Chứng khoán Tâm điểm chứng khoán: Đi tìm vùng cân bằng trong tháng 10 sau khi VN-Index có mẫu hình “2 đỉnh” Mai Hương • 02/10/2023 – 10:52
Đi qua tháng 9, VN-Index đã đánh mất chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp với việc giảm 5,71%. Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về trạng thái thị trường và bối cảnh vĩ mô.
“Điều chỉnh sau chuỗi tăng dài là bình thường, tháng 10 không quá vội”
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC
Sau quãng thời gian tươi đẹp với sự phục hồi chung của chứng khoán thế giới, sự lắng xuống của các rủi ro liên thị trường, ảnh hưởng tích cực từ các chính sách hỗ trợ kinh tế trong nước và tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân, bước sang tháng 9, thị trường đã phải đối mặt nhiều hơn với những áp lực.
Trong tháng 9, thị trường có lúc đã xóa bỏ gần hết thành quả tăng điểm trong quý III và là lúc để nhà đầu tư nhận ra các vấn đề của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn đó, việc đầu tư trong môi trường vĩ mô còn nhiều điểm xám chưa bao giờ là dễ dàng. Khởi đầu tháng 10, bối cảnh chung vẫn đối mặt với nhiều ẩn số.
Đối với thị trường thế giới, có lẽ “cú đánh” bất ngờ đến từ thị trường hàng hóa khi các hàng hóa tăng mạnh chủ yếu xuất phát từ thiếu hụt (chủ động hoặc bị động) nguồn cung. Thị trường hàng hóa là yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương và khiến các ngân hàng trung ương rơi vào thế khó xử. Kết quả là FED đã cho thấy quan điểm cứng rắn hơn trong kỳ họp gần nhất vào tháng Chín. Lợi suất Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn lập đỉnh mới trong nhiều năm, đồng Dollar tăng mạnh trở lại và hầu hết các thị trường đã điều chỉnh mạnh. Mẫu hình toàn cầu vẫn đồng điệu nhưng theo hướng tiêu cực khi bắt đầu tháng 10.
Đối với thị trường trong nước, có lẽ những thách thức trong việc kích thích kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đang thắt chặt vẫn là sự quan tâm hàng đầu. Việc đi ngược chính sách tiền tệ sẽ đổi lấy mức độ phục hồi kinh tế như thế nào sẽ định hướng kỳ vọng. Những số liệu kinh tế Quý III cho thấy đà phục hồi tích cực sau những nỗ lực, nhưng cũng khó nói rằng số liệu đó sẽ làm thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư hay các nhà làm chính sách, bởi lẽ kinh tế vẫn có vẻ phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Tiêu điểm nằm ở việc hạ lãi suất với sự đánh đổi về áp lực tỷ giá vẫn chưa thể kích thích tăng trưởng tín dụng và có tác động truyền dẫn vào nền kinh tế tương xứng.
Do đó thị trường bắt đầu tháng 10 với nhiều áp lực và xu hướng giảm điểm vẫn chiếm ưu thế. Vùng hỗ trợ hiện tại của VN-Index là 1.130 điểm, kháng cự quanh 1.170-1,180 điểm. Nếu thủng 1.130 điểm khả năng có thể giảm về quanh 1.080 điểm. Thị trường đã có quãng thời gian dài tăng điểm 2-3 tháng điều chỉnh giảm là bình thường. Do đó không quá vội trong tháng 10.
“Thị trường xác nhận mẫu hình hai đỉnh, nhưng nền kinh tế có tín hiệu hồi phục dài hạn”
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Hiện thị trường đã cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực và xác nhận xu hướng giảm khi điều chỉnh dưới ngưỡng 1.200 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số cũng cắt xuống các nhóm đường trung bình động ngắn hạn, điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh là vẫn còn. Thêm vào đó, áp lực bán từ khối ngoại và mức định giá không còn hấp dẫn, vì thế thị trường có thể giảm về vùng 1.100 điểm, thậm chí là vùng 1.000 điểm.
Theo quan điểm kỹ thuật, chỉ số đã xác nhận mẫu hình hai đỉnh khi điều chỉnh dưới vùng đáy tháng 8/2023 quanh vùng 1.160 điểm, với mẫu hình này mục tiêu điều chỉnh có thể là quanh vùng 1.070 điểm.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 đạt 5,33%, nếu nhìn theo xu hướng chúng ta sẽ nhận thấy nền kinh tế đã đạt đáy trong quý I/2023 và đang trong giai đoạn phục hồi, theo đó GDP quý I là 3,32%, GDP quý II tăng 4,14% và GDP quý III là 5,33% đây là một xu hướng phục hồi trong dài hạn.
Khi nền kinh tế phục hồi, chứng tỏ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang được cải thiện.
Do đó, kết quả hoạt động kinh doanh trong thời gian tới của doanh nghiệp sẽ được khởi sắc. Việc nền kinh tế phục hồi làm triển vọng doanh nghiệp trở nên tích cực hơn qua đó làm dòng tiền kỳ vọng của doanh nghiệp tăng lên và làm định giá cũng tăng trưởng ứng.
Để lại một phản hồi