Trong báo cáo chiến lược được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá năm 2024 là năm đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ của FED và nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới, từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng. Các số liệu kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 đã khẳng định xu hướng này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn tiếp theo là: Khi nào FED giảm lãi suất, và với mức độ ra sao? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào triển vọng kinh tế năm 2024 của Mỹ, cùng với số liệu lạm phát giai đoạn sắp tới.
Kịch bản đang được kỳ vọng nhiều nhất, đối với nền kinh tế Mỹ là “hạ cánh mềm”. Ở đó, nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng lành mạnh và lạm phát tiến về mục tiêu 2,0%, tỉ lệ thất nghiệp được kiểm soát tốt dưới 4,0%. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái vẫn không được loại trừ. Đặc biệt, trong bối cảnh phần còn lại của thế giới (Trung Quốc, Châu Âu) vẫn đang tiếp tục gặp khó trong tăng trưởng.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,05% cả năm, với đà tăng trưởng dần được cải thiện vào 6 tháng cuối năm. Mức tăng này thấp hơn kế hoạch 6,5% của Chính phủ nhưng vẫn là một mức tăng trưởng tương đối tích cực so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, nền kinh tế đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực FDI, đầu tư công, thặng dư thương mại. Lạm phát và tỉ giá vẫn trong phạm vi kiểm soát tốt.
Hướng tới năm 2024, ACBS dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6-6,1% tùy thuộc vào 2 kịch bản. Lạm phát được kiểm soát tốt trong khoảng 2,8-3,6%, xuất khẩu tăng trưởng 10-15% so với năm 2023, khả năng mất giá của VND so với USD vào thời điểm cuối năm 2024 không quá 1,3%, lãi suất VND sẽ tiếp tục được duy trì ổn định ở nền thấp hiện tại.
Trong bối cảnh vĩ mô thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng năm 2024, ACBS cho rằng, thị trường chứng khoán có thể diễn biến theo 2 kịch bản với 2 tiềm năng tăng giá rất khác biệt.
Hai kịch bản với thị trường chứng khoán
Với kịch bản cơ sở, ACBS dự báo VN-Index có thể dao động từ 1.000-1.280 điểm trong bối cảnh kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, tuy nhiên lạm phát dai dẳng, FED chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý III/2024, với tốc độ cắt giảm chậm. Kinh tế thế giới, Trung Quốc tăng trưởng thấp.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,6%. Lãi suất VND tiếp tục duy trì ở mức thấp. Do đó, chênh lệch lãi suất USD, VND vẫn cao và kéo dài xuyên suốt năm 2024, áp lực lên tỉ giá USD/VND vẫn hiện hữu. Đồng thời, các biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng cần thêm thời gian để phát huy tác dụng.
Đối với kịch bản này, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn các nhóm ngành và doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận 2024 khả quan, không phụ thuộc lớn vào kỳ vọng “phục hồi” của các nền kinh tế, tình hình tài chính lành mạnh, định giá hấp dẫn như công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, hóa chất, đầu tư công.
Kịch bản tích cực, ACBS dự báo VN-Index có thể dao động trong vùng 1.140-1.400 điểm. Kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng và FED cắt giảm lãi suất sớm, từ giữa quý II/2024 với tỉ lệ cắt giảm sâu, trong khi kinh tế Thế giới tăng trưởng tốt hơn dự báo, kinh tế Trung Quốc phục hồi tích cực.
Còn tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,0%. Lãi suất VND tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, do FED mạnh tay cắt giảm lãi suất USD, chênh lệch lãi suất USD, VND giảm nhanh, theo đó áp lực lên tỷ giá không đáng kể.
Đồng thời, các biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát huy hiệu quả mạnh mẽ và có tính lan tỏa.
Với kịch bản này, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các nhóm ngành vốn hóa lớn, định giá hấp dẫn/rẻ so với lịch sử, có khả năng hấp thụ dòng tiền lớn và có triển vọng hồi phục lợi nhuận so với năm 2023 như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ tiêu dùng.
Để lại một phản hồi