Sau 4 phiên lao dốc với biên độ giảm trên 1% mỗi phiên, VN-Index bất ngờ tăng vọt trở lại. Lệnh mua ồ ạt dâng cao cuối phiên khiến các cổ phiếu bật tăng mạnh, VN-Index “đổi màu” nhanh chóng mặt để lấy lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giữ vững phong độ, trong khi nhóm bất động sản, chứng khoán vùng lên mạnh mẽ, nhiều mã “ngã ở đâu tăng ở đó” khi nhuộm sắc tím trở lại.
“Như chưa hề có cuộc chia ly”, kết thúc phiên giao dịch 20/10, VN-Index tăng 20 điểm lên 1.108 điểm, với 717 mã tăng, trong đó có 56 mã tăng trần, VN30 tăng 19 điểm lên 1.123 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư cải thiện mạnh như “nắng hạn gặp mưa rào” sau chuỗi những ngày tuyệt vọng vì cổ phiếu giảm, tài khoản thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư bắt đáy sớm đầu phiên đã có lãi ngay từ 10 – 14% vào cuối phiên.
Dù vậy, dòng tiền chưa quá mặn mà bắt đáy sau những cú chỉnh mạnh khi thanh khoản khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt 13.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn neo ở mức thấp.
Thực tế, khó có thể khẳng định xu hướng tăng của thị trường đã xác lập trở lại chỉ sau một phiên tăng điểm. Tuy nhiên, những điểm sáng cũng đã dần xuất hiện sau khi thị trường trải qua một đợt chiết khấu mạnh hơn 150 điểm (tương đương 11%) từ đỉnh ngắn hạn.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối Chứng khoán Dragon Capital trong hội thảo mới đây khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên kỳ vọng cú giảm 15-20% của thị trường trong chu kỳ này.
Bởi, chuyên gia Dragon Capital cho rằng 5 yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán đang duy trì khá ổn định khi lãi suất giảm, tỷ giá ở mức cân bằng, thanh khoản bắt đầu nới lỏng, các giải pháp tránh đổ vỡ đã được thực hiện và chỉ còn duy nhất yếu tố lợi nhuận chưa cải thiện. Do đó, khi triển vọng lợi nhuận cải thiện, chu kỳ phục hồi của thị trường sẽ rõ ràng hơn.
Thêm vào đó, định giá thị trường đã trở về mức cân bằng sau những nhịp giảm sâu. Định giá P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,1 lần vào giữa tháng 9 xuống còn xấp xỉ 12 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.
Với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ cải thiện từ quý 3/2023, P/E thị trường có thể giảm đi đáng kể. Nhìn lại quá khứ, thời điểm năm 2015, 2017 và 2021, khi tăng trưởng của các doanh nghiệp được cải thiện thì thị trường chứng khoán cũng đã phục hồi tương đối tích cực.
Định giá về mức hấp dẫn cũng thu hút khối ngoại quay trở lại sau chuỗi ngày miệt mài bán ròng. Giữa lúc thị trường “bốc hơi” hàng chục điểm, nhà đầu tư cá nhân ồ ạt bán tháo, khối ngoại đã chớp thời cơ mua ròng mạnh mẽ. Tính riêng bốn phiên gần nhất, khối ngoại đã tung 1.800 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu trên cả ba sàn. Còn nhớ giai đoạn tháng 11-12/2022, khi chứng khoán Việt Nam tìm về đáy ngắn hạn, nhà đầu tư ngoại cũng vung hàng chục nghìn tỷ đồng gom ròng cổ phiếu Việt.
Nhìn nhận về xu hướng thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BSC cho rằng dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất quyết định đợt điều chỉnh đã thực sự kết thúc. Để kích thích dòng tiền trở lại, chuyên gia cho rằng ba rủi ro mà thị trường lo ngại trước đó cần giảm bớt.
Thứ nhất, tình hình chiến sự quốc tế có những chuyển biến tích cực và không ảnh hưởng trên diện rộng. Ông Khoa nhận diện sự kiện căng thẳng địa chính trị chủ yếu mang tính chất cục bộ và chưa có dấu hiệu ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Thứ hai, lạm phát Mỹ hạ nhiệt, chính sách “diều hâu” của Fed dừng lại. Khi chênh lệch USD/VND thu hẹp giúp tỷ giá hạ nhiệt, SVB cũng sẽ có những chính sách bình ổn hơn.
Thứ ba, quan trọng nhất là định giá cần chiết khấu thêm. Thị trường cần phải rẻ hơn nữa để kích thích dòng tiền nhà đầu tư lớn nhập cuộc. Khi những rủi ro có phần hạ nhiệt từ đó mới có thể kích thích dòng tiền trở lại và giúp thị trường thực sự tạo đáy rõ ràng.
Để lại một phản hồi