Cổ phiếu Vietnam Airlines cất cánh, “khách tây” ồ ạt lên tàu dù giá vé cao nhất 2 năm

HVN:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
TIN MỚI

    Thị trường chứng khoán phiên 9/5 chứng kiến áp lực bán ròng rất mạnh của khối ngoại với giá trị lên đến 1.700 tỷ đồng. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng được mua ròng, nổi bật là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

    Trong phiên vừa qua, HVN được khối ngoại mua ròng gần 10,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Đây là khối lượng và giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài cao kỷ lục trên cổ phiếu này.

    photo-1715251064419

    Lực mua mạnh từ khối ngoại góp phần không nhỏ giúp cổ phiếu HVN ngược dòng tăng mạnh bất chấp thị trường điều chỉnh. Cổ phiếu này kết phiên 9/5 với mức tăng 5,58% lên 20.800 đồng/cp, cao nhất trong vòng 2 năm. Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 46.000 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm.

    Đáng chú ý, cổ phiếu HVN hiện vẫn đang nằm trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE. Ngoài ra, cổ phiếu này còn có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ luỹ kế dẫn đến âm vốn chủ sở hữu.

    photo-1715251080381

    Về lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

    Theo đó, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

    Thực tế, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines cũng đang có những chuyển biến tích cực. Quý 1/2024, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong một quý kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

    Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Bamboo Airways – đối thủ cạnh tranh trực tiếp với phân khúc khách hàng ở thị trường trong nước của Vietnam Airlines vài năm gần đây đã phải cắt giảm một loạt đường bay và đội tàu bay giúp công ty có thêm thị phần.

    photo-1715251107702

    photo-1715251121233

    Trong quý đầu năm, giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp Vietnam Airlines lãi gộp 4.048 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 3.672 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, hãng hàng không này lãi ròng kỷ lục 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lỗ 103 tỷ đồng.

    Theo giải trình, lợi nhuận quý này của Vietnam Airlines tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hãng bay có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024, Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay (đây là quý đầu tiên sau đại dịch covid Pacific Airlines có kết quả kinh doanh lãi).

    Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 23/5 tới đây, Vietnam Airlines sẽ chốt danh sách đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 21/6/2024.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *