Mùa BCTC quý 3 khép lại, bức tranh lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2023 đã lộ rõ. Bối cảnh kinh tế thế giới đối diện với suy thoái trở thành “cơn gió ngược” khiến tình hình vĩ mô Việt Nam bị tác động đáng kể, môi trường kinh doanh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hầu hết những nhóm trụ cột như ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, phân bón, xuất khẩu,… tiếp tục ghi nhận tình trạng khó khăn và kết quả kinh doanh “đi lùi”, dẫn tới một số phải rục rịch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm để phù hợp với thực tế.
Trong thông báo gần nhất, Tổng công ty Hoá dầu Petrolimex – CTCP (mã PLC) vừa công bố nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh năm năm 2023.
Cụ thể, PLC điều chỉnh kế hoạch doanh thu tiêu thụ năm nay còn gần 8.396 tỷ, giảm gần 6% so với chỉ tiêu ban đầu dù mục tiêu sản lượng vẫn được giữ nguyên. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn 112 tỷ đồng.
PLC cho biết, dưới tác động của các yếu tố liên quan đến tình hình kinh tế, chính sách lãi suất và tỷ giá đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu. Từ tháng 8, tỷ giá có xu hướng biến động tăng, do đó đã ảnh hưởng, làm gia tăng chi phí tài chính của PLC. Mặc khác chi phí đầu vào luôn ở mức cao trong khi giá bán bình quân của các mặt hàng trong năm có xu hướng giảm.
Việc lấy ý kiến của PLC diễn ra sau khi doanh nghiệp công bố kết quả 9 tháng đầu năm 2023 với 5.774 tỷ doanh thu thuần và 81 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 4% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy so với kế hoạch sau điều chỉnh, doanh nghiệp đã thực hiện 69% mục tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Để hoàn thành kể hoạch cả năm đề ra, PLC sẽ phải đạt 2.622 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng lãi ròng trong quý 4, tương đương mức tăng trưởng gần 37% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mục tiêu không dễ dàng trong bối cảnh tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn khá hạn chế.
Một công ty xuất khẩu thủy sản là CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cũng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sau khi công bố bố báo cáo tài chính quý 3.
Cụ thể, Sao Ta điều chỉnh chỉ tiêu tổng doanh thu xuống còn 4.870 tỷ, giảm 25% so với mức kế hoạch cũ (5.900 tỷ). Tương ứng, lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu 400 tỷ ban đầu xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt 278 tỷ đồng.
Công ty không nêu chi tiết lý do và cho biết việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sẽ được trình bày trong báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Nhóm dệt may ghi nhận Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã VGT) dự kiến hạ mục tiêu doanh thu năm 2023 từ mức 17.500 tỷ đồng theo kế hoạch cũ xuống 16.500 tỷ đồng, giảm 6%. Đồng thời điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ mức 610 tỷ đồng kế hoạch cũ xuống còn 370 tỷ đồng, giảm 39%.
Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn Dệt may đã phản ánh bức tranh kém sáng trong năm 2023. Sau 9 tháng, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần gần 12,187 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 288 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 76% so với cùng kỳ. Lãi ròng khoảng 37 tỷ đồng, bốc hơi 94%.
So kết quả 9 tháng đầu năm với kế hoạch mới trình cổ đông, Vinatex thực hiện được 70% mục tiêu doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngành thép, ghi nhận kinh doanh thua lỗ liên tiếp, Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel, mã TVN) cũng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, trong đó giảm mục tiêu lợi nhuận công ty mẹ trước thuế từ 52 tỷ xuống còn 1 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác được giữ như kế hoạch cũ, bao gồm doanh thu công ty mẹ mục tiêu đạt 2.155 tỷ, doanh thu và LNTT hợp nhất lần lượt ở mức 35.800 tỷ và 235 tỷ đồng.
Tình hình thực tế tại VNSteel không quá khả quan khi lỗ đậm 2 quý gần nhất. Lũy kế 9 tháng, công ty mẹ VNSteel lỗ trước thuế 199 tỷ đồng. Có thể thấy dù việc điều chỉnh KH 2023 được cổ đông chấp thuận thì VNSteel vẫn cách rất xa mục tiêu có lãi năm nay.
Kết quả hợp nhất cũng không khả quan hơn nhiều. Doanh thu thuần quý 3/2023 đạt 7.947 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2022. Kết quả, VNSteel báo lỗ sau thuế 172 tỷ đồng, đưa khoản lỗ trước thuế sau 9 tháng lên hơn 431 tỷ đồng.
Cũng căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường 10 tháng đầu năm nay, HĐQT Tổng CTCP Y tế Danameco (mã DNM) đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm 2023.
Cụ thể, doanh thu được hạ 23% so với kế hoạch cũ, từ 350 tỷ đồng xuống 269 tỷ đồng. Đáng chú ý, DMN dự báo sẽ lỗ trước thuế gần 42 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó vẫn có lãi gần 18 tỷ đồng. HĐQT Công ty cho biết sẽ báo cáo việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất.
Danameco từng là doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế duy nhất trên sàn chứng khoán. Với lợi thế đỏ, đỉnh điểm vào năm 2020 khi nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao do đại dịch, Danameco ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục hơn 37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi đại dịch được kiểm soát, Danameco ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc. Trong năm 2022, công ty lỗ 100 tỷ đồng. Tới năm 2023, sau nửa đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 120 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh kém tích cực, Danameco lỗ lũy kế gần 118 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu chưa tới 5 tỷ đồng.
CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco, mã PAC) thì ghi nhận doanh thu thuần PAC đạt 2.322 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế PAC giảm 40% về 80 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Pinaco đặt kế hoạch quý 4 với doanh thu 991 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 44 tỷ đồng. Ngoài ra, Pinaco cũng điều chỉnh giảm chỉ tiêu năm 2023 với doanh thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu và 145 tỷ đồng lợi nhận trước thuế, tương ứng giảm lần lượt 5% và 27% so với kế hoạch trước đó. Như vậy, sau 9 tháng và so với kế hoạch mới thay đổi, PAC đã thực hiện lần lượt 72% và 71% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Để lại một phản hồi