Đầu tư vào quỹ là điều đa số người dân tại các thị trường phát triển thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia đầu tư vào các quỹ còn hạn chế, đa số là nhà đầu tư cá nhân tự giao dịch. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đã có những chia sẻ về xu hướng đầu tư vào các quỹ tại Việt Nam giai đoạn hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly: Năm 2023 vừa qua có nhiều thách thức với các nhà đầu tư trên thị trường, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư của các quỹ?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, Công ty Quản lýQuỹ Vietcombank (VCBF)
Nhìn chung trong năm qua, các quỹ có lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index. Trong tổng số 20 quỹ cổ phiếu mà VCBF thống kê thì chỉ có 3 quỹ có kết quả thấp hơn VN Index. Trong đó, quỹ cổ phiếu tăng trưởng VCBF có lợi nhuận đứng đầu thị trường, đạt 32% trong năm 2023, đặc biệt là trong một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế. Chúng tôi đã kiên định với chiến lược tìm kiếm các khoản đầu tư hấp dẫn giúp cho quỹ đạt lợi nhuận rất cao mà không cần phải giao dịch thường xuyên. Các quỹ cổ phiếu hàng đầu và cân bằng chiến lược của chúng tôi cũng đạt lợi nhuận gần 17%.
Đã có nhiều nhà đầu tư biết đến các quỹ hơn nhưng vẫn còn không ít nhà đầu tư chưa quen đầu tư thông qua các quỹ, dù trong những năm vừa rồi nhiều công ty đã có kết quả đầu tư vượt trội, theo bà vì sao?
Thực tế, quỹ mở mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, tuy nhiên hầu hết nhà đầu tư cá nhân Việt Nam chưa lựa chọn đầu tư vào loại hình quỹ này. Theo một thống kê của UBCK NN, tại ngày 31/3/2023, mới chỉ có hơn 212.600 nhà đầu tư quỹ mở, cùng với 35.581 nhà đầu tư tham gia quỹ ETF, chỉ chiếm 0,25% dân số Việt Nam đã đầu tư quỹ đại chúng tính đến thời điểm này.
Theo tôi, có nhiều lý do để giải thích cho việc này. Thứ nhất do tâm lý sợ lỗ do thị trường biến động. Tuy nhiên, việc đầu tư thông qua quỹ sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Một điểm ưu việt của chứng chỉ quỹ là Quỹ sẽ đầu tư vào một rổ nhiều cổ phiếu nên gần như không có trường hợp quỹ giảm 50 hay 70% như trường hợp nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào một cổ phiếu riêng lẻ.
Thứ hai là tâm lý muốn nhân tài khoản lên vài lần trong thời gian ngắn, hay là mua đáy, bán đỉnh. Tuy nhiên, bài học rút ra trong suốt hơn 13 năm làm quản lý đầu tư của tôi cho thấy những quyết định ảnh hưởng tệ nhất đến danh mục là khi tôi muốn mua đáy bán đỉnh, và thực tế là chưa bao giờ làm được điều này, trong khi vì tâm lý mua đáy bán đỉnh mà có thể bỏ lỡ cơ hội nắm giữ các cổ phiếu tốt có khả năng tăng nhiều lần.
Yếu tố thứ ba là ngành quản lý quỹ còn mới, kiến thức nhà đầu tư còn chưa nhiều, cảm giác thiếu tin tưởng khi đầu tư vào quỹ.
Yếu tố cuối cùng là hệ thống đại lý phân phối chưa phát triển, các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ giới thiệu trong khi ngân hàng là kênh phân phối chính của loại hình này. Còn các công ty chứng khoán cũng bỏ ngỏ mảng phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ tập trung vào môi giới khuyến khích nhà đầu tư giao dịch.
Giai đoạn 2022, thị trường đã có nhiều biến động sau giai đoạn thăng hoa. Theo bà, nhà đầu tư có thay đổi cách nhìn nhận về các quỹ?
Năm 2020-2021 khi thị trường tăng chủ yếu do dòng tiền rẻ và sự tham gia mới thêm của các nhà đầu tư F0, nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư rất dễ dàng. Tuy vậy đợt giảm mạnh của thị trường năm 2022 đã tạo ra một bài học rất lớn cho các nhà đầu tư cá nhân rằng đầu tư không phải ai cũng có thể kiếm tiền từ kênh này. Và sau những sự kiện đó, tôi đã thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến quỹ đã tăng lên đáng kể. Quan sát tại VCBF, năm 2023 số lượng nhà đầu tư của quỹ đã tăng lên 3 lần. Tôi nghĩ là đầu tư vào quỹ là nhu cầu thiết yếu của mọi nhà, cũng giống như việc gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, bất động sản…Nhà đầu tư nào sớm nhận thức được điều này, sớm đầu tư với quỹ và kiên định thực hiện kế hoạch tài chính của mình sẽ thấy được thành quả.
Các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, chúng ta có thể thấy ngành quỹ đang ngày càng phát triển hơn, tuy nhiên con số này nếu so với các nước trong khu vực và các nước phát triển thì tiềm năng vẫn còn rất lớn?
Theo số liệu của BCG, tổng tài sản của các công ty quản lý quỹ trên toàn cầu cuối năm 2023 đạt 98,3 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 98% GDP toàn cầu năm 2022. Còn theo số liệu của Hiệp hội các quỹ đầu tư quốc tế, quy mô quỹ mở và quỹ ETF toàn cầu đạt khoảng 63 nghìn tỷ USD với gần 138 nghìn quỹ, tương đương gần 63% GDP toàn cầu năm 2022. Trong đó, Trung Quốc, nước có ngành quản lý quỹ chỉ mới bắt đầu từ năm 1998 và quỹ mở đầu tiên thành lập năm 2001, nhưng đã có quy mô quỹ mở và ETF đạt gần 3.400 tỷ USD vào quý 1/2023, tương đương gần 19% GDP năm 2022 với hơn 9.400 quỹ các loại. Ấn Độ là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, nhưng có chính sách mạnh mẽ thu hút nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ mở ghi nhận quy mô quỹ mở và ETF đạt gần 473 tỷ USD, tương đương gần 14% GDP năm 2022. Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, quy mô quỹ mở và ETF cuối quý 1/2023 đạt 30,3 nghìn tỷ USD, bằng 119% GDP năm 2022 với hơn 10.200 quỹ.
Tại Việt Nam, theo số liệu của UBCK Nhà nước, mặc dù đã có những bước phát triển đáng khích lệ, quy mô của các quỹ đầu tư chỉ là 72.600 tỷ đồng đến 31/3/2023, gần như không đáng kể chỉ chiếm 0,8% GDP. Các quỹ đầu tư chỉ chiếm 12% tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ với tổng cộng 99 quỹ đầu tư, trong đó quỹ ETF chiếm tới 45% tổng tài sản, và trung bình nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 61% các quỹ ETF. Như vậy, điều này cho thấy ngành quản lý quỹ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển và tiềm năng ở phía trước còn rất lớn.
Năm 2024 dự báo vẫn còn những khó khăn thách thức, dưới góc nhìn của các quỹ, bà đánh giá như thế nào về nền kinh tế và thị trường chứng khoán?
Hiện tại, tôi nghĩ rằng có thể khẳng định là FED đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và việc giảm lãi suất chỉ là vấn đề thời gian nhưng chắc chắn sẽ xảy ra và như vậy là thế giới sẽ đi vào chu kỳ giảm lãi suất trong thời gian tới. Có thể có một vài biến động về giá năng lượng, lương thực do địa chính trị hay ảnh hưởng của Elnino nhưng việc lạm phát tăng trở lại như năm 2022 là rất khó xảy ra. Còn lãi suất tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Như vậy, năm 2024 tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn sẽ cao hơn 2023 nhờ các động lực tăng trưởng đều được dự báo hồi phục tốt hơn 2023.
Xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng tăng trưởng rất ấn tượng và sự phục hồi này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024 do các hãng bán lẻ nước ngoài, sau thời gian thu hẹp đáng kể hàng tồn kho năm 2023 đã bắt đầu quay trở lại tăng dự trữ hàng tồn kho. Vốn FDI giải ngân năm 2022, 2023 đều ở mức rất cao, giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng mạnh do khách Trung Quốc đến trong năm 2023 mới đạt khoảng 30% trước Covid. Còn giải ngân đầu tư công năm nay mặc dù kế hoạch giảm so với năm trước nhưng sẽ thực chất hơn do đi vào giai đoạn thi công. Trong một môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế hồi phục, thị trường chứng khoán thường có xu hướng tích cực.
Tại các thị trường phát triển, vai trò của các quỹ đầu tư rất lớn, vậy theo bà, cần triển khai thêm những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ, qua đó hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy thị trường phát triển hơn trong thời gian tới?
Để ngành quỹ có thể phát triển tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, trở thành nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp có chất lượng cao phát triển, cũng như là công cụ quan trọng trong xây dựng thịnh vượng tài chính cho cá nhân, rất cần sự chung tay của tất cả các chủ thể tham gia chuỗi giá trị của ngành bao gồm Chính phủ, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và đặc biệt là nhận thức của công chúng đầu tư.
Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, chúng tôi mong có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn, đồng thời có các quy định cởi mở hơn để phát triển ngành quỹ.
Ví dụ tại Trung Quốc, năm 1998 công ty quản lý quỹ đầu tiên được thành lập nhưng chỉ đến năm 2002 Quỹ bảo hiểm xã hội của Trung Quốc đã được uỷ thác danh mục cho công ty quản lý quỹ đầu tư; hay cho phép các ngân hàng thương mại được phân phối chứng chỉ quỹ, mong là Việt Nam có thể sớm có các quy định tương tự. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể có các quy định phù hợp hơn để khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quỹ đầu tư trái phiếu, hay tạo điều kiện để công ty quản lý quỹ có công cụ để tạo ra các giải pháp mới cho nhà đầu tư, ví dụ như quỹ thị trường tiền tệ. Ở Việt Nam, quy mô quỹ thị trường tiền tệ gần như không đáng kể do quỹ không có công cụ đầu tư phù hợp. Trong khi đó trên thế giới, quỹ thị trường tiền tệ chiếm tới gần 15% tổng tài sản của các quỹ mở, cá biệt ở Trung Quốc chiếm tới gần 48% tổng tài sản các quỹ. Hoặc chúng ta cũng có thể thực hiện các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ cũng cần có những chuyên gia thực sự chất lượng, am hiểu về quản lý quỹ, có tư duy đầu tư dài hạn và đầu tư vì lợi ích dài hạn của khách hàng. Còn về phía công chúng đầu tư thì cần thay đổi nhận thức rõ hơn về quỹ đầu tư là một công cụ để tích sản, và đầu tư với lợi nhuận cao so với gửi tiết kiệm. Với các yếu tố như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển quỹ ngành quỹ trong tương lai.
Để lại một phản hồi