Đà tăng của VN-Index có phần “nguội” đi, sau nhịp tăng kéo dài 5 phiên. Chỉ số chính gặp khó trong phiên chiều, có thời điểm lùi về dưới tham chiếu, trước áp lực hiện thực hoá lợi nhuận. Nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời, bảo toàn thành quả khi thị trường chưa rõ xu hướng. Thị trường thể hiện rõ sự phân hóa, với số mã tăng, giảm bám đuổi sát nhau.
Giao dịch của nhóm vốn hoá lớn VN30 có phần tiêu cực hơn, khi VN30-Index giảm gần 2 điểm. Số mã giảm chiếm áp đảo. Các mã lớn, giá trị giao dịch cao nhất thị trường như MWG, SSI, HPG, VND cùng giảm giá. MWG bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thanh khoản, cũng là tâm điểm bán ròng của khối ngoại. Cổ phiếu bị bán ròng nhiều thứ 2 là HPG (gần 4 triệu đơn vị). HPG cũng chính thức giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tục trước đó.
SSI, VND cùng các mã chứng khoán cũng trở lại điều chỉnh, sau phiên dậy sóng bất ngờ hôm qua. Quá nửa số cổ phiếu chứng khoán niêm yết chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm chỉ 1-2%.
Trong nhóm vốn hoá lớn, VIC trở thành đầu kéo chủ lực cho VN-Index. Cổ phiếu Vingroup tăng giá trong bối cảnh cổ phiếu VinFast trên sàn Mỹ bước sang phiên thứ 2 hồi phục liên tiếp, sau 3 tuần giảm sâu. Toàn bộ cổ phiếu nhóm Vingroup trong nước, và trên sàn Mỹ cùng tăng giá. Hãng tin Nikkei (Nhật) mới đây đưa tin, VinFast có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Ấn Độ và Indonesia với khoản đầu tư 1,2 tỷ USD.
Cổ phiếu ngân hàng cũng trở lại trạng thái phân hoá, trong lúc chờ kết quả kinh doanh quý III. Biên độ dao động chủ yếu trên dưới 1%, ở cả chiều tăng và giảm. Nhóm ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng tốt, tuy nhiên kết quả sẽ có sự cách biệt lớn. SSI Research vừa ước tính kết quả kinh doanh quý III của 33 công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó có nhiều ngân hàng được dự báo tăng lợi nhuận ở mức 2 con số, Vietcombank, MB, VietinBank. Đáng chú ý, Sacombank được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tới 63%.
Về cơ hội đầu từ mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhóm phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngành xuất khẩu, nhất là thủy sản, dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi như đơn hàng phục hồi, biên độ lợi nhuận mở rộng, hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Nhóm bất động sản khu công nghiệp và vận tải biển cũng có yếu tố đáng chú ý.
Các doanh nghiệp đang dần hé lộ kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, tín hiệu bước đầu cho ghi nhận khả quan.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,8 điểm (0,07%) lên 1.151,61 điểm. HNX-Index tăng 1,44 điểm (0,,61%) lên 238,44 điểm. UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (0,38%) lên 88,08 điểm. Thanh khoản gia tăng, với giá trị khớp lệnh HoSE hơn 13.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh, giá trị lên tới 646 tỷ đồng, tập trung vào MWG, HPG, FUEVFVND, VPB, MSN…
Để lại một phản hồi