Kỳ lạ: Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu “ế ẩm” nhưng trên sàn giá cao hơn 35% lại “cháy hàng”

EVF:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
TIN MỚI

    Trên thị trường chứng khoán, không thiếu những câu chuyện kỳ lạ khó lý giải. Trường hợp của cổ phiếu Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance – mã EVF) thời gian gần đây là một ví dụ điển hình.

    EVN Finance vừa kết thúc đợt chào bán 351,06 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 11.000 đồng vào ngày 31/10 nhưng “ế” đến 226,68 triệu cổ phiếu (chiếm 64,6% tổng cổ phiếu chào bán). Điều này phần nào cho thấy nhiều cổ đông hiện hữu của công ty tài chính này không mấy hào hứng với đợt chào bán vừa qua.

    Đáng chú ý, cổ phiếu EVF trên thị trường lại bất ngờ tăng vọt ngay sau khi kết thúc đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu “ế ẩm”. Tính từ đầu tháng 11, EVF đã tăng hơn 35% lên mức 14.900 đồng/cp và chỉ còn kém đôi chút so với đỉnh lịch sử đạt được cuối năm 2021.

    Thậm chí, cổ phiếu EVF còn “cháy hàng” trong phiên 15/11 vừa qua với dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị. Việc một cổ phiếu không mấy hấp dẫn với cổ đông hiện hữu lại bất ngờ thu hút lượng lớn nhà đầu tư “tranh mua” khi giá cao hơn đến 35% chỉ sau vài tuần là điều khá khó hiểu.

    Kỳ lạ: Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu “ế ẩm" nhưng trên sàn giá cao hơn 35% lại “cháy hàng” - Ảnh 1.

    Mặc dù “ế” lượng lớn nhưng vẫn có những cổ đông quyết định nộp tiền thực hiện quyền mua trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu trên, có thể kể đến CTCP Quản lý Quỹ Amber, tổ chức có liên quan đến ông Lê Mạnh Linh – thành viên HĐQT EVN Finance.

    Trước đó, trong tháng 9, tổ chức này đã liên tiếp mua vào cổ phiếu EVF trong tháng 9 để nâng sở hữu lên mức 1,95 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,556%). Sau khi thực hiện quyền, quỹ nắm giữ 3,7 triệu cổ phiếu EVF và hưởng trọn đợt tăng giá vừa qua.

    Thực tế, sau khi kết thúc đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, HĐQT EVN Finance đã quyết định và thực hiện phương án phân phối chào bán số cổ phiếu còn “ế” trên cho cổ đông khác và/hoặc nhà đầu tư mới. Thời gian được phép phân phối đến ngày 29/11/2023.

    Theo quy định, nếu số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết, HĐQT công ty có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông.

    Như vậy, những nhà đầu tư tham gia mua số cổ phiếu “ế” trong đợt chào bán trên có thể sẽ phải mua với giá tối thiểu 11.000 đồng/cp và/hoặc bị hạn chế chuyển nhượng.

    EVF Finance là công ty tài chính hiêm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán. Quý 3 vừa qua, công ty này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 264,5 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng hoạt động khác sụt giảm nhưng nhờ tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lãi ròng quý 3 của EVN Finance vẫn tăng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 115,1 tỷ đồng.

    Lũy kế 9 tháng đầu năm, EVF Finance ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 275,2 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nợ xấu của công ty tài chính này lại có xu hướng giảm với số dư tính đến cuối tháng 9 là 409 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tương ứng ở mức 1,4% trong khi đầu năm con số này là 2,23%.

    Trong một diễn biến khác, vào ngày 21/8, EVN Finace đã hoàn tất mua vào 12 triệu cổ phiếu của VFS CTCP Chứng khoán Nhất Việt qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 10%. Đây là số cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp của VFS. Số tiền chi ra vào khoảng 120 tỷ đồng.

    Trong đợt review tháng 11, cổ phiếu EVF đã được chuyển từ rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Smallcaps Indexes sang MSCI Frontier Markets Index – bộ chỉ số quan trọng nhất của thị trường cận biên. Ngoài EVF, 5 cổ phiếu Việt Nam khác là CEO, KOS, SIP, VPB, CTR cũng được thêm vào danh mục MSCI Frontier Markets Index.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *