PV Oil sau đúng 6 năm lên sàn chứng khoán: Vốn hóa chia đôi, doanh thu cả trăm nghìn tỷ nhưng vẫn còn lỗ luỹ kế, chưa thể thoái vốn dù nhiều cá mập săn đón

OIL:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
TIN MỚI

    Trong 3 “bom tấn” IPO đầu năm 2018, cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là cái tên lên sàn chứng khoán muộn nhất. Đúng ngày này 6 năm trước (7/3/2018), cổ phiếu OIL chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 20.200 đồng/cp.

    Giống như BSR và POW, OIL cũng gây ấn tượng mạnh ngày chào sàn với giao dịch rất sôi động. Cổ phiếu này có thời điểm tăng hơn 36% trước khi đóng cửa ở mức 24.200 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 20% ngay phiên giao dịch đầu tiên. Khối lượng giao dịch đạt 8,3 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn UPCoM.

    Khởi đầu “như mơ” nhưng cổ phiếu này sau đó cũng lại trượt dài giống như “đôi bạn” BSR và POW trước đó. Thời điểm xuống đáy Covid, thị giá OIL chỉ còn khoảng 1/4 so với hồi mới chào sàn. Từ đây, cổ phiếu này bắt đầu đảo chiều đi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, một con sóng kéo dài đến tận đầu năm 2022 vẫn chưa đủ để đưa cổ đông đu đỉnh kịp “về bờ”.

    photo-1709740095977

    Cổ phiếu OIL sau đó lao dốc mạnh và một lần nữa rơi về đáy lịch sử vào giữa tháng 11/2022 trước khi hồi về quanh mệnh giá như hiện nay. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 10.300 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với thời điểm chào sàn.

    Ngược thời gian về thời điểm cuối tháng 1/2018, phiên IPO của PV Oil diễn ra rất thành công với gần 4.000 nhà đầu tư tham gia cùng lượng đặt mua gấp đôi so với lượng chào bán. PV Oil khi đó bán hết 206,8 triệu cổ phiếu với giá bình quân 20.196 đồng/cp. Như vậy, cổ đông trung thành của PV Oil bám trụ từ khi IPO đến nay vẫn đang lỗ nặng.

    Nhiều cá mập “nhăm nhe” nhưng chuyện thoái vốn để ngỏ

    PV Oil thành lập tháng 6/2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC). Tổng công ty có vốn điều lệ hơn 10.300 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nắm 100%.

    Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, ngoài bán ưu đãi cho CBCNV 0,18%; IPO 20%; PV Oil sẽ bán cho cổ đông chiến lược 44,72% cổ phần. Tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ. Thời điểm đó, nhiều “đại gia” nước ngoài như Shell, Demitsu, Kuwait Petroleum International, Puma, SK…và 2 nhà đầu tư trong nước là quỹ đầu tư Sacom và Sovico Holdings đã ngỏ ý muốn đầu tư vào PV Oil.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ thương vụ mua cổ phần chiến lược nào diễn ra. PVN vẫn đang nắm quyền chi phối hơn 80% cổ phần tại PV Oil và kế hoạch thoái vốn về 35% như phương án cổ phần cổ phần hóa đề ra vẫn còn dang dở.

    photo-1709740128380

    Thay vào đó, các cá mập lại “nhăm nhe” gom cổ phần qua sàn. Điển hình là trường hợp của SK Energy Co., Ltd (Hàn Quốc) sau thời gian dài âm thầm mua gom đã chính thức trở thành cổ đông lớn của PV Oil từ tháng 11/2018 sau khi mua vào 3,55 triệu cổ phiếu OIL để nâng sở hữu lên 54,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,23%). Đến nay, tổ chức này vẫn là cổ đông ngoại duy nhất nắm trên 5% vốn của PV Oil.

    Một cái tên khác đang đầu tư vào PV Oil là Vietjet Air (cùng nhóm Sovico Holdings). Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023, doanh nghiệp này đang nắm giữ 50 triệu cổ phiếu OIL trong khoản mục chứng khoán kinh doanh. Đáng chú ý, giá gốc của khoản đầu tư lên đến 990 tỷ đồng tương ứng 19.800 đồng/cp, tức là Vietjet Air mua vào OIL gần đỉnh. Đến cuối năm 2023, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn hơn 500 tỷ và Vietjet Air phải trích lập dự phòng gần 490 tỷ đồng.

    photo-1709740143511

    Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2023 của Vietjet Air

    Doanh thu “khủng” nhưng lợi nhuận “bèo”

    PV Oil là đơn vị duy nhất thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu và kinh doanh dầu thô của PVN, cung cấp dầu thô từ nguồn nội địa cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất (do CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý và vận hành) với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó công ty còn xử lý, sản xuất condensate và xăng E5.

    Nguồn cung xăng dầu của PV Oil đến từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 70%, doanh nghiệp tự pha chế và sản xuất chiếm khoảng 15 – 20%, và còn lại là nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc,.. theo hạn mức từ Bộ Công Thương giao.

    Với lĩnh vực phân phối, PV Oil có khoảng 2.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (bao gồm 1.500 đại lí), con số này chỉ xếp sau Petrolimex với 5.500 cửa hàng. Thị phần bán lẻ xăng dầu của PV Oil cũng xếp thứ 2 cả nước với khoảng 18%, chỉ sau Petrolimex. Tổng công ty đang có kế hoạch gia tăng thêm thị phần lên 35% thông qua các hoạt động M&A và đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng bán lẻ.

    Mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp cả nước, không bất ngờ khi doanh thu của PV Oil rất khủng, vào loại hàng đầu sàn chứng khoán. Trong 2 năm gần nhất (2022-23), PV Oil đều ghi nhận doanh thu thuần trên 100.000 tỷ, tương ứng bình quân mỗi ngày nhà bán lẻ xăng dầu này thu khoảng 270 tỷ đồng.

    photo-1709740195203

    Tuy nhiên, lợi nhuận của PV Oil khá mỏng chỉ vài trăm tỷ mỗi năm và trồi sụt thất thường. Biên lãi ròng thường xuyên duy trì dưới 1%, thậm chí có năm thua lỗ. Thời điểm cuối năm 2023, PV Oil còn lỗ luỹ kế gần 882 tỷ đồng, chủ yếu đến từ trước khi cổ phần hóa giữa năm 2018. Đây là một trong những rào cản khiến kế hoạch chuyển niêm yết sang HoSE của PV Oil chưa thể triển khai.

    photo-1709740208305

    Ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống, PV Oil cũng ấp ủ nhiều kế hoạch tham vọng trong các lĩnh vực mới. Điển hình như vào năm 2022, PV Oil đã hợp tác với VinFast hoàn thành lắp đặt gần 300 trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu PV Oil trên toàn quốc. Việc hợp tác này được đánh giá là bước đầu thực hiện chiến lược trở thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng cho các phương tiện giao thông, không chỉ xăng dầu mà còn có cả năng lượng điện và hydro trong tương lai. Ngoài ra, PV Oil cũng đang có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực cung cấp nhiên liệu bay JetA1, tận dụng lợi thế mối quan hệ với cổ đông VietJet Air.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *