Chủ tịch Chứng khoán HSC chỉ ra những rào cản cuối cùng trong quá trình nâng hạng TTCK

TIN MỚI

    Tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) đánh giá TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển từng giai đoạn, cả về chất lẫn lượng qua gần một phần tư thế kỷ qua. Mặc dù Việt Nam vẫn được xem là một thị trường cận biên (Frontier Market) bởi các tổ chức xếp hạng thị trường trên thế giới, song Chủ tịch Chứng khoán HSC nhận thấy đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi.

    Với những điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Hiện nay, TTCK Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán Thế giới (WFE). Khung pháp lý của TTCK Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển.

    TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào nhóm 3 – thị trường cận biên và đang trong danh sách nhóm chờ nâng hạng thị trường mới nổi.

    FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam đã nỗ lực rất cao.

    Ông Johan Nyvene chỉ ra 3 vấn đề mà TTCK Việt Nam cần đạt được, bao gồm:

    Thứ nhất, mở rộng không hạn chế tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép mở tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, sự chủ động mở rộng tỉ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.

    Chủ tịch Chứng khoán HSC đề xuất các doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện thêm là chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh, để đề xuất nới giới hạn sở hữu nước ngoài.

    Thứ hai, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn. Với việc này Chứng khoán HSC đang tích cực dưới sự chỉ đạo của UBCK hợp tác với các ngân hàng lưu ký nước ngoài để tìm ra giải pháp và tin tưởng mức độ thành công cao và có thể làm được việc này trong thời gian tới.

    Việc phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ, và điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc UBCKNN cùng các cơ quan chức năng khác quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm vượt qua được rào cản này.

    Thứ ba, việc cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường là rất cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.

    Ngoài các điều kiện chính được nêu ra, MSCI và FTSE cũng vạch ra một số tiêu chí khác mà TTCK Việt Nam có thể cải thiện thêm như:

    Thứ nhất là tính thanh khoản. Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam khá cao. Tuy nhiên mức thanh khoản dồi dào như vậy vẫn có thể cải thiện được như điều kiện có thể bán chứng khoán đang chờ về, hoặc khả năng có thể vay và cho vay chứng khoán.

    Thứ hai là tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp. Các công ty niêm yết cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đây là một yếu tố cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp.

    Thứ ba là sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm.

    Thứ tư là tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân.

    Theo ông Johan Nyvene, mục tiêu nâng hạng từ TTCK Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi, sẽ tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia. Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.

    “Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế. Rõ ràng đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam”, Chủ tịch Chứng khoán HSC khẳng định.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *