MWG:
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài nhận lương 226,3 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm. Con số này bằng với thu nhập từ lương của ông Tài trong nửa đầu năm ghi nhận trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2023. Như vậy, Chủ tịch MWG đã không nhận lương trong quý 3.
Trường hợp tương tự là ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên HĐQT và ông Trần Huy Thanh Tùng – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cũng đều không nhận lương trong quý 3 vừa qua. Thu nhập từ lương của ông Hiểu Em trong 9 tháng đầu năm vẫn ở mức 580,5 triệu đồng, bằng với con số nhận được trong nửa đầu năm. Trong khi đó, ông Tùng nhận lương 160,8 triệu đồng cho 9 tháng đầu năm, thấp nhất trong số các lãnh đạo của Thế Giới Di Động.
2 thành viên HĐQT còn lại của Thế Giới Di Động là ông Đặng Minh Lượm và ông Robert Willett đều nhận lương trong quý 3 nhưng con số rất chênh lệch. Ông Lượm có thu nhập 96,5 triệu đồng trong khi ông Robert Willett “bỏ túi” thêm đến 1 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua. Tính từ đầu năm, thành viên HĐQT người nước ngoài đã nhận tổng cộng hơn 2,1 tỷ đồng từ chi phí tư vấn.
Như vậy, dàn lãnh đạo cấp cao của Thế Giới Di Động đã nhận tổng cộng 3,6 tỷ đồng tiền lương trong 9 tháng đầu năm. Đây là con số khá thấp so với mặt bằng chung những năm gần đây. Trong năm 2022 (năm đầu tiên MWG công bố chi tiết thu nhập của các thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc), tổng thu nhập từ lương các lãnh đạo cấp cao dù thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2014 nhưng vẫn ở mức 8,5 tỷ đồng. Những năm trước, con số này thường xuyên duy trì trên 10 tỷ đồng.
Kinh doanh gặp khó
Có thể thấy, thu nhập dàn lãnh đạo cao cấp của Thế Giới Di Động bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tình hình kinh doanh của khó khăn. Sau giai đoạn bùng nổ với lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm kể từ khi lên sàn năm 2014, doanh nghiệp bán lẻ này bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ nửa sau của năm ngoái. Sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao khiến lợi nhuận liên tiếp sụt giảm mạnh.
Tính chung cả năm 2022, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu đạt 133.405 tỷ đồng, vẫn tăng 8% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 16% so với năm 2021, xuống mức 4.100 tỷ đồng và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ này đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài gần một thập kỷ.
Tình hình thậm chí còn tệ hơn từ đầu năm 2023 khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc Thế Giới Di Động phải lao vào cuộc chiến giá rẻ. Riêng quý 3, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống gần 30.300 tỷ đồng. Lãi ròng chỉ đạt gần 39 tỷ đồng, giảm đến 96% so với cùng kỳ 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Thế Giới Di Động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng “bốc hơi” đến gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.
Khó khăn không chừa một ai
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, không chỉ thu nhập của các lãnh đạo bị thu hẹp, Thế Giới Di Động còn mạnh tay cắt giảm chi phí nhân viên. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp chi hơn 6.100 tỷ đồng cho nhân viên, giảm mạnh hơn 1.300 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nhân viên giảm một phần đến từ việc cắt giảm quy mô nhân sự, một phần đến từ việc cắt giảm các khoản chi cho mỗi nhân viên.
Thời điểm 30/9/2023, Thế Giới Di Động có tổng cộng 68.374 nhân viên, giảm hơn 5.600 người so với thời điểm đầu năm 2023. Ước tính, doanh nghiệp đã chi trung bình khoảng 85,7 triệu đồng cho mỗi nhân viên trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, số lượng nhân viên của doanh nghiệp bán lẻ này một năm trước lên đến hơn 80.200 người, tăng gần 10.000 người so với đầu năm 2022. Ước tính, Thế Giới Di Động đã chi trung bình khoảng 98,7 triệu đồng cho mỗi nhân viên trong 9 tháng đầu năm 2022. Như vậy, các khoản chi trung bình cho mỗi nhân viên ước tính đã giảm khoảng 13% sau một năm.
Bên cạnh đó, chính sách ESOP (dự kiến là 2,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành) được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 cũng đã không đủ điều kiện để triển khai. Điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát hành ESOP được đưa ra là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế phải đạt từ 10% trở lên nhưng Thế Giới Di Động lại tăng trưởng âm và không hoàn thành kế hoạch.
ESOP vốn là câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi tại Thế Giới Di Động những năm qua. Nhiều cổ đông từng lên tiếng cho rằng ESOP sẽ tạo ra sự không công bằng với cổ đông bên ngoài khi phải đối mặt với vấn đề pha loãng cổ phần, giảm giá trị đầu tư trên sàn. Trả lời bức xúc này, ông Nguyễn Đức Tài từng nhấn mạnh ESOP có ý nghĩa giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực và vẫn sẽ ủng hộ chính sách này.
Để lại một phản hồi