Chạy đua phát hành cổ phiếu huy động vốn

TIN MỚI

    Bất chấp thị trường chứng khoán lình xình, một loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết vẫn công bố kế hoạch phát hành hàng triệu cổ phiếu để huy động vốn. Theo nhiều chuyên gia tài chính, việc DN tăng cường huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu là giải pháp hợp lý, “chia lửa” cho vốn tín dụng và kênh trái phiếu chưa thật sự khởi sắc.

    Huy động hàng ngàn tỉ đồng

    Công ty CP Chứng khoán SSI tuần qua thông báo các cổ đông của công ty đã nhất trí thông qua phương án phát hành tổng cộng hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn.

    Theo đó, SSI sẽ phát hành 302,22 triệu cổ phiếu thưởng tỉ lệ 100:20 (100 cổ phiếu được nhận thêm 20 cổ phiếu mới) cho cổ đông hiện hữu. SSI còn phát hành hơn 151 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỉ lệ thực hiện quyền là 100:10 (tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 10 cổ phiếu mới).

    SSI dự kiến thu được gần 5.300 tỉ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu này để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác… Vốn điều lệ của SSI dự kiến cũng tăng từ hơn 15.111 tỉ lên gần 19.645 tỉ đồng.

    Một loạt công ty chứng khoán khác cũng đã công bố phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn trong những ngày cuối năm 2023 và đầu 2024. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán HSC phát hành thêm hơn 297 triệu cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ từ 4.581 tỉ lên hơn 7.552 tỉ đồng.

    Chứng khoán VNDirect cũng dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 5:1, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. VNDirect lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỉ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới.

    Công ty Chứng khoán HD (HDS) cũng đang triển khai phương án chào bán hơn 67,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn điều lệ lên gần 1.700 tỉ đồng. Việc này giúp công ty nâng cao tiềm lực tài chính, tăng quy mô vốn để bổ sung các hoạt động kinh doanh.

    Không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều DN bất động sản cũng ồ ạt phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng (NH) khó tiếp cận. Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) xin ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

    Novaland cũng dự kiến chào bán tối đa hơn 1,17 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỉ lệ 10:6 (tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 6 cổ phiếu mới), với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ các đợt chào bán này sẽ sử dụng cho các mục đích như đầu tư góp thêm vốn vào công ty con để tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn.

    Tập đoàn Đất Xanh vừa thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng với số lượng hơn 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị vốn huy động hơn 1.220 tỉ đồng dự kiến được Đất Xanh sử dụng để góp vốn vào Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An và thanh toán các chi phí của tổ chức phát hành.

    Các DN bất động sản khác như Xây dựng Hòa Bình, Xây dựng Hưng Thịnh… cũng có phương án phát hành tăng vốn. Trong khi đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) của bầu Đức thông qua kế hoạch chào bán 130 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động 1.300 tỉ đồng để trả nợ vay.

    Giá cổ phiếu HAG trên sàn đã tăng chóng mặt khi giới đầu tư nhận định việc phát hành thêm sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai trong bối cảnh các kênh huy động khác đều khó tiếp cận.

    Nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đồng loạt công bố phương án tăng vốn điều lệ trước thềm năm mới Ảnh: Hoàng Triều

    Nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đồng loạt công bố phương án tăng vốn điều lệ trước thềm năm mới Ảnh: Hoàng Triều

    “Chia lửa” cho kênh tín dụng ngân hàng

    Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều chuyên gia nhận định việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang lình xình hiện tại là không dễ. Dù vậy, đây là phương án huy động vốn khả thi hơn trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như trái phiếu vẫn khó, áp lực đáo hạn trái phiếu DN khá lớn và kênh tín dụng NH không dễ tiếp cận.

    PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích trước đây, một số DN bất động sản huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu khá lớn, bên cạnh vay vốn NH thương mại.

    Tuy nhiên, những DN nào có thể tiếp cận được vốn NH đều đang có dư nợ hoặc không còn tài sản thế chấp để vay tiếp, buộc phải tìm phương án huy động vốn khác. Kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN cũng chưa thật sự khởi sắc thời gian qua. Chưa kể, áp dụng đáo hạn trái phiếu vẫn còn khá lớn trong thời gian tới.

    “Dù thị trường chứng khoán chưa hấp dẫn dòng tiền từ nhà đầu tư, nhất là với áp lực bán ròng của khối ngoại, nhưng phát hành trái phiếu để huy động vốn là phương án khả thi nhất hiện nay” – PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét.

    Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng có một thực tế hiện nay là nhu cầu vốn tín dụng của nhiều DN rất cao nhưng ở chiều ngược lại, áp lực trái phiếu đến hạn trong cuối năm và giai đoạn 2024-2025 là không nhỏ.

    Điều này buộc các DN phải xoay xở từ nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng NH. Do đó, việc huy động vốn từ kênh cổ phiếu cũng là một phương án “chia lửa” cho tín dụng NH, giảm áp lực từ kênh trái phiếu.

    “Thực tế, những DN niêm yết có tài chính lành mạnh, triển vọng, khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn vẫn thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Nếu DN phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá, có triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn… vẫn có cơ hội thu hút dòng vốn dù VN-Index đang quanh quẩn mốc 1.100 điểm. Nhu cầu phát hành cổ phiếu để huy động vốn là rất lớn nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các DN và sự chọn lọc của nhà đầu tư” – TS Đinh Thế Hiển phân tích.

    Phát triển thị trường vốn là cần thiết

    Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang thúc đẩy thị trường vốn nhưng huy động từ kênh này chỉ mới đáp ứng 34% nhu cầu của nền kinh tế, trong khi nhiều thị trường phát triển khác tỉ lệ này lên tới 70%-80%. Tiền từ thị trường chứng khoán không thiếu, quan trọng lúc này là nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch để yên tâm “gửi gắm” vào những DN thật sự triển vọng.

    TS Đinh Thế Hiển cho rằng không chỉ cổ phiếu, nếu DN phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, có khả năng trả nợ trong 2-3 năm tới cũng sẽ thu hút nhà đầu tư.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *