Sự đồng thuận của loạt trụ cứng giúp VN-Index chính thức vượt kháng cự 1.250 điểm – ngưỡng cản mạnh khiến chỉ số nhiều lần lùi bước trong suốt thời gian qua. VN-Index đóng cửa phiên 28/2 với mức tăng 17 điểm để cán mốc 1.254 – mức điểm cao nhất của chỉ số trong gần 1,5 năm, kể từ tháng 9/2022. Nhìn xa hơn, VN-Index cũng đã ghi nhận tháng thứ 4 tăng điểm liên tiếp với mức tăng gần 250 điểm kể từ đáy tháng 10/2023.
Điều đáng nói, dòng tiền trên thị trường cũng cải thiện mạnh với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE bình quân 10 phiên gần nhất duy trì trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên. Tính chung, thanh khoản khớp lệnh tháng 2 tăng xấp xỉ 21% so với tháng liền trước và đạt mức cao nhất trong gần 5 tháng qua.
Với việc thị trường bứt khỏi vùng cản 1.250 điểm, nhiều nhận định tích cực cho rằng VN-Index đã tạo bước đệm vững chắc để tiến lên những vùng đỉnh cao mới. Song cũng không ít quan điểm thận trọng cho rằng VN-Index có thể lặp lại kịch bản như hồi tháng 9/2023 khi tạo đỉnh tại vùng 1.250 điểm rồi lao dốc mạnh sau đó.
Nhiều lý do cho VN-Index tăng bền vững
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bức tranh vĩ mô năm 2024 nhiều điểm sáng sẽ là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững thay vì tăng nhanh giảm mạnh như năm 2023. Đà tăng tốc của thị trường chứng khoán thời gian gần đây được chuyên gia Yuanta cho rằng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tích cực.
Thứ nhất, xu hướng tăng của VN-Index vẫn được cộng hưởng tích cực từ yếu tố quốc tế. Các chỉ số chứng khoán quốc tế đua nhau lập đỉnh như Nasdaq, S&P500, Dowjones, đặc biệt là chỉ số Shanghai có chuỗi nhiều phiên tăng điểm bất chấp những lo ngại trước đó về sự kiện vỡ nợ bất động sản.
Thứ hai, kỳ vọng câu chuyện chính sách tiền tệ nới lỏng và sự đồng thuận của NHTW thế giới và Việt Nam tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Mặt khác, lãi suất trong nước năm 2024 đã rơi về mức thấp hơn đáy năm 2021 kích thích dòng tiền kênh tiết kiệm quay trở lại kênh rủi ro cao như chứng khoán. Trong khi đó, rủi ro suy thoái, khủng hoảng đã giảm hơn nhiều so với năm 2023 cũng củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư với TTCK.
Thứ ba, quyết tâm của Chính Phủ trong việc nâng hạng thị trường hay đưa hệ thống KRX đi vào vận hành cũng là điểm sáng giúp dòng tiền hào hứng trở lại thị trường.
Thị trường không có lý do để giảm quá sâu
Trên thực tế, đà hưng phấn của nhóm ngân hàng lan toả đến một số nhóm cổ phiếu khác như dòng chứng khoán, thép, bất động sản, thực phẩm,… Nhìn chung, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thay nhau đóng vai trò dẫn dắt giúp VN-Index bật tăng mạnh về điểm số.
“Nhiều người lo ngại thị trường sẽ gặp khó ở vùng 1.250 điểm, song dòng tiền vào chứng khoán quá mạnh và bản chất thị trường không có nhiều lý do để điều chỉnh quá sâu, mức hỗ trợ 1.200-1.210 điểm khá mạnh cho những nhịp điều chỉnh sắp tới. Bởi định giá thị trường sau nhịp hồi phục vẫn thấp hơn trung bình từ năm 2015 đến nay và rủi ro margin không cao khi dư địa cho vay còn nhiều khi các CTCK đã đẩy mạnh tăng vốn trong thời gian qua”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Với sự lan toả của dòng tiền tại nhóm cổ phiế sứu, VN-Index vẫn sẽ có sức bật tốt lên vùng 1.300 điểm, tích cực hơn là 1.414 điểm như kịch bản đưa ra đầu năm. Tất nhiên rung lắc sẽ khó tránh khỏi trong quá trình đi lên, nhưng chuyên gia cho rằng đây là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho tầm nhìn cả ngắn, trung và dài hạn.
Về chiến lược đầu tư thời điểm này, chuyên gia Yuanta cho rằng nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro cao hơn. Cơ hội vẫn xuất hiện tại một số nhóm cổ phiếu mới bắt đầu tăng như thép, một vài cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.
Để lại một phản hồi