Sau khi dòng tiền chảy ròng vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu từ tháng 6/2023, trong tháng 10 này, dòng tiền đã chậm lại, thậm chí rút ròng ở nhiều thị trường kể cả phát triển lẫn đang phát triển, cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư toàn cầu. Điều này trái lại với dự báo trước đó là dòng tiền sẽ chảy vào các quỹ cổ phiếu mạnh hơn khi lãi suất ở Mỹ đã tăng đến mức đỉnh. Vậy xu hướng dòng tiền toàn cầu sẽ ra sao trong thời gian tới, và liệu có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, giới chuyên môn nhận định, dù dòng tiền toàn cầu có dấu hiệu chậm lại nhưng Việt Nam với những yếu tố như tăng trưởng kinh tế tích cực, thị trường chứng khoán đang có mức định giá hấp dẫn…vẫn đang là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
BTV Mùi Khánh Ly: Dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, bà đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Dương Kim Anh, Đồng Giám đốc đầu tư, Công ty QLQ Vietcombank (VCBF)
Theo số liệu thống kê mới nhất, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trên toàn cầu có hiện tượng rút ròng trong tháng 10, khoảng 17 tỷ USD, trong đó lượng rút ròng ở các thị trường phát triển khoảng 10 tỷ USD và các thị trường mới nổi khoảng 7 tỷ USD. Riêng ở thị trường Mỹ vẫn có dòng tiền vào dương, tuy nhiên không đủ bù đắp lại lượng tiền bị rút ròng ở các thị trường Châu Âu nên khi tổng hợp chung lại dẫn đến hiện tượng rút ròng ở cả thị trường phát triển. Ở thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các thị trường như Hàn Quốc hay Ấn Độ vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, lại có lượng lớn tiền bị rút ròng khỏi thị trường Trung Quốc khoảng hơn 2 tỷ USD, dẫn đến toàn bộ khu vực các thị trường mới nổi bị rút ròng.
Trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng rằng dòng tiền sẽ gia tăng mạnh vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu khi lãi suất của FED đã đạt đỉnh, nhưng thực tế lại không giống như kỳ vọng, theo bà vì sao?
Về nguyên nhân, theo tôi mỗi thị trường lại có một câu chuyện riêng. Ví dụ ở thị trường Châu Âu, năm nay kinh tế rất không tích cực khi tăng trưởng GDP quý III âm 0,1%, và ước tính theo năm có thể chỉ tăng trưởng 0,1%. Bên cạnh đó Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn kiên định với mức lãi suất cao, chưa có tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới, dẫn đến các nhà đầu tư cũng cảm thấy lo ngại hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Đối với thị trường Mỹ, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng, dòng tiền vào dương nhưng cũng chậm lại so với mấy tháng trước, chủ yếu là do cuối tháng 9 khi FED có kỳ họp. Sau kỳ họp, quan điểm của FED vẫn duy trì mức lãi suất cao vì họ chưa cảm thấy thực sự yên tâm lạm phát sẽ giảm. Thực tế, tăng trưởng kinh tế quý III của Mỹ rất cao, khi kinh tế tăng trưởng tích cực, FED có lẽ không lo ngại lắm về chuyện kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại mạnh hay suy thoái kinh tế nên họ sẽ duy trì mức lãi suất cao ở một thời gian dài hơn và họ cần phải có những tín hiệu rõ ràng hơn về lạm phát trước khi ra cái quyết định không tăng lãi suất nữa và bắt đầu mới nghĩ đến chuyện làm giảm lãi suất. Thêm vào đó, đầu tháng 10 lại nảy sinh ra xung đột ở khu vực trung đông, làm cho các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại hơn về sự bất định. Với những yếu tố ấy đã đẩy lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ lên rất cao, có những thời điểm lên đến hơn 5%, gần như cao nhất lịch sử. Cho nên, có thể dòng tiền đã bị rút ra khỏi hoặc chậm lại đối với quỹ cổ phiếu và đẩy sang các quỹ trái phiếu của Mỹ.
Còn ở thị trường mới nổi, như thị trường Trung Quốc, rõ ràng là những kỳ vọng về nền kinh tế tăng trưởng cao trong năm nay sẽ không đạt được, thêm vào đấy là các vấn đề nan giải của thị trường bất động sản cũng làm cho các nhà đầu tư lo ngại hơn và kích hoạt việc rút tiền ra khỏi các quỹ cổ phiếu của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua.
Sau những phân tích trên, dòng vốn toàn cầu vào các quỹ cổ phiếu sẽ ra sao trong thời gian tới, theo bà?
Theo tôi nghĩ đến năm 2024, trừ khi có những biến cố mới rất lớn, như xung đột giữa Nga với Ukraine hay vừa qua là xung đột giữa Israel và Hamas, thì nền kinh tế toàn cầu cũng đã phần nào rõ ràng hơn, không còn quá khó dự đoán như ở thời điểm đầu năm nay nữa. Như ở Mỹ, người ta lo ngại khi lãi suất kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của cả doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình, sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, nhưng theo đánh giá mới nhất từ Goldman Sachs về mức tăng lãi suất vừa rồi ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp và sức khỏe tài chính của các hộ gia đình như thế nào trong năm 2024 thì kết quả chỉ ra mức ảnh hưởng đương nhiên là có nhưng không phải quá nghiêm trọng. Theo đó, bức tranh kinh tế Mỹ của năm 2024, rủi ro hay xác suất để suy thoái xuống rất thấp và mọi người vẫn kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ tích cực trong năm 2024. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát của Mỹ tiến triển cũng khá tích cực, mọi người sẽ tin tưởng hơn trong năm nay sẽ không còn một đợt tăng lãi suất nào nữa và trong năm 2024 FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tầm cuối quý I, đầu quý II/2024, và đến sang năm lãi suất đâu đấy sẽ còn khoảng 4,25 – 4,5%. Dựa vào đó, sẽ có tín hiệu tích cực cho các dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu, đặc biệt ở Mỹ và thị trường Châu Á.
Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi động thái trên của các nhà đầu tư toàn cầu hay không?
Với thị trường Việt Nam, trong năm 2023, nếu xét về dòng vốn ngoại thì không tích cực. Riêng tháng 10, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng hơn 92 triệu USD và tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10, khoảng hơn 380 triệu USD. Tuy nhiên thị trường Việt Nam lại không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dòng vốn ngoại, mà có lẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi dòng vốn nội, đặc biệt dòng vốn của các nhà đầu tư cá nhân, mang tính quyết định hơn đối với sự tăng trưởng của thị trường. Tôi cho rằng, dù dài hạn hay ngắn hạn hơn trong năm 2024, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tốt. Bởi vì hiện giờ nếu như xét về định giá, mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương đối hợp lý, hiện mức P/E của VN-Index vào khoảng 14,8 lần, nếu so với mức cuối tháng 10 là 13,5 lần thì cũng đã tăng lên tương đối nhưng vẫn là hấp dẫn. Nếu như so với mức định giá của một số chỉ số khác ở trong khu vực so với KOSPI của Hàn Quốc khoảng 17 lần hay SET của Thái Lan khoảng hơn 19 lần hay so với chỉ số TOPIX của Nhật Bản cũng gần 16 lần và nếu so với S&P 500 của Mỹ những 20 lần. Thêm vào đấy nền kinh tế của Việt Nam cũng đang có những điểm sáng như FDI giải ngân tốt và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong quý III vừa rồi cũng tích cực, lạm phát kiểm soát tốt, đầu tư công cũng được đẩy mạnh và đặc biệt lãi suất đã giảm rất sâu trong thời gian vừa qua. Đấy là nền tảng cho các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh đầu tư trong năm 2024 cũng như lãi suất thấp cũng làm cho tình hình tài chính của họ tốt hơn, qua đó tạo nền tảng tốt cho sự tăng trưởng tốt của thị trường trong năm 2024.
Vậy nhà đầu tư nên có phương án như thế nào vào lúc này?
Đối với công ty quản lý quỹ VCBF của chúng tôi, từ trước đến giờ vẫn luôn khuyên nhà đầu tư nên xây dựng cho mình một kế hoạch tài chính lâu dài và theo đấy sẽ đầu tư theo một kế hoạch có kỷ luật. Nhà đầu tư không nên cố gắng dự đoán xem thị trường sẽ như thế nào trong ngắn hạn, bởi vì hôm nay chúng ta có thể đưa ra các dự đoán dựa trên những hiểu biết hiện tại của chúng ta, nhưng rõ ràng trong tương lại cũng có thể xảy ra những sự việc mà mình không thể biết trước được và nó cũng sẽ làm thay đổi những bức tranh đấy.
Từ phía góc độ công ty chúng tôi, chúng tôi cũng theo triết lý đầu tư giá trị, tức là khi mua một cổ phiếu nào đấy, không chỉ đơn thuần là giao dịch cổ phiếu đấy, mà công ty sẽ đồng hành với doanh nghiệp. Và thông thường ở VCBF, các khoản đầu tư của chúng tôi thường nhìn rất xa, không phải là xem tháng sau hay quý sau mà phải là 3 năm hay 5 năm tới tiềm năng tăng trưởng của họ như thế nào? Mức định giá hiện tại có hợp lý hay không? Và sau 3 – 5 năm nữa với tăng trưởng như thế mức định giá bây giờ có hợp lý hay không? Và tính bình quân từ khi thành lập đến giờ tất cả các cái quỹ đều cho kết quả hoạt động rất tích cực. Bên cạnh đấy, tôi nghĩ rằng, việc đầu tư ở trên thị trường chứng khoán cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu, phải biết rõ công ty mình định đầu tư vào. Cho nên nếu một nhà đầu tư cá nhân không có thời gian hoặc chưa đủ kiến thức hay đơn giản là bởi vì họ không có các nguồn thông tin để tiếp cận đầy đủ, thì có thể sẽ đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trên thị trường. Hiện giờ trên thị trường cũng có rất nhiều các quỹ cổ phiếu tốt với các chiến lược đầu tư rất đa dạng. Ví dụ như bên công ty chúng tôi hiện giờ công ty cũng có nhiều dạng quỹ, có quỹ kết hợp giữa cổ phiếu và trái phiếu và có cả quỹ trái phiếu.
Để lại một phản hồi