Kinh nghiệm quốc tế về nâng hạng thị trường chứng khoán

TIN MỚI

    Với việc hệ thống KRX dự kiến đi vào vận hành từ cuối năm nay và nỗ lực của cơ quan quản lý trong giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), giới chuyên gia đang kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi trước năm 2025.

    Đây được coi là bước đệm quan trọng để Việt Nam đón nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp như: Các quỹ tương hỗ (mutual fund), quỹ hưu trí (pension fund)… SSI Research dẫn nghiên cứu từ học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Ước tính từ World Bank cũng cho thấy việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD.

    Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt được cơ cấu bền vững hơn. Chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu Tư, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Chứng khoán Maybank cho biết hiện nay nhà đầu tư cá nhân chiếm từ 80 – 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán, đây là tỷ lệ rất cao. Ở các thị trường phát triển, số lượng nhà đầu tư cá nhân lớn nhưng chủ yếu tham gia thông qua quỹ đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp. Đa phần các nhà đầu tư cá nhân đều mang tính bầy đàn và không có chiến lược cũng như được trang bị kiến thức đầy đủ, dẫn đến diễn biến thị trường không ổn định, tăng, giảm bất thường.

    Ông Quang kỳ vọng khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ đâu đó khoảng 40% nhà đầu tư tổ chức và 60% nhà đầu tư cá nhân, qua đó thị trường sẽ cân bằng hơn, giảm bớt các đợt biến động mạnh.

    Cơ hội mở ra rất rõ ràng nhưng thách thức cũng không nhỏ. Sau khi được nâng hạng thì vấn đề đầu tiên chính là làm thế nào duy trì vị thế trước khi hướng đến mục tiêu xa hơn. Nguyên tắc chắc chắn là một nguyên tắc cơ bản khi các tổ chức xem xét để đưa ra quyết định nâng hạng hay hạ bậc thị trường, FTSE hay MSCI đều xem xét kỹ, có thời gian kiểm chứng mới đưa ra quyết định. Dù vậy, vẫn có tiền lệ thị trường đã được nâng hạng nhưng sau đó bị hạ bậc như Pakistan. Quốc gia này được MSCI nâng bậc từ cận biên lên mới nổi vào 2017, chỉ sau 4 năm, bị hạ xuống lại cận biên do không đáp ứng được tiêu chí thanh khoản cũng như quy mô.

    TTCK Pakistan sau khi được nâng hạng thì rơi mạnh, bước vào thị trường con gấu. Đồng thời, bê bối chính trị đã thôi thúc khối ngoại bán tháo. Dù quy mô và thanh khoản thị trường Việt Nam đang rất tốt và cao hơn nhiều thị trường đã được nâng hạng lên mới nổi từ lâu như Malaysia… nhưng bài học Pakistan vẫn đáng để lưu tâm.

    Kinh nghiệm quốc tế về nâng hạng thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

    TTCK Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng trước 2025. Ảnh: Trọng Hiếu

    Thách thức nâng hạng và duy trì vị thế!

    Nhiều chuyên gia cho rằng, một thị trường chuẩn mực, minh bạch và nhiều công cụ sản phẩm tài chính, hàng hóa chất lượng sẽ là yếu tố then chốt để thu hút, giữ chân dòng vốn ngoại.

    Với nỗ lực tuyên truyền cùng các biện pháp xử phạt của cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết đã dần hoàn thiện việc công bố thông tin, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Dù vậy, vẫn có vài vụ việc người nội bộ bán “chui” cổ phiếu cho thấy cơ chế giám sát của Việt Nam còn phải cải thiện.

    Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Maybank Securities chia sẻ Việt Nam có thể học hỏi Malaysia cách thức kiểm soát vấn đề minh bạch trên thị trường. Malaysia đang thực hiện rất tốt vấn đề giám sát, cảnh báo giao dịch nội gián.

    “Họ có hệ thống giám sát độc lập trên bên cạnh hệ thống core chính, trong đó công ty chứng khoán là tuyến đầu theo dõi và cảnh báo. Tất cả các thành viên thị trường đều phải báo cáo, việc này có thể xung đột với lợi ích khách hàng nhưng tất cả đều làm như vậy thì lại trở nên bình thường, nhà đầu tư biết được họ bị giám sát như vậy. Đó là điều để Malaysia đảm bảo được tính minh bạch của thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng nên xây dựng hệ thống giám sát riêng như vậy bên cạnh hệ thống KRX là core chính”, đại diện Maybank Securities chia sẻ.

    Về mặt sản phẩm, TTCK Việt Nam cũng đang thiếu nhiều công cụ tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Chúng ta có danh mục sản phẩm ở mức cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo và chứng chỉ quỹ. Trong đó, chứng khoán phái sinh và chứng quyền có đảm bảo là sản phẩm của các TTCK phát triển, tạo điều kiện cho nhà đầu tư linh hoạt thực hiện chiến lược giao dịch, tìm kiểm tỷ suất sinh lợi cao hoặc phòng ngừa rủi ro… Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu phát triển, sản phẩm còn nhiều hạn chế như chứng quyền của Việt Nam mới có chứng quyền mua; thiếu sản phẩm phái sinh trên cơ sở là hàng hóa, tiền tệ, lãi suất.

    Nhìn vào TTCK các nước khác trong khu vực cũng đã phát triển rất nhiều sản phẩm. Như Thái Lan tập trung vào các quy định pháp lý cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai, quyền chọn… và các công cụ tài chính khác. Chính phủ Malaysia phát triển khung pháp lý để khuyến khích sự phát triển các loại sản phẩm mới, bao gồm quỹ đầu tư bất động sản và các công cụ nợ thế chấp, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản…

    Ngoài ra, Thái Lan cũng đã rất thành công trong việc phát triển sản phẩm NVDR (Non-Voting Depositary Receipt) – chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, thu hút lượng lớn vốn ngoại. Sản phẩm này giúp Thái Lan giải quyết được nhu cầu tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mà không cần lo ngại đến vấn đề giới hạn sở hữu của khối ngoại. Tại Việt Nam, vấn đề NVDR đã được đưa ra thỏa luận từ lâu và có trong Luật Chứng khoán 2019 nhưng còn thiếu thông tư hướng dẫn cho sản phẩm.

    Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết phát triển các sản phẩm mới là ưu tiên của các nước trong khu vực châu Á để đảm bảo thanh khoản và hướng tới sự phát triển bền vững.

    TTCK Việt Nam mới được hình thành và phát triển hơn 20 năm, còn rất non trẻ so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan…Nhưng cũng vì vậy nên TTCK Việt Nam được đánh giá tiềm năng hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực vốn đã rơi vào bão hòa. Được nâng hạng sẽ là tiền đề để phát triển bền vững, tuy nhiên mục tiêu này muốn thành công đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý, đơn vị thành viên, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư tham gia thị trường.

    Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường, ngày 10/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết”.

    Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế TW, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *