Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng bối cảnh vĩ mô quý 4/2023 trong nước vẫn sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như việc cải thiện quan hệ với các nước lớn qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới Việt Nam.
Dù vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm 2023, ABS nhận định sức ép tăng trưởng trong quý 4 là rất lớn. Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng.
Ngoài ra, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục kéo dài các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã thực hiện từ đầu năm đến nay như tiếp tục giảm thuế VAT (từ 10% xuống 8%) đến giữa năm 2024, cũng như việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm thuế trước bạ ô tô…
Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm NHTM tư nhân lớn tiếp tục giảm 0,22%/năm trong tháng 9 về 5,53%/năm (kỳ hạn 12 tháng), về bằng mức tháng 5/2022 (trước giai đoạn tăng lãi suất). Dự kiến từ quý 3/2023 trở đi, chi phí vốn bình quân của ngành ngân hàng sẽ giảm dần (do phần lớn tiền gửi có kỳ hạn 3-6 tháng sẽ đáo hạn) và NIM các ngân hàng cải thiện dần.
Nhóm phân tích dự báo xu hướng giảm này tiếp tục duy trì trong thời gian tới tại các NHTM lớn, tuy có thể nhích tăng tại các NHTM nhỏ có khó khăn về kinh doanh và thanh khoản.
Tỷ lệ sinh lời với thị trường cổ phiếu ước đạt 7,2%, cao hơn mức tiền gửi bình quân
Về mặt định giá, với việc VN-Index điều chỉnh mạnh trong tháng 9, P/E toàn thị trường giảm từ mức 14,6x cuối tháng 8 xuống 13,8 lần cuối tháng 9, dựa trên số liệu BCTC quý 2/2023. Theo nhận định của các chuyên gia ABS, thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư với các cổ phiếu có triển vọng KQKD tăng trưởng cao trong các quý tới và định giá đã giảm về vùng hấp dẫn.
ABS cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư nội vẫn tiếp tục ở lại với thị trường cổ phiếu, với tỷ lệ sinh lời ước đạt 7,2%, cao hơn mức tiền gửi bình quân. Tuy nhiên, với nhà đầu tư ngoại, nhiều khả năng sẽ tiếp tục bán ròng do bị ảnh hưởng bởi đà rút ròng tại thị trường cổ phiếu Trung Quốc, dù có giảm so với trước nhưng vẫn tiếp diễn.
Dự báo về diễn biến của VN-Index trong tháng 10, đội ngũ phân tích đưa ra 2 kịch bản:
Kịch bản 1: Chỉ số VN-Index giữ được mốc hỗ trợ vùng 1.100, thị trường có nhịp hồi phục hướng tới vùng trendline đã gãy trước đó ở 1200. Trên đà hồi phục thị trường cần chinh phục các ngưỡng 1.160-1.176 điểm với thanh khoản gia tăng ổn định. Nhà đầu tư có thể giải ngân vị thế cho nhịp hồi phục với tỷ trọng phù hợp.
Kịch bản 2: Trong trường hợp mốc hỗ trợ 1.100 không được giữ vững, thị trường hoàn toàn có thể về kiểm định các mốc bứt thoát xu hướng của nhịp tăng từ tháng 4/2023 ở mốc hỗ trợ là 1.070 điểm và 1.036 điểm. Ở kịch bản này có khả năng xảy ra tình trạng bán giải chấp rất mạnh, sau đó thị trường mới có thể hồi phục. Nhà đầu tư mở mua trở lại với kỳ vọng với mức độ tăng điểm của thị trường và cổ phiếu lớn hơn mức tăng trong kịch bản 1.
Xuất hiện cơ hội đầu tư tại 5 nhóm ngành
Với đề xuất 2 kịch bản trên, ABS khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân vào các ngành và cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách và tình hình vĩ mô, có KQKD quý 3 tích cực và định giá hấp dẫn, điển hình như:
Một là, hàng xuất khẩu (dệt may, thủy sản, dịch vụ phần mềm, IT…): hưởng lợi từ xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước lớn.
Hai là, ngành cảng và vận tải biển: hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu, giá cước vận tải tăng, phí cảng tăng, cũng như việc triển khai các dự án đầu tư mở rộng cảng biển…
Ba là, đầu tư công: hưởng lợi từ việc chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng.
Bốn là, bất động sản khu công nghiệp: hưởng lợi từ tăng trưởng vốn FDI vào Việt Nam.
Năm là, ngành phân bón/hóa chất/lương thực: kỳ vọng từ giá dầu, giá phân bón, hóa chất, giá lương thực tăng trên thế giới.
Để lại một phản hồi