành dầu khí, hóa chất hay những ngành về dịch vụ bán lẻ có thể sẽ có những kết quả tích cực dần lên. Ngược lại, thị trường bất động sản vẫn còn những khó khăn nhất định nên có thể ngành bất động sản, ngân hàng cũng chưa có sự khởi sắc. Vào thời điểm này, thị trường chứng khoán sẽ có sự phân hóa về các ngành dựa trên sự phục hồi về lợi nhuận quý III, cũng như giai đoạn sắp tới.
T heo ông những nhóm ngành nào sẽ được nhà đầu tư quan tâm sau kết quả kinh doanh quý III/2023?
Thị trường bắt đầu hồi phục từ tháng 5 và kéo dài cho đến cuối tháng 8 vừa rồi, trong giai đoạn đó gần như nhóm ngành cổ phiếu nào cũng đã tăng giá mạnh. Và trong giai đoạn điều chỉnh vừa rồi, có nhiều nhóm cổ phiếu giảm sâu, nhưng cũng có những nhóm ngành vẫn tiếp tục duy trì, ít nhất đi ngang hoặc vẫn tiếp tục tăng lên. Như vậy có thể thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có xu hướng tìm đến những cổ phiếu có tính chất cơ bản, có tiềm năng tăng trưởng và hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt. Các nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ hiện không còn thu hút dòng tiền mạnh.
Dù vậy từ nay đến cuối năm sẽ có những nhóm ngành có sự tích cực dần lên như bán lẻ, dầu khí, ngành hóa chất, phân bón hay công nghệ. Những ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng có triển vọng về cuối năm. Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng là một trong những nhóm ngành có sự hồi phục về giá rất tốt. Nếu như đến cuối năm thị trường tích cực trở lại thì rõ ràng ngành chứng khoán sẽ hưởng lợi nhất định.
Còn về thị trường chung, sau thời gian tăng điểm kéo dài thì thị trường cũng đã phải chứng kiến những phiên điều chỉnh sâu và đang có xu hướng đi ngang, theo ông thị trường sẽ diễn biến như thế nào sau quý III này?
Ở góc độ trung và dài hạn tôi cho rằng xu hướng chung vẫn là đi lên tích cực. Trong ngắn hạn, sau giai đoạn tăng, thị trường điều chỉnh và cần một khoảng thời gian để phân hóa, để tích lũy lại, dòng tiền sẽ sàng lọc để chảy vào những dòng cổ phiếu hoặc những nhóm ngành tốt và thoát ra khỏi những cổ phiếu chưa đạt kỳ vọng. Thường giai đoạn tích lũy sẽ kéo dài khoảng từ một vài tuần cho đến một vài tháng. Tôi cũng cho rằng, khi thị trường điều chỉnh thì mặt bằng giá cổ phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn và sẽ có sự tham gia trở lại của các nhà đầu tư dài hạn, qua đó hỗ trợ cho thị trường. Từ nay đến cuối năm, có thể thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng ở khu vực hiện tại và sẽ có sự hồi phục.
Còn về phía nhà đầu tư, sau một chu kỳ tăng điểm, giờ là lúc nên làm gì?
Thông thường khi thị trường vào nhịp giảm sâu sẽ có hiện tượng quá bán, tức là nhà đầu tư lo lắng và bán quá đà và sau đấy thị trường sẽ có một nhịp phục hồi nhanh kỹ thuật. Rõ ràng, chúng ta đang nhìn thấy nhịp điều chỉnh hiện tại khá nhanh và sâu, nên có khả năng sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật và khá nhanh. Nhưng sau đó thị trường có thể sẽ đi vào một giai đoạn cân bằng, tích lũy lại và có sự phân hóa về các nhóm ngành cũng như các cổ phiếu. Nhà đầu tư ở Việt Nam có những nhà đầu tư ngắn hạn và những nhà đầu tư dài. Mặt bằng P/E hiện cũng tương đối hấp dẫn trong khu vực, theo số liệu của Bloomberg tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023 thì P/E dự kiến của Việt Nam là 11,46 lần trong khi của các nước khác như Ấn Độ là 21,64 lần, Thái Lan 16,44 lần, Malaysia 15,05 lần…Bên cạnh đó, với những tín hiệu phục hồi mạnh của nền kinh tế, nhà đầu tư trung và dài hạn đang có cơ hội trong giai đoạn thị trường điều chỉnh sâu như thế này. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn thì giai đoạn này tương đối rủi ro bởi thị trường dao động mạnh. Nhà đầu tư cần thận trọng, tránh mua đuổi khi thị trường mới chỉ phục hồi kỹ thuật. Còn về, góc độ trung và dài hạn tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư tiếp tục giải ngân.
Để lại một phản hồi