SCS:
Lĩnh vực kinh doanh nhà ga, cho thuê kho, vận chuyển hàng hóa tại sân bay là một trong những lĩnh vực “hot” do không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác được. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các DN trong ngành này cho thấy, suất sinh lời dường như ‘bất khả chiến bại’ trên thị trường và là con số đáng mơ ước đối với bất kỳ một nhà kinh doanh nào.
Ngành vận tải hàng không ấm lên, doanh nghiệp nhanh tay giành về vị “khách sộp”
Những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy triển vọng khả quan của ngành vận tải hàng không, sản lượng hàng không tăng tới 36,5% so với cùng kỳ, trái ngược hoàn toàn với tình trạng trì trệ của năm trước. Với việc nắm giữ 15% thị phần toàn quốc và 45% thị phần ở Tân Sơn Nhất, thị trường vận tải hàng không ấm lên tác động rõ rệt tới CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service – SCSC, mã SCS).
Theo thống kê tại tổng lượng hàng hoá SCSC phục vụ trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 81.755 tấn, trong đó lượng hàng hoá 2 tháng gần nhất tăng mạnh với điểm nổi bật là sản lượng hàng hoá quốc tế tăng vọt.
Thế nhưng, câu chuyện tại SCSC không dừng lại ở việc bối cảnh chung hồi phục . Tháng 2/2024, SCSC chính thức giành được hợp đồng của khách hàng mới Qatar Airways trong tháng 2/2024 từ tay Tân Sơn Nhất Cargo (TCS) – công ty con của Vietnam Airlines. Công ty đã “thừa nhận” sự đóng góp của “vị khách sộp” đem lại sự tích cực cho đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh bên cạnh những khách hàng hiện hữu.
Riêng trong quý 1/2024, doanh thu gần 213 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí gần như không thay đổi, đặc biệt còn gần như không phát sinh chi phí tài chính. Kết quả, DN này lãi sau thuế 247,3 tỷ đồng trong quý 1, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty này đã lấy lại đà tăng trưởng sau 4 quý lợi nhuận giảm liên tiếp.
Năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch với doanh thu 968 tỷ đồng, lãi trước thuế 680 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 19,6% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục, lợi nhuận cũng tiến sát mức đỉnh hồi 2022. Như vậy so với kế hoạch, DN này đã hoàn thành gần 25% mục tiêu cả năm sau 3 tháng đầu tiên.
Biên lãi cao ấn tượng nhờ “hậu thuẫn” từ cổ đông lớn, cổ phiếu liên tục phá đỉnh
Tại thị trường miền Nam,SCSC chiếm lĩnh mảng lớn thị trường và chỉ có một đối thu duy nhất là TCS. Dù vậy, Saigon Cargo Service tỏ ra thắng thế với thị phần ngày càng mở rộng. Chưa kể, tại Tân Sơn Nhất, Saigon Cargo Service là nhà ga duy nhất có khả năng mở rộng công suất (khả năng mở rộng 75% công suất hiện tại).
Không những vậy, xét về khả năng tạo lợi nhuận trên doanh thu, Saigon Cargo Service ghi nhận mức biên lãi gộp vượt bậc. Cả năm 2023, biên lãi gộp đạt 76% – thuộc top cao nhất sàn chứng khoán. Tiếp đà trong quý đầu năm 2024, biên lãi gộp duy trì ở mức 79%, tương ứng “thu 1 đồng lãi gần 8 đồng”. Những doanh nghiệp khác cùng ngành, con số thấp hơn tương đối như Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) khoảng 45-50%.
Việc giá vốn khai thác ga của Saigon Cargo Service thấp có một phần xuất phát từ việc được khai thác mảnh đất 14,3ha tại Sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41 thuộc Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, cơ cấu cổ đông sáng lập của Saigon Cargo Service gồm 2 ông lớn trong ngành là Gemadept và ACV. Hiện hai cổ đông lớn nhất này lần lượt nắm 35,96% vốn và 14,65% vốn tại SCSC.
Ngược lại, hàng năm Saigon Cargo Service đem lại không ít lợi nhuận trở lại cho các cổ đông lớn này. Riêng trong quý 1/2024, Gemadept ghi nhận tăng thêm gần 50 tỷ lợi nhuận đầu tư tại SCS, đưa giá trị đầu tư lên 609 tỷ, tổng cộng tăng 50% so với giá gốc.
Phản ứng với luồng thông tin tích cực, cổ phiếu SCS trên sàn duy trì đà tăng tốt từ cuối năm 2023 tới nay, thị giá vừa thiết lập mức đỉnh lịch sử 88.200 đồng/cp trong phiên 7/5, tương ứng tăng 26% kể từ đầu năm. Cuối phiên 9/5, thị giá điều chỉnh đôi chút xuống 87.000 đồng/cp.
Kỳ vọng cú hích từ dự án sân bay Long Thành
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Yuanta nhận định hợp đồng ký với Qatar Airways dự kiến đóng góp khoảng 40.000 tấn thông lượng hàng hoá mỗi năm cho SCSC, tương đương 29% tổng lượng hàng hoá quốc tế trong năm 2023.
Mặt khác, theo Yuanta, ACV chuẩn bị mở thầu nhà ga hàng hoá số 1 trong vài tháng tới. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 6/2024 và hoàn thành vào tháng 5/2026. Saigon Cargo Service kỳ vọng sẽ giành được một phần của gói thầu.
Tương tự, Chứng khoán VNDIRECT trong nhận định mới nhất cũng bày tỏ quan điểm tin rằng việc phục hồi đơn hàng từ các thị trường lớn sẽ cải thiện sản lượng hàng không. Dự kiến sản lượng hàng không toàn cầu sẽ tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, mang đến hy vọng cho ngành sản xuất toàn cầu.
VNDIRECT ước tính việc Qatar Airways chuyển hoạt động hợp tác sang SCSC sẽ giúp tăng thêm 30.000 sản lượng hàng không trong năm 2024, chiếm khoảng 12,5% sản lượng hàng không kỳ vọng cả năm. Ngoài ra, SCSC được kỳ vọng sẽ giành được một phần trong gói thầu Nhà ga hàng hóa số 1 tại Long Thành, mở ra tiềm năng phát triển lớn cho doanh nghiệp.
Theo ước tính, nếu SCSC trúng thầu từ 10% đến 20% gói thầu, chi phí vốn cho dự án sẽ dao động từ 77,9 đến 155,8 triệu USD.Với chiến lược chuyển các chuyến bay quốc tế sang san bay Long Thành của ACV, SCSC dự kiến sẽ dần chuyển dịch nguồn lực của mình sang sân bay mới này, tùy thuộc vào việc được xác nhận là nhà khai thác chính thức. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển lớn của doanh nghiệp trong tương lai.
Để lại một phản hồi