Trong báo cáo chiến lược 2024 của FinPeace, lãi sau thuế toàn thị trường quý III đã phục hồi trở lại nền cao năm 2021 nhưng tỷ trọng đóng góp chính từ nhóm ngân hàng. Trong khi đó, ngành sản xuất và dịch vụ vẫn chưa thực sự hồi phục. Nền thấp của 2023 sẽ là động lực hồi phục chính cho nền kinh tế 2024.
Bức tranh KQKD toàn thị trường năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi từ nền thấp năm 2023, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp niêm yết trừ Ngân hàng và Bất động sản khi (1) Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh trong năm 2023 và dự báo tiếp tục duy trì thấp trong năm 2024 sẽ hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (2) Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt liên quan đến giảm thuế VAT (tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024). (3) Xuất khẩu tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu của Mỹ và EU quay trở lại. (4) Đầu tư công và FDI tiếp tục đạt mức cao.
Với những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, FinPeace dự báo GDP năm 2024 có thể tăng trưởng lên mức 5,8% và lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 10-15%.
Ba nhóm ngành sáng cửa trong năm 2024
Tuy nhiên, FinPeace cho rằng năm 2024, nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục quá trình phục hồi với tốc độ chậm khi đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó hoạt động đầu tư cần có chọn lọc ở các nhóm ngành với những câu chuyện riêng. Đội ngũ phân tích đưa ra 3 nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng cơ bản khả quan trong năm 2024 gồm thép, điện và dầu khí.
Trong ngắn và trung hạn, ngành thép, được kỳ vọng tiêu thụ phục hồi đến từ sự ấm lên của thị trường bất động sản toàn cầu. Ngành thép có mối tương quan rất chặt chẽ với ngành bất động sản khi 65% nhu cầu tiêu thụ thép nội địa phục vụ cho hoạt động xây dựng.
Về dài hạn, ngành thép Việt Nam còn 10 năm trong chu kỳ phát triển tốt với hai lý do. Một là Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với tốc độ tăng trưởng GDP 6-7%/năm, cầu thép hưởng lợi theo khi đi song song với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. Hai là xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất thép từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Ngành điện vẫn trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Trong ngắn và trung hạn, việc khắc phục tình trạng thiếu điện trong năm 2024 sẽ làm khối lượng công việc nhóm xây lắp điện tăng gấp đôi so với năm 2023, cổ phiếu ngành điện sẽ “công-thủ toàn diện”.
Trong dài hạn, ngành điện sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh, trung bình 8,5%/năm trong vòng 8 năm tới. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế được dự báo tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, tiêu thụ điện bình quân của người Việt còn thấp, cơ hội phát triển còn nhiều.
Tại nhóm dầu khí, FinPeace cho rằng trong ngắn hạn, câu chuyện ngành vẫn xoay quanh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B – Ô Môn. Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đảm bảo tăng trưởng ổn định 10 – 15% trong 3 năm tới.
“Nhu cầu khí phục vụ sản xuất điện đến năm 2030 dự kiến tăng gấp 2 lần hiện tại. Theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí sẽ trở thành nguồn điện chính và công suất nguồn tăng gấp 2 lần cuối năm 2022”, theo báo cáo chiến lược của FinPeace.
Về dài hạn, ngành khí sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nhanh trong 10 năm. Giai đoạn 2022-2035 sẽ đẩy mạnh phát triển nhiệt điện khí bù lượng điện thiếu hụt. Định hướng quy hoạch điện VIII cũng lấy điện khí làm trọng tâm phát triển, mở ra chu kỳ mới của ngành.
Đánh giá về ngân hàng, các chuyên gia cho rằng ngành này khó có điểm sáng về tăng trưởng 2024. Tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng NIM được dự báo phục hồi từ nền thấp 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu xuống thấp sẽ buộc cá ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng nợ xấu từ quý IV/2023 và năm 2024, từ đó khiến lãi cả ngành khó bứt phá trong năm tới.
Đối với lĩnh vực bất động sản, giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Xu hướng toàn ngành sẽ phục hồi, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp.
Để lại một phản hồi